22/01/2025

‘Sốc’ khi biết vợ chỉ con… làm hết bài tập

‘Sốc’ khi biết vợ chỉ con… làm hết bài tập

‘Trong khi nhiều phụ huynh khác giao hết việc học của con cho thầy cô giáo, tôi luôn là người trực tiếp dạy con học vào các buổi tối. Vậy mà ông xã tôi lại bảo: chính mẹ làm cho con hư và ỷ lại’.

 

Sốc khi biết vợ chỉ con... làm hết bài tập - Ảnh 1.

Phụ huynh kèm con học ở nhà là tốt nhưng cần có kỹ năng sư phạm – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Mộng Thu, phụ huynh có con đang học lớp 4 ở quận 3, TP.HCM.

Chị Thu kể: “Nhà có duy nhất đứa con trai nên ngay từ khi con vào lớp 1, tôi đã tự nhận trách nhiệm kèm con học. Bé nhà tôi không thuộc diện siêng năng nhưng có mẹ đôn đốc, nhắc nhở nên các bài tập cô giao bé luôn hoàn thành. Không những thế, tôi còn dành thời gian giảng sơ qua về bài mới cho con để hôm sau con đi học tự tin hơn. Gần 4 năm qua, việc học hành của bé trôi qua suôn sẻ như thế cho đến khi tôi đi công tác 10 ngày mới đây”.

Con tôi năm nay học lớp 5 mà vẫn chưa có ý thức tự học, tất cả mọi việc đều ỷ lại vào mẹ. Đáng lẽ khi đi học về là con phải tự mở bài ra và làm bài theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm, đằng này con tôi cứ chờ mẹ nhắc nhở, hò hét mới ngồi vào bàn học.

Anh Nguyễn Hùng (phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Mọi thứ đã có mẹ

Anh K., chồng chị Thu, nói rằng anh rất ngạc nhiên khi hỏi con: “Hôm nay cô giáo có giao bài về nhà không con?” thì con trai anh trả lời ngay: “Ba mở điện thoại ra xem đi”.

“Thì ra vợ tôi đăng ký sổ liên lạc điện tử ở trường, hằng ngày cô giáo chủ nhiệm sẽ nhắn tin cho phụ huynh những nội dung học sinh cần phải học, ôn tập bài cũ, chuẩn bị bài mới cho ngày mai. Do đó, thay vì viết những nội dung này vào vở báo bài như nhiều bạn học sinh khác, con tôi không cần phải viết và cũng không cần phải nhớ lời cô giáo dặn về nhà cần làm gì. Con giải thích rằng mọi thứ đã có mẹ, mẹ biết hết, con đâu cần nhớ lời cô dặn làm gì nữa” – anh K. chia sẻ.

Chưa hết, điều làm anh K. sốc hơn cả là “bài con tôi đã được học trên lớp, cô giáo giảng giải hết rồi, tối về con chỉ làm những bài tập cơ bản nhằm ôn lại kiến thức, thế mà bài nào con cũng nói: “Con không biết làm”. Tôi hỏi và gợi ý từng chút một để con nhớ kiến thức thì bé không chịu suy nghĩ gì cả, cứ liên tục nói: “Con bí”, “Con không nhớ”… Tôi bực quá, gọi điện cho vợ, hỏi đó giờ em dạy con như thế nào thì được biết là vợ tôi chỉ cho con làm từ A đến Z. Tôi nóng mặt: “Sao em không để con tự làm mà phải chỉ nó làm?”. Vợ tôi bảo: “Để con tự làm thì nó làm sai hết”. Hóa ra lâu nay vợ tôi đã rèn cho con thói quen… ỷ lại!”.

Nước mắt rơi

“Bài này dễ quá trời mà con cũng không biết làm. Sao con không chịu tư duy gì hết vậy?”, “Lấy sách giáo khoa đọc lại phần lý thuyết đi, học lý thuyết không kỹ thì làm sao giải bài tập?”, “Con tự suy nghĩ đi, bài dễ như vậy cũng phải hỏi ba”… Đó là những câu mà anh H., phụ huynh có con học lớp 6, quận 10, TP.HCM, thường xuyên nói với con trai mình khi anh dạy con học vào mỗi tối.

Chị Th., vợ anh H., kể: “Con tôi vào lớp 6 mới chuyển cấp nên còn bỡ ngỡ nhiều thứ, nhất là môn toán. Bé nói môn toán lớp 6 rất khó chứ không dễ dàng như toán lớp 5. Bé muốn đi học thêm môn toán nhưng chồng tôi không cho, bảo ở nhà ba dạy vì trước đây ba là học sinh giỏi toán cấp thành phố. Thế nhưng tối nào anh cũng quát con, chê con dở, bài dễ mà không biết làm khiến thằng bé mất tự tin. Nó tuyên bố không thèm học với ba nữa”.

Trong khi đó, ở nhà chị Thu Hương, phụ huynh có con đang học lớp 5 ở quận 7, TP.HCM, thì: “Con tôi ước mơ thi đậu vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và chồng tôi xung phong dạy con vì trước đây anh cũng từng học trường chuyên. Từ đầu năm học đến giờ, tối nào con cũng sụt sùi, nước mắt ngắn dài vì ông bố thiếu kiên nhẫn, mới giảng được vài câu mà thấy con bé ngớ người ra không hiểu là la mắng ầm ầm, chê bai con các kiểu. Mới đây, con bé nói với mẹ là không thi vào Trường Trần Đại Nghĩa nữa, để mỗi tối không phải học với bố”.

TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Đồng hành chứ không can thiệp

 

img_4397 1(read-only)

Cha mẹ nên rèn cho con tính tự lập, chủ động trong học tập, có thể cho con đi nhà sách, tự con lựa những cuốn sách con thích – Ảnh: N.HUY

Các bậc cha mẹ chỉ nên đồng hành chứ không nên can thiệp vào việc học hành của con mình. Bởi việc học là việc của con, hãy để các em tự chịu trách nhiệm với việc học của mình.

Ngay cả chuyện con muốn học bài vào giờ nào phụ huynh cũng không nên áp đặt mà nên hỏi ý con. Nếu bé định giờ học trễ quá thì có thể giải thích với con là học trễ quá con sẽ buồn ngủ và đi ngủ vào lúc quá khuya, sáng hôm sau khó mà dậy sớm để đi học đúng giờ. Nếu bé vẫn quyết tâm chọn giờ học đó thì phụ huynh cũng nên để bé trải nghiệm: học trễ có thể sẽ không làm hết bài mà cô giáo đã giao hoặc hôm sau bé không thể dậy sớm dẫn đến việc trễ giờ học thì bé sẽ bị giáo viên la rầy, phạt… Tức là phụ huynh nên tập cho con tự đề ra kế hoạch học tập của bản thân các con.

Mặt khác, không phải phụ huynh nào cũng dạy con được bởi dạy trẻ cần có kỹ năng sư phạm, kỹ năng kiềm chế bản thân… Để tránh những giờ học “kinh hoàng” cho con em của mình, những phụ huynh thiếu kỹ năng sư phạm không nên cố gắng dạy con mà nên cho bé học với gia sư, giáo viên.

Hãy để con tự “bơi”

Giống như nhiều phụ huynh khác, lúc đầu tôi cũng lo lắng con mình làm bài sai sẽ bị cô giáo mắng nên hằng ngày tôi đều phải hò hét, dọa dẫm cho đến năn nỉ, dỗ dành… để con làm cho xong bài tập về nhà. Thậm chí, sợ con sai nên tôi chỉ cho con làm luôn cho nhanh. Tuy nhiên, sau một thời gian tôi thấy như vậy không ổn vì con tôi ỷ lại hết vào mẹ. Ngày nào mẹ ốm, không nhắc nhở là bé khỏi học bài.

Thế là tôi thay đổi “chiến thuật”. Thay vì đôn đốc, tôi chỉ nhắc nhở là con lấy tập ra làm bài đi, nếu con không làm sẽ bị cô phạt. Những ngày đầu, con tôi không làm bài, làm thiếu bài… Tôi bèn ghi vào vở báo bài, thông báo cho cô giáo biết việc đó để cô phạt bé (trước đó tôi đã nói chuyện với cô, nhờ cô hỗ trợ). Sau vài lần bị phạt, bây giờ bé nhà tôi đã chủ động học tập, mẹ không cần phải ngồi kế bên để “canh” nữa.

Ngoài ra, tôi cũng thay đổi suy nghĩ, tôi chợt nhận ra việc học sinh làm bài bị sai là chuyện hết sức bình thường, tại sao phụ huynh lại phải sợ điều này? Thế nên, tôi không dạy con theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nữa mà để con tự làm, khi nào có khó khăn gì thì hỏi bố mẹ. Thậm chí, có bữa tôi chấp nhận để con làm bài theo ý mình, để hôm sau lên lớp khi cô giáo sửa bài, bé sẽ tự nhận ra cái sai của mình và rút kinh nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (phụ huynh ở quận 4, TP.HCM)

HOÀNG HƯƠNG
TTO