01/01/2025

Tái xuất phế liệu bị ‘làm khó’

Tái xuất phế liệu bị ‘làm khó’

Tổng cục Hải quan yêu cầu với các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển phải được tái xuất thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập…
Phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái, TP.HCM /// Ảnh: Ng.Nga
Phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái, TP.HCM  ẢNH: NG.NGA
Tổng cục Hải quan có Công văn hỏa tốc số 6595 gửi cục hải quan 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Định về việc tái xuất hàng hóa là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu với các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển phải được tái xuất thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập; tái xuất nguyên trạng, không được chuyển sang container khác; tái xuất toàn bộ và hàng được xuất đi từ nước nào, tái xuất về lại nước đó. Ngoài ra, các hãng tàu có văn bản gia hạn tái xuất trong 30 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất lần thứ nhất và chỉ được gia hạn 1 lần.

99% là không thể

Với quy định mới này, các hãng tàu đang bị “kẹt” hàng trăm container phế liệu tồn tại cảng, bị buộc tái xuất cho biết “rất khó thực hiện”. Cụ thể, các container phế liệu tồn không đạt chuẩn được giám sát bằng gắn seal (niêm phong) định vị và cơ quan chức năng hàng hải, hải quan theo dõi hành trình rất chặt chẽ, nên việc cho chuyển cảng để tái xuất không gặp trở ngại. Thứ hai, các container hàng để tồn tại cảng lâu năm, sàn bị mục và hỏng nhiều, nếu không sang container khác sẽ gây mất an toàn trong hàng hải.
“Phải sang container là việc chẳng đặng đừng, không ai muốn vì phát sinh thêm chi phí nhân công. Trên thực tế, phế liệu tồn đọng này đa số không đáp ứng đúng quy chuẩn về phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất chứ không phải là lô hàng nào cũng phế thải. Bởi nếu ô nhiễm, chắc chắn cảng cũng không cho sang container”, đại diện một hãng tàu (đề nghị không nêu tên) cho biết.
Ngoài ra, quy định chỉ cho gia hạn thêm 30 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất lần thứ nhất và các hãng tàu chỉ được gia hạn một lần, theo đa số ý kiến các hãng tàu là “rất khó để xoay xở” vì các thủ tục trong nước kéo dài thời gian. Một chuyên gia xuất nhập khẩu tại phía nam nói thẳng, Công văn 6595 làm khó thêm cho doanh nghiệp (DN) vận tải.
“Tổng cục Hải quan lẽ ra chỉ nên yêu cầu các hãng tàu tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và có cam kết rõ ràng. Hãng tàu muốn xuất đi đâu, bán lại cho ai là việc của họ, sao lại buộc họ chở trả về nơi xuất? Ngoài ra, việc buộc tái xuất một lần là quá vô lý. Giả sử hãng tàu đó bị 5 khách hàng khác nhau “bỏ bom” một lần 100 container phế liệu, họ chở đi bán lại cho nước nào cần là việc của họ, cam kết chở đi hết là được rồi, không nên “ép” họ chở đi một lần. Đã thuyết phục các hãng tàu chở ra khỏi lãnh thổ thành công, nay “thòng” thêm những quy định này có phải làm khó hay không? Chưa hết, tại sao Tổng cục lại có công văn hỏa tốc chỉ đạo trong khi việc phân loại đã xong từ lâu, các hãng tàu đề nghị tái xuất cũng cả tháng trước rồi. Quy định mới tái xuất về lại nước xuất đi là không khả thi, 99% phế liệu tồn sẽ bị đứng yên một chỗ, không tái xuất được”, vị này nêu vấn đề.

Quy định làm khó doanh nghiệp

Thực tế, dù đã có cảnh báo của ngành hải quan trước đó, nhưng hàng ngàn container phế liệu đã đổ vào Việt Nam và bị tồn đọng tại các cảng biển từ cuối năm 2017, sau khi Trung Quốc có chính sách ngưng cho nhập khẩu phế liệu. Liên tục từ năm 2019 đến nay, có rất nhiều công văn hướng dẫn của Tổng cục Hải quan liên quan hàng phế liệu tồn tại các cảng. Ngày 19.5.2020, Tổng cục Hải quan ra Văn bản 3230 “thúc” hải quan các địa phương tăng cường việc xác minh tìm chủ hàng, kiểm kê, phân loại phế liệu tồn đọng và buộc các hãng tàu phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam các phế liệu nguy hại.
Kế đó, Cơ quan Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Hải quan TP.HCM gửi thông báo đến các hãng tàu về việc tái xuất phế liệu. Các hãng tàu sau đó gửi công văn xin tái xuất hàng tồn đọng gửi cơ quan hải quan. Cụ thể, Hãng tàu Yang Ming xin tái xuất 41 container tại cảng Cát Lái và ICD, Công ty MSC đề nghị được tái xuất 22 container hàng tồn đọng bằng phương thức sang qua container của hãng tàu khác, cam kết việc tái xuất toàn bộ; Hãng tàu Evergreen Việt Nam cũng đã gửi công văn yêu cầu tái xuất 8 container hàng phế liệu tại cảng Cát Lái sang Hồng Kông (Trung Quốc) bằng tàu biển; Công ty HMM Shipping Việt Nam có công văn xin tái xuất 69 container hàng tồn phế liệu…
Tuy nhiên, đến ngày 8.7, Tổng cục Hải quan lại tiếp tục có Công văn hỏa tốc 4589 yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách số container, số seal và danh sách các hãng tàu, đại lý hãng tàu đề nghị tái xuất, báo cáo về Tổng cục Hải quan để rà soát danh sách các container phế liệu không đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam và thiết lập tiêu chí quản lý. “Sau rà soát và thiết lập các tiêu chí, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn để cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát việc tái xuất container phế liệu tồn đọng này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, công văn nêu.
Chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An cho rằng việc không cho sang container để tái xuất phế liệu là vô lý, vì trong quản lý container có quy tắc rất rõ ràng. Khi đã cho sang, container đó được đánh dấu và quản lý bảo đảm không cho về trong thời hạn nào đó, không có chuyện ngẫu nhiên mà container tái xuất phế liệu lại trở lại Việt Nam sau 2 tháng. Thế nên, yêu cầu không cho sang container là thừa. Thứ hai, yêu cầu không cho tái xuất nhiều lần cũng vô lý, vì phế liệu tồn hàng ngàn container, xuất đi một lần là không thể, chưa nói hãng tàu phải tìm được nơi tiếp nhận container hàng đó, có lộ trình. Quan trọng là hãng phải cam kết với hải quan. Thứ ba, yêu cầu thời hạn 30 ngày và chỉ có gia hạn 1 lần cũng gây khó cho DN.
“Công văn 6595 của Tổng cục Hải quan khiến tôi liên tưởng rất giống việc ra đời Công văn 1237 về phí vệ sinh container, phí CIC, DO tính bao gồm trong xác định giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Sau đó, quy định vô lý này chính Tổng cục Hải quan bỏ”.
Chuyên gia Nguyễn Lý Trường An
NGUYÊN NGA
TNO