‘Cà rốt mua củ xấu xấu chút chứ không dám mua củ đẹp…’

‘Cà rốt mua củ xấu xấu chút chứ không dám mua củ đẹp…’

“Cà rốt mua củ xấu xấu chút chứ không dám mua củ đẹp vì sợ – người dân vẫn còn tâm lý lo ngại đối với tính an toàn của thực phẩm”.

 

Cà rốt mua củ xấu xấu chút chứ không dám mua củ đẹp... - Ảnh 1.

Buổi giám sát của Ban Kinh tế – xã hội với UBND Q.Thủ Đức và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức – Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Đó là nhận định của ông Tăng Hữu Phong – Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM – tại buổi giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND của HĐND TP về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP với UBND quận Thủ Đức và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, diễn ra ngày 23- 10.

Theo ông Phong, đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân, cơ quan nào, mà là chuyện của toàn xã hội, chuyện sát sườn của người dân.

“Báo cáo phấn khởi nhưng người dân đã yên tâm chưa, khi mua gì đó còn bất an, lo lắng? Nhiều vụ vi phạm liên quan việc sử dụng hóa chất, phụ gia cấm trong thực phẩm hiện vẫn còn”, ông Phong nói.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khuôn – trưởng phòng Y tế quận Thủ Đức – cho biết ngoài kiểm tra định kỳ, cơ quan chức năng còn lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra đột xuất. Tuy vậy, ông Khuôn thừa nhận lực lượng và trang thiết bị cho công tác thanh tra kiểm tra hiện nay còn rất hạn chế.

“Nhiều khi đưa mẫu đi xét nghiệm, nhân viên của tôi phải ứng tiền ra để làm xét nghiệm, bởi chờ làm hợp đồng với nơi xét nghiệm theo quy định để được kho bạc chi tiền thì làm nhanh cũng mất ngày, trong khi nhiều mẫu xét nghiệm phải làm ngay”, ông Khuôn cho hay.

Ngoài ra, theo ông Khuôn, hiện nhiều trường hợp mẫu xét nghiệm tồn dư hóa chất ở cá phải đưa ra tận Nha Trang, do ở TP.HCM chưa có đơn vị nào làm được. Việc tiêu độc khử trùng tại các chợ truyền thống hiện nay còn bỏ ngỏ.

Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiện chủ yếu từ tỉnh, thành và huyện, chưa đi vào chi tiết địa điểm cụ thể vùng trồng, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, nhiều thương nhân đưa hàng vào khu vực lân cận chợ, ngoài phạm vi quản lý của chợ nên ban quản lý không thể giám sát công tác sơ chế tại nguồn, kiểm soát nguồn gốc.

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức – cho biết số lượng các vụ ngộ độc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thời gian gần đây giảm nhiều.

Tuy vậy, bà Thúy thừa nhận với khoảng 600.000 dân, trong đó dân nhập cư chiếm 50%, việc quản lý thức ăn đường phố, chợ tự phát trên địa bàn quận còn tương đối khó khăn, cơ quan chức năng hiện chỉ làm từng bước bởi không đủ lực lượng để “ở đó suốt ngăn không cho người ta kinh doanh”.

Ngoài ra, theo bà Thúy, hiện nhiều phường không có cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, Phòng Y tế quận chỉ có 1, 2 cán bộ chuyên trách.

Theo ông Tăng Hữu Phong, bối cảnh chung hiện nay là tinh giảm biên chế nên khó có lực lượng chuyên trách mới đưa về địa bàn. Do đó, các địa phương nên chủ động tìm cách phát huy tối đa lực lượng hiện có bằng cách phối kết hợp các đơn vị, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm cho cán bộ.

Cũng theo ông Phong, những khó khăn và kiến nghị của các địa phương sẽ được Ban đưa vào báo cáo để gửi TP xem xét tháo gỡ.

Xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 ti đồng

Theo UBND Quận Thủ Đức, từ năm 2018 đến 9 tháng đầu năm 2020, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm quận, phường đã tiến hành kiểm tra 5.785 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử phạt vi phạm hành chính 598 cơ sở với số tiền hơn 4,1 tỉ đồng.

NGUYỄN TRÍ
TTO