26/12/2024

Vẫn tranh luận việc cắt điện, nước để cưỡng chế vi phạm hành chính

Vẫn tranh luận việc cắt điện, nước để cưỡng chế vi phạm hành chính

Đề xuất bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước như một hình thức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính vẫn làm nóng nghị trường khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về luật Xử lý vi phạm hành chính…
Một khu du lịch xây trái phép tại P.Điện Dương, TX.Điện Bàn (Quảng Nam) 7 năm qua chưa xử lý xong /// ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Một khu du lịch xây trái phép tại P.Điện Dương, TX.Điện Bàn (Quảng Nam) 7 năm qua chưa xử lý xong  ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Dù đã thảo luận tới kỳ họp thứ 2, song đề xuất bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước như một hình thức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính vẫn làm nóng nghị trường khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 22.10.

Bảo đảm trật tự, kỷ cương…

Thuộc “trường phái” ủng hộ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Quốc Phòng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình, cho rằng nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, gây ô nhiễm môi trường mà vẫn tiếp tục cung cấp điện, nước thì họ sẽ tiếp tục hành vi gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe, lợi ích của cộng đồng. Do đó, theo ĐB Phòng, bổ sung quy định này sẽ đảm bảo trật tự, kỷ cương quản lý nhà nước, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan.
Cùng quan điểm, ĐB Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, nêu thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp, cá nhân xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch bị phát hiện, lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công nhưng vẫn cố tình chống đối. “Lập biên bản thì cứ lập, làm thì cứ làm, khi lực lượng đến thì họ ngừng, đi thì họ lại làm, thậm chí tạm giữ máy móc, thiết bị thi công thì họ lại mang cái khác đến. Chưa kể họ nghĩ phạt cho tồn tại nên cứ tiếp tục”, ĐB Dung nêu thực tế. Bà Dung nhìn nhận, nếu không có giải pháp hữu hiệu buộc phải dừng ngay hoạt động, hành vi vi phạm vẫn tiếp tục. Do đó, chỉ có ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước thì mới buộc dừng ngay các hành vi gây ô nhiễm môi trường và “đây là biện pháp hữu hiệu, giảm rất nhiều áp lực về nhân lực, tài lực trong việc tổ chức thi hành”.
Đồng tình bổ sung biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước, ĐB Tô Văn Tám, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Kon Tum, đề nghị cần gắn trách nhiệm của bên cung cấp điện, nước khi thực hiện biện pháp này để đảm bảo tính khả thi.

…Hay thể hiện sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý?

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng không có vụ vi phạm hành chính nào mà chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh phát hiện kịp thời và ngăn chặn một cách quyết liệt lại không thành công. “Chúng ta chỉ có thể bỏ qua, thờ ơ rồi làm không đến nơi đến chốn thì nó mới tồn tại. Nếu chúng ta đã quyết tâm, quyết liệt thì không có một doanh nghiệp nào, không có một cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước”, ông Cầu nhấn mạnh. “Chúng ta là ĐBQH, đừng tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp một cách quá dễ dàng khi thấy rằng các biện pháp của pháp luật đã có thừa và có đủ rồi”, ông Cầu nói thêm.
Theo ĐB Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, việc cắt điện, nước là vi phạm quyền của con người và các nguyên tắc xử phạt, không phân hóa rõ ràng được trách nhiệm hành chính. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ điện, nước thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký kết giữa cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ do luật khác điều chỉnh. Do vậy, bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn, chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm trong luật dân sự. Điều này còn thể hiện sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của các quy định pháp luật của nhà nước.
ĐB Phan Thái Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận việc bổ sung biện pháp này mà yêu cầu không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ 3 là không khả thi. Chưa kể, quy định này thực chất là “đưa cái khó cho người dân, tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước”. “Như vậy là không nên”, ĐB tỉnh Quảng Nam nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết do vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH sẽ gửi phiếu lấy ý kiến ĐB trước khi trình QH biểu quyết thông qua dự luật.

Bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo luật bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, gồm: tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy.
Theo ông Tùng, việc bổ sung trường hợp “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy” nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, bảo đảm tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, tiếp thu ý kiến ĐBQH, nội dung này đã được chỉnh lý xác định rõ đối tượng bị tạm giữ, cụ thể là “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy”.
LÊ HIỆP
TNO