28/12/2024

Bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi: Khó xử phạt!

Bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi: Khó xử phạt!

Nghị định 117/2020 có hiệu lực từ 15.11, quy định cụ thể nhiều hành vi và mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, nhưng chính những “người trong cuộc” cho rằng khó khả thi ở thực tế.
Nghị định 117 có điều khoản xử phạt với hành vi hút thuốc lá với người từ 16 đến dưới 18 tuổi; sử dụng người dưới 18 tuổi mua thuốc lá /// Ảnh: Ngọc Dương
Nghị định 117 có điều khoản xử phạt với hành vi hút thuốc lá với người từ 16 đến dưới 18 tuổi; sử dụng người dưới 18 tuổi mua thuốc lá  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Hôm qua 12.11 tại TP.Đà Nẵng, Vụ Pháp chế – Bộ Y tế tập huấn, phổ biến nội dung Nghị định 117 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nhiều ý kiến về tính khả thi trong việc xử phạt đã được đặt ra.

Vi phạm về sử dụng rượu bia, thuốc lá… “gần như không xử phạt được”

Các y bác sĩ, nhân viên y tế tại TP.Đà Nẵng đã nêu những thắc mắc về rất nhiều điểm mới của Nghị định 117/2020 (gọi tắt NĐ 117, có hiệu lực thi hành từ 15.11 tới) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cả những nội dung cũ đã từng quy định trước đó nhưng tính khả thi không cao. Đặc biệt là những sai phạm trong việc sử dụng người nước ngoài “thực hiện quá khả năng chuyên môn” tại các phòng khám có yếu tố người nước ngoài; chức năng xử phạt, lập biên bản của các đơn vị; quản lý các cơ sở thẩm mỹ có các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, lĩnh vực làm đẹp không thuộc dịch vụ thẩm mỹ; lĩnh vực quản lý dược…

Xử phạt hút thuốc lá trong bệnh viện, sợ xảy ra “xung đột”

Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Thanh Hóa, cho biết nhiều năm qua BV đã thực hiện gắn biển cấm, hoặc cảnh báo cán bộ, nhân viên, người bệnh và người nhà bệnh nhân không được hút thuốc lá trong khuôn viên BV, nhưng thực tế rất khó để thực hiện nghiêm, nếu ý thức người dân không tự giác chấp hành, kể cả khi NĐ 117 có hiệu lực. “Từ trước đến nay, chúng tôi chưa lập biên bản, xử phạt hành chính trường hợp nào hút thuốc lá trong BV. NĐ 117 sắp có hiệu lực, có nhiều chế tài, nhưng để thi hành không đơn giản chút nào. Khi lập biên bản người hút thuốc lá, rất dễ xảy ra xung đột giữa nhân viên BV với người hút thuốc, mà môi trường BV lại rất đặc thù về nghiệp vụ cứu chữa bệnh nhân, để xảy ra xung đột sẽ làm ảnh hưởng đến công việc”, ông Khoa nói.
Minh Hải

Ông Nguyễn Minh Sơn (Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.Đà Nẵng) quan tâm về điểm mới là thẩm quyền xử phạt, tước giấy phép hành nghề, chứng chỉ hành nghề có thời hạn của UBND cấp huyện, tỉnh; về yêu cầu cập nhật kiến thức y khoa liên tục đối với cả y và dược, nếu không sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề… Ông Sơn cho biết từng tham gia xử lý việc vi phạm sử dụng bia, rượu, thuốc lá… nhưng “trước nay gần như không xử phạt được”.

Một nội dung khác gây nhiều thắc mắc trong NĐ 117 là việc cộng dồn hành vi vi phạm có khả thi hay không, khi những cơ sở y tế càng lớn, nhân viên y tế càng đông càng có nguy cơ sai phạm lớn… Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), khẳng định việc cộng dồn hành vi vi phạm thì số tiền phạt sẽ rất cao. Tuy nhiên, phải nói rõ mục đích của việc xử nặng chính là để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Không chỉ tại Đà Nẵng mà ở những địa phương khác, cũng gặp nhiều lúng túng với NĐ 117. Ông Trần Nguyên Truyền, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho rằng việc xử phạt hành chính với các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm, bán thuốc lá, bia rượu cho người dưới 18 tuổi quy định tại NĐ 117 sẽ khó thực thi đối với thanh tra y tế. Theo ông Truyền, Thanh tra y tế Nghệ An chỉ có 5 người trong khi khối lượng việc rất lớn nên rất khó bố trí người kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm này một cách thường xuyên, trong khi các hành vi này diễn ra không lưu lại trong hồ sơ, tài liệu. Mặt khác, khi phát hiện, nếu không có đoàn liên ngành, việc xử lý người vi phạm cũng sẽ rất khó nếu họ chống đối.
Bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi: Khó xử phạt !

Người dân vẫn vô tư hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện dù có biển cấm  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Có yêu cầu người mua xuất trình CMND, giấy khai sinh?

Còn theo TS-BS Bùi Minh Trạng, Phó trưởng bộ môn y đức – pháp luật, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, NĐ 117 có điều khoản xử phạt với hành vi hút thuốc lá với người từ 16 đến dưới 18 tuổi; sử dụng người dưới 18 tuổi mua thuốc lá; người từ 16 đến dưới 18 tuổi uống rượu bia; bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. “Tuy nhiên, việc xử phạt với hành vi liên quan thuốc lá, rượu bia trong thực tế là rất khó khăn vì từ phía người có thẩm quyền xử phạt (thanh tra, UBND…) thì không có mặt tại thời điểm vi phạm; việc xác định tuổi của đối tượng là khó khăn vì không thể yêu cầu người mua thuốc lá, rượu bia phải trình CMND hay giấy khai sinh… Muốn xử lý vi phạm phải đưa đối tượng đến nơi làm việc để lập biên bản xử phạt… Và các việc này khó khả thi”, TS-BS Trạng nói.

Nhiều câu hỏi “khó đỡ”

Bên cạnh tăng mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, NĐ 117 cũng quy định mức xử phạt đối với hành vi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại một số cửa hàng tạp hóa gần khu vực chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều chủ tiệm đặt ra các thắc mắc về lực lượng xử phạt cũng như hướng dẫn biện pháp thực hiện. Một chủ tiệm tạp hóa nói rằng có khá nhiều trẻ em khoảng 13 – 15 tuổi đến mua bia rượu. Khi nhắc đến quy định mới sẽ xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng nếu bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, chủ tiệm cho hay “khách vào mua ai để ý làm gì”, đồng thời cắc cớ đặt nhiều câu hỏi: “Lỡ tụi nhỏ được bố mẹ nhờ đi mua chứ các em không uống thì sao? Làm sao biết em nào 18 tuổi? Chủ tiệm có được kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách không?”…
P.T.N – N.L

“Quy định xử phạt hành vi uống rượu, bia trong giờ hành chính, để xảy ra uống rượu bia trong cơ quan là có thể khả thi. Nhưng như đã nói, người có thẩm quyền xử phạt không thể có mặt ở cơ quan nào đó để lập biên bản xử lý. Thủ trưởng các cơ quan có viên chức, công chức uống rượu bia thì không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ xử lý theo quy định cơ quan. Muốn xử lý thì phải có người tố cáo hành vi vi phạm này đến người có thẩm quyền”, TS-BS Trạng phân tích. Ngoài ra, NĐ 117 chỉ quy định về hình thức xử phạt theo hành vi vi phạm, không nêu cách thức thực hiện.

Về thẩm quyền xử phạt, TS-BS Trạng cho rằng theo luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ có một số đối tượng có thẩm quyền xử lý chứ không phải ai cũng có thể ban hành quyết định xử lý. Nếu các cơ quan có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát… mà không tổ chức thực thi nhiệm vụ thì không thể xử lý được dù có nhiều quy định về xử phạt.
Bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi: Khó xử phạt !

Thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi trong một cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM   ẢNH: PHẠM THU NGÂN

“Sẽ không tránh khỏi việc thiếu tính khả thi”

Trước những băn khoăn về tính khả thi của NĐ 117, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng phải tiếp tục thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nội dung cơ bản của NĐ 117, kể cả những khó khăn trong quá trình thực hiện. Bà Trang khẳng định nếu có khó khăn hay vướng mắc thì phản ánh về các cơ quan có thẩm quyền, trong chừng mực thì sẽ có giải đáp, còn những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì cũng sẽ có chỉ đạo kịp thời. Riêng những gì thuộc phạm vi của Bộ Y tế tham mưu cũng sẽ tiếp nhận tất cả phản ánh, kiến nghị về thực trạng khó khăn, từ đó đề xuất các giải pháp để thực hiện theo thẩm quyền của Bộ Y tế.
Về thắc mắc tính khả thi của NĐ 117 ở một số nội dung cụ thể, bà Trang nói: “Quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi việc thiếu tính khả thi. Ví dụ liên quan đến những nội dung như thuốc lá, rượu bia… Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không khả thi thì chúng ta không làm, hay là cứ để mặc cho những hành vi vi phạm diễn ra”.
“Trên thực tế, các quy định của pháp luật lần đầu tiên triển khai đều mang tính định hướng xử sự chung cho các hành vi vi phạm. Việc cần làm là định hướng để mọi người hiểu và thực hiện. Còn để bảo đảm tính khả thi thì phải tăng cường tuyên truyền, thanh kiểm tra và tạo các nguồn lực để thực thi. Phải đặt câu hỏi, tại sao các nước làm được, vì tổ chức thực hiện của người ta nghiêm hơn mình, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, xử phạt xử lý nghiêm, từ đó người dân mới tăng ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật. Còn chúng ta vẫn nêu những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nguồn lực thực thi… chưa được như mong muốn, cho nên chúng ta mới đặt vấn đề về tính khả thi”, bà Trang nói.

THANH NIÊN

TNO