Giáo viên hãy cho học sinh thấy sự tâm huyết và sống thật!

Giáo viên hãy cho học sinh thấy sự tâm huyết và sống thật!

Thầy Võ Kim Bảo chia sẻ bí quyết để được học sinh yêu mến, giáo viên trẻ cần nhất 2 điều: Một là cho các em thấy sự tâm huyết của mình và hai là sống thật.
Thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy bên học trò của mình /// Nguyễn Tuấn
Thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy bên học trò của mình  NGUYỄN TUẤN
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 không chỉ là ngày tôn vinh nghề mình theo đuổi mà còn là dịp để các giáo viên trải lòng về mục tiêu giáo dục của mình.

Kích thích hứng thú của học sinh

Theo định hướng mới của chương trình giáo dục 2018 thì giáo dục hình thành kiến thức sẽ thay thế bằng định hướng giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực. Từ đó, thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM, nhìn nhận, trước đây việc dạy học hướng đến câu hỏi “học sinh biết gì?” thì nay được thay đổi bằng quan điểm “học sinh làm được gì”. Như vậy có thể thấy theo định hướng mới nhiệm vụ của giáo dục hướng hình thành kỹ năng hơn là nhồi nhét kiến thức.

Để học sinh hứng thú hơn với việc học thì vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Người thầy phải chủ đạo, còn trò thì chủ động, có như thế việc dạy và học mới đạt hiệu quả tốt. Tức việc dạy và học không mang tính một chiều mà phải đến từ 2 phía. Người thầy ngoài việc truyền thụ kiến thức còn có vai trò kích thích, khơi gợi sự ham thích, hứng thú, để từ đó mới có thể kích hoạt được những phẩm chất và năng lực của học sinh.

“Thay vì kiến thức được học sinh ghi chép, thậm chí thuộc lòng tất cả các vấn đề, thì cá nhân tôi thường khơi gợi cho các em sự thú vị, tìm tòi. Trước tiết học, tôi sẽ giới thiệu sơ về tác giả, tác phẩm văn học sẽ dạy, sau đó giao nhiệm vụ cho các em tìm hiểu bằng hệ thống các câu hỏi (một hình thức soạn bài trước). Vào lớp, thầy trò cùng nhau đọc, trao đổi, tìm hiểu. Hôm sau vào lớp các em thuyết trình, chia sẻ thông tin mà các em hiểu bằng nhiều hình thức”, thầy Huy cho biết.

Cũng theo thầy Huy, bước sau cùng, giáo viên sẽ là người bình giảng, khắc sâu những vấn đề các em đã hiểu và mở rộng những điều mà các em chưa tìm hiểu tới.

Giáo viên hãy cho học sinh thấy sự tâm huyết và sống thật! - ảnh 1

Thầy Võ Kim Bảo vui vẻ cùng học sinh  BẢO CHÂU

Ý tưởng phải dựa trên đặc điểm tâm lý của học sinh

Luôn luôn cùng các thành viên tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) thiết kế và xây dựng những ý tưởng đổi mới cách dạy và học, thầy Võ Kim Bảo rút ra kinh nghiệm, ý tưởng phải dựa trên đặc điểm tâm lý và sở thích của học sinh. Và không hẳn ý tưởng nào cũng hoàn toàn của riêng mình, giáo viên có thể đi dự giờ, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp ở các trường khác, hay tham gia các buổi tập huấn phương pháp dạy học để có được những hiểu biết ban đầu về các hình thức, phương pháp dạy học hiện đại.

Các ý tưởng đổi mới là một điểm nhấn của quá trình thay đổi phương pháp dạy học. Các tiết học bình thường trên lớp, có những bài khó chỉ có thể dùng cách thuyết giảng, truyền đạt tri thức thông thường nhưng giáo viên cũng phải dạy thật tốt thì các em mới bắt nhịp với các hoạt động học tập mới được.

Theo nhìn nhận của thầy Bảo, học sinh bây giờ lớn nhanh, các em hiểu biết nhiều và có nhận thức rất tốt. Các em sớm nhận ra thầy cô nào nhiệt tình, công bằng, có tâm huyết. Có khi các em yêu mến một cô giáo tính tình khá nghiêm khắc nhưng lại cực kỳ công bằng. Hay có khi các em yêu mến một thầy giáo vì thầy sẵn sàng nhận lỗi sai của mình trong bài giảng vì vô ý…

Từ đó thầy Bảo chia sẻ bí quyết, để được học sinh yêu mến, giáo viên trẻ cần nhất 2 điều: Một là cho các em thấy sự tâm huyết của mình và hai là sống thật. Sống thật là trung thực, công bằng, dám nhận sai, không thiên vị…

BÍCH THANH

TNO