27/12/2024

Sức ép chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ

Sức ép chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ

Nhiều áp lực bủa vây Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp Mỹ vì chưa phê chuẩn ngân sách cho nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden.
Việc kiểm phiếu lại bằng tay tại bang Georgia sắp hoàn thành /// AFP
Việc kiểm phiếu lại bằng tay tại bang Georgia sắp hoàn thành  AFP
Là cơ quan độc lập của chính phủ, Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) giữ vai trò ít được biết đến khi Mỹ có tổng thống tân cử: ký các thủ tục hành chính để chính thức chuyển hàng triệu USD cho nhóm chuyển giao quyền lực của tổng thống tân cử, theo tờ The Washington Post. GSA đồng thời trao quyền cho nhóm chuyển giao quyền lực để tiếp cận các quan chức chính phủ, báo cáo tóm lược thông tin tình báo gửi cho tổng thống hằng ngày, văn phòng và thiết bị cần thiết.

“Tắc” quyết định

Theo đạo luật năm 1963, người đứng đầu GSA, hiện là bà Emily Murphy, sẽ đưa ra quyết định thực hiện vai trò kể trên khi người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 3.11 được “xác định chắc chắn”. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả chính thức của cuộc bầu cử và tranh cãi giữa hai ứng viên chưa có hồi kết nên các quy trình trên chưa được thực hiện.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden được các hãng truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử tổng thống Mỹ và nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chúc mừng. Đích thân ông Biden cũng có tuyên bố chiến thắng và đang xúc tiến thành lập bộ máy nội các của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không công nhận ông Biden chiến thắng, đồng thời cho rằng có gian lận xảy ra trong quá trình kiểm đếm phiếu bầu ở nhiều bang.
Lúc này, người đứng đầu GSA chịu nhiều áp lực vì các cơ quan, tổ chức giám sát bầu cử, đảng Dân chủ, Hiệp hội Y khoa Mỹ cùng hiệp hội khác đã đề nghị cơ quan này công nhận ông Biden là tổng thống tân cử. Ông Biden hôm qua cũng kêu gọi GSA phê duyệt ngân sách cho nhóm chuyển giao quyền lực của ông để không gây cản trở nỗ lực thực hiện kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ và kiểm soát đại dịch Covid-19 ở nước này.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều 19.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam tôn trọng quyết định của nhân dân Mỹ và khẳng định, dù ai thắng cử thì Mỹ cũng là đối tác hàng đầu của Việt Nam, có mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Vũ Hân
Tuy vậy, một phát ngôn viên của GSA hôm qua nói: “Bà Murphy sẽ có quyết định khi người chiến thắng được xác định rõ ràng”. Reuters dẫn lời các nguồn tin từ chính phủ Tổng thống Trump cho rằng việc GSA ra quyết định khi cuộc kiểm phiếu lại hoàn tất và các đơn kiện được giải quyết là “điều hợp lý”. Một quan chức chính phủ Mỹ hôm qua nhấn mạnh không có chuyện Nhà Trắng gây áp lực buộc bà Murphy từ chối công nhận ông Biden là người chiến thắng.

Phía ông Trump tiếp tục kiện

Theo Reuters ngày 19.11, đội ngũ thực hiện chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đề nghị tòa án tuyên bố ông chiến thắng ở bang Pennsylvania, đồng thời cho rằng nghị viện bang do đảng Cộng hòa kiểm soát nên chọn các đại cử tri để bỏ phiếu. Trong đơn nộp đến tòa, phía ông Trump đề nghị thẩm phán Matthew Brann cân nhắc ra phán quyết rằng “kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 là có thiếu sót và nghị viện Pennsylvania sẽ chọn các đại cử tri của bang”. Đây là nỗ lực mới của phía ông Trump nhằm sửa đổi vụ kiện ngày 9.11 liên quan kết quả bầu cử tại Pennsylvania, vốn là bang chiến địa quan trọng với 20 phiếu đại cử tri. Theo CNN, ứng viên Biden dẫn trước tại bang này với tỷ lệ 50% (3.450.696 phiếu), so với 48,8% của ông Trump (3.368.278 phiếu).
Cùng ngày, các quan chức phụ trách bầu cử ở bang Georgia và Wisconsin cho biết cuộc tái kiểm phiếu sắp hoàn thành, đồng thời dự báo không có khả năng thay đổi chiến thắng của ông Biden ở 2 bang này. Tại bang Arizona, quan chức cấp cao phụ trách bầu cử Katie Hobbs kịch liệt phản đối những lời đe dọa chống lại gia đình và nhân viên của bà gần đây. Truyền thông Mỹ dự đoán ông Biden chiến thắng ở Arizona và bà Hobbs nhấn mạnh: “Thủ đoạn đe dọa không thể ngăn cản tôi thực hiện nhiệm vụ chứng nhận kết quả bầu cử tại bang vào ngày 30.11”.
Tổng thống Trump chi 3 triệu USD để kiểm phiếu lại tại 2 hạt thuộc bang Wisconsin sau khi ông Biden được truyền thông dự đoán đã giành chiến thắng ở bang chiến địa này. Chính quyền Wisconsin thông báo đã nhận một phần trong số 3 triệu USD chi phí kiểm phiếu lại. Trước đó, chính quyền bang Wisconsin thông báo cuộc kiểm phiếu lại trên toàn bang sẽ tiêu tốn khoảng 7,9 triệu USD và ban vận động tái tranh cử của ông Trump phải chi trả trước nếu yêu cầu.
PHÚC DUY
TNO