Chúa Nhật XXIX TN A 2020 – Khánh nhật Truyền giáo: Trở thành Tin Mừng sống động cho đồng bào

Ngày Khánh nhật Truyền giáo như mời gọi mỗi người chúng ta nhìn vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam để ý thức về sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình và thể hiện việc loan báo cho có hiệu quả thiết thực, làm vui lòng Chúa Giêsu và làm cho dân tộc Việt Nam cảm nhận được những giá trị cao cả của Người.

Chúa Nhật XXIX TN A 2020 – Khánh nhật Truyền giáo

Lễ 5:45, tại nhà nguyện Dòng Chúa Quan Phòng, Cù Lao Giêng, An Giang

Trở thành Tin Mừng sống động cho đồng bào

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày Khánh nhật Truyền giáo như mời gọi mỗi người chúng ta nhìn vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam để ý thức về sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình và thể hiện việc loan báo cho có hiệu quả thiết thực, làm vui lòng Chúa Giêsu và làm cho dân tộc Việt Nam cảm nhận được những giá trị cao cả của Người.

1. Tình trạng loan báo Tin Mừng hiện nay

Khi nói đến hiệu quả truyền giáo, người ta hay đưa ra những số liệu so sánh giữa các mốc thời gian hay giữa các thời kỳ khác nhau. Dù những số liệu đó không thể nào xác định được hiệu quả thật sự của công cuộc truyền giáo, nhất là của từng người, vì người ta có thể vất vả hy sinh cả đời loan báo Tin Mừng, nhưng chẳng lôi cuốn được ai tin theo Đức Giêsu. Những tín hữu thiểu số Công giáo, đang sống giữa cộng đồng đông đảo anh em Hồi giáo, Ấn Độ giáo hay trong một vài nước theo hệ tư tưởng duy vật, Cộng sản ở Trung Quốc, có thể cảm nhận được điều này. Thật ra, chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu kết quả truyền giáo của từng người chúng ta.

Tuy nhiên, số liệu thống kê giống như những đèn hiệu giao thông xanh đỏ vàng ở các ngã tư đường, chúng có thể thôi thúc ta tiến bước hay dừng lại hoặc cẩn thận cho hoạt động truyền giáo của mình. Vì thế, chúng ta muốn nêu lên một vài số liệu trong các giai đoạn vừa qua.

Kể từ lúc các nhà truyền giáo Dòng Tên loan báo Tin Mừng, từ 1615-1665, dân tộc Việt Nam mới biết đến những giá trị mới về dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng, khoa học kỹ thuật, chữ Quốc ngữ. Trong suốt 20 thế kỷ, từ năm 111 TCN đến năm 1945, khi vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn – thoái vị, dân tộc Việt Nam sống trong chế độ quân chủ chuyên chế, vua là thiên tử, là Con Trời, có toàn quyền sinh sát trong tay. Vua bảo bề tôi chết, mà không chết là bất trung. Còn đạo Công giáo lại giới thiệu một nước Thiên Chúa, trong đó mọi người đều là anh chị em của nhau, con cái của cùng một Cha Trên Trời. Đức Giêsu là con của Vua Trời lại còn chịu chết thay cho mọi thần dân của mình. Vì thế, người dân mới làm chủ đất nước.

Gia đình trước đây theo chế độ đa thê, người đàn ông có thể có nhiều vợ, thê thiếp, nên sự xung đột ghen tương giữa vợ cả vợ lẽ, giữa con bà nọ bà kia, làm cho gia đình thiếu an vui, hạnh phúc. Còn gia đình Công giáo luôn đầy ắp tiếng cười vì vợ chồng gắn bó với nhau bằng tình yêu của Đức Giêsu yêu Hội Thánh. Mọi con cái, dù là nam hay nữ, đều được tôn trọng như nhau, được học hành, làm việc và bình đẳng với nhau.

Sống trong chế độ quân chủ lấy Khổng giáo làm nền tảng tổ chức xã hội, hầu hết dân tộc ta không biết gì đến khoa học kỹ thuật. Cả làng chỉ một vài người giàu mới có tiền thuê thầy đồ dạy chữ Hán, chữ Nôm. Người ta dùng nước ao tù, nước sông để tắm giặt, ăn uống nên bị nhiều bệnh tật. Trẻ con cứ 10 đứa thì chỉ có 3 đứa sống sót qua tuổi thứ ba. Phụ nữ mỗi lần sinh đẻ là một lần “vượt cạn” hết sức nguy hiểm do bị nhiễm trùng.

Trong khi đó, những tín hữu Công giáo được các nhà truyền giáo dạy cho biết cách sống theo khoa học: mỗi nhà có những chiếc lu lớn đổ đầy than cát sỏi để lọc nước sạch mới dùng và đun sôi, nấu chín mới uống, nên khoẻ mạnh, xinh đẹp. Các nữ tu đều biết đỡ đẻ nên được dân chúng gọi bằng từ rất thân thương, kính trọng là “bà mụ”. Họ trở thành những nhà văn hoá dạy khoa học, dạy chữ Quốc ngữ cho dân chúng. Nhờ đó công cuộc truyền giáo có những kết quả ngoài sức tưởng tượng vì người dân thấy rõ những hiệu quả thiết thực của Tin Mừng.

Ta có một thí dụ cụ thể: Chị Anna Miều, 26 tuổi, nữ tu dòng MTG Cái Nhum, cùng loan báo Tin Mừng với một chị em khác. Cả hai ban ngày đi vào các thôn xóm ở vùng sông nước miền Tây dạy chữ, dạy đạo cho dân chúng, chữa bệnh bằng thuốc nam, ít viên thuốc tễ, vài mảnh sành để cạo gió, cắt lễ, kèm theo lời cầu nguyện. Tối về hai chị em lại xuống chiếc ghe nhỏ thay nhà, neo đậu bên sông để cầu nguyện, chầu Thánh Thể. Chỉ trong 2 năm, các chị đã rửa tội cho hơn 600 người. Các chị thật sự là những Tin Mừng sống động của Đức Giêsu.

Trước khi các cuộc bách hại đạo khốc liệt, từ 1840-1885, số người Công giáo chiếm khoảng 12% dân số. Chỉ trong 45 năm có khoảng 100.000 người bị giết hại. Số người theo Công giáo sụt xuống còn khoảng 8% dân số. Từ đó đến năm 2009, chúng ta còn khoảng 7%. Đến năm 2019, theo Tổng Kiểm tra Dân số Toàn quốc, ngày 1/4/2019, dân số Công giáo là 5,9 triệu người, chiếm 6,1% trên tổng số 97 triệu dân. Dù không dám bi quan, nhưng chúng ta phải nhận rằng có một sự sa sút, kém hiệu quả về mặt truyền giáo. Hiện nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam đang có hơn 5.000 linh mục, 5.000 chủng sinh, hơn 34.000 tu sĩ nam nữ và hơn 500.000 đoàn viên các hội đoàn Công giáo tiến hành, so với 1,2 ngàn linh mục, tu sĩ 100 năm về trước!

2. Làm sao để truyền giáo hiệu quả hơn?

Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo của các cấp Giáo Hội về vấn đề này. Những chỉ dẫn của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, năm 1999; Thượng Hội đồng Tân Phúc Âm hoá để truyền bá Tin Mừng, năm 2012; và Tông huấn Hậu thượng Hội đồng Niềm vui Tin Mừng của ĐGH Phanxicô, năm 2013 đều nói về thách đố này.

Chúng ta ghi nhận, nhờ ý thức hơn về sứ mệnh truyền giáo và thay đổi phương thức truyền giáo, tỷ lệ người Công giáo toàn cầu tăng từ 17% lên 18% trong vòng 20 năm qua, từ 2000-2020 (x. Niên Giám Thống kê Toà Thánh). Hoạt động truyền giáo hiệu quả của Giáo hội Công giáo Hàn Quốc cũng đáng cho ta suy nghĩ: từ 1% vào năm 1949, đến năm 2015 tỷ lệ Công giáo chiếm 13% dân số. Vậy Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ làm gì để truyền giáo hiệu quả hơn? Chúng tôi chỉ dám mạo muội đề nghị vài điểm quan trọng sau đây đã được Huấn quyền nhắc tới.

– Trước hết, ĐTC Bênêđictô XVI và ĐTC Phanxicô căn dặn: khi nói “loan báo Tin Mừng”, ta đừng nghĩ đến những chữ viết, bộ luật ghi trong cuốn Thánh Kinh hay các sách Tin Mừng để học hỏi, nghiên cứu, giải thích cặn kẽ trong các lớp Kinh Thánh, mà phải nghĩ ngay đến một con người sống động, là Đức Giêsu Kitô đang sống giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Người chính là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, là tình yêu cụ thể của Chúa Cha, là con đường dẫn đến sự thật và sự sống. Chính Người xức dầu cho ta để ta trở thành Kitô hữu, trang bị đầy đủ cho ta bằng những ân huệ của Thánh Thần để đến với muôn dân tộc, giảng dạy cho mọi người biết rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất chứ không có thần linh nào khác (x. Bài đọc I, Is 45,1.4-6 và Bài đọc II 1Ths 1,1-5).

– Điểm thứ hai cần lưu ý: “loan báo” là sống Tin Mừng, hay như thánh Phaolô từng nói, là “sống Đức Kitô” và thể hiện những giá trị cao cả được Đức Giêsu Kitô loan báo cho chúng ta, đó là: Thiên Chúa Ba Ngôi, nhân vị, tình yêu, tự do, công bằng, liên đới và nhiều giá trị khác trong Hiến Chương Nước Trời, như tinh thần nghèo khó, hiền hoà, trong sạch, quảng đại, hoà bình, thánh thiện… Thời xưa cha ông chúng ta đã giới thiệu những giá trị văn hoá mới như dân chủ, bình đẳng, gia đình một vợ một chồng, khoa học, chữ Việt và đã được toàn thể đồng bào đón nhận, dù đã trả giá đắt bằng sự sống của mình. Ngày nay ta cũng phải thể hiện những giá trị mới của Tin Mừng một cách cụ thể và thiết thực thì đồng bào mới tin theo Đức Giêsu Kitô.

Lời kết

Vì muốn thể hiện phần nào những giá trị đó, mà đoàn thiện nguyện chúng tôi hôm nay cộng tác với các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng để khám sức khoẻ, khám chữa bệnh, chữa răng, phát thuốc, tặng quà cho hơn 1000 bệnh nhân nghèo ở vùng quê này. Trong khi đó, các nữ tu già yếu, bệnh tật cộng tác bằng những lời cầu nguyện, hy sinh. Như thế, toàn bộ đời sống chúng ta là một cuộc loan báo Tin Mừng để làm sáng danh Chúa và đem lại bình an, hạnh phúc, ơn cứu độ cho con người.