24/12/2024

Ép người khác uống rượu bia: Xử phạt thế nào ?

Ép người khác uống rượu bia: Xử phạt thế nào ?

Nhiều ý kiến cho rằng cần định lượng cụ thể để quy định này có thể áp dụng hiệu quả trong thực tế.
Các hành vi lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc người khác uống bia bị nghiêm cấm và có chế tài /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Các hành vi lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc người khác uống bia bị nghiêm cấm và có chế tài   ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Luật hóa các hành vi bị dư luận lên án như xúi giục, kích động hay lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia được xem là bước tiến bộ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần định lượng cụ thể để quy định này có thể áp dụng hiệu quả trong thực tế.
Từ ngày 15.11 tới, theo Nghị định 117/2020 (thay thế Nghị định 176/2013) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, sẽ phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu bia…

Có thể gây quá tải cho cơ quan xử phạt ?

Liên quan quy định trên, theo thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM), nguyên tắc xử phạt hành chính là phải chứng minh lỗi và thu thập chứng cứ. Điều 114 Nghị định 117/2020 quy định cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Vì vậy, chứng cứ có thể được thu thập từ tin nhắn, cuộc gọi, camera, hình ảnh, clip hoặc người chứng kiến. Đồng thời, nguồn xử phạt vi phạm hành chính là từ tin báo tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị xử phạt của cơ quan nhà nước; cơ quan có chức năng tuần tra kiểm soát trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm; người vi phạm tự thú…

Một số hành vi bị xử phạt từ việc sử dụng rượu bia

Điều 30. Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

2. Phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;
b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
3. Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
b) Ép buộc người khác uống rượu bia.
Điều 31. Vi phạm các quy định về bán, cung cấp rượu, bia
1. Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;
b) Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.
2. Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật;
b) Mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu, bia có thời hạn từ 1 – 3 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 điều này.
Trưởng công an/chủ tịch UBND cấp phường, xã, huyện, tỉnh; thanh tra viên, chánh thanh tra cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành; quản lý thị trường đều có thẩm quyền xử phạt hành chính, tùy vào mức phạt tiền.
(trích Nghị định 117/2020)

Từ đó, ông Quang nhìn nhận việc “tố giác” bạn nhậu cùng bàn là một việc hầu như rất khó xảy ra, trừ khi người tố có ý đồ trước để chuẩn bị các phương tiện ghi âm, ghi hình các hành động, lời nói lôi kéo, ép buộc uống rượu bia để có thể làm căn cứ cho cơ quan chức năng xử phạt sau này. Còn các nguồn tin báo còn lại “là chuyện hi hữu” nên cũng có những ý kiến băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng quy định vào thực tế.

Ngoài ra, ông Quang cho rằng văn hóa rượu bia là thuộc quy phạm đạo đức điều chỉnh. Quy phạm pháp luật sẽ điều chỉnh khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ việc uống rượu bia. “Chẳng hạn, người uống rượu bia gây tai nạn, vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự và kết tội. Và theo lời khai của người phạm tội, cơ quan chức năng sẽ thu thập chứng cứ để xử phạt hành chính người lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc người phạm tội uống rượu bia”, ông Quang nêu và lý giải thêm: “Người đủ 18 tuổi là người phải chịu trách nhiệm về năng lực hành vi dân sự, vì vậy không thể tố cáo rằng “tôi bị người đó xúi giục, lôi kéo, kích động uống rượu bia”, rồi buộc cơ quan chức năng phải xác minh, làm rõ. Như vậy là gây sự quá tải không cần thiết cho cơ quan xử phạt hành chính”.
Theo ông Quang, luật ban hành thì phải có tính khả thi nhưng với quy định trên tưởng có tính răn đe, phòng ngừa nhưng thực tế sẽ khó thực hiện.

Nếu không được hướng dẫn cụ thể, sẽ khó chấp hành

TS Vũ Toản (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng cần phải lên án hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Bởi lẽ, xét về bản chất quan hệ con người trong xã hội, chúng ta phải có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng khi uống rượu bia. Chưa kể việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nhiều hệ quả tiêu cực, chẳng hạn như mâu thuẫn, xung đột trên bàn nhậu khi có lời lẽ, hành động vượt quá giới hạn hoặc khi tham gia giao thông…
“Xử phạt là đúng nhưng các điều khoản quy định cần xác định rõ thế nào là xúi giục, kích động hay lôi kéo người khác và những biểu hiện của nó là gì… Người ta hay nói rượu vào lời ra, nhiều khi hứng chí, việc ép ai đó ở lại uống thêm vài ly là chuyện thường thấy. Rồi cũng có rất nhiều trường hợp người dân mượn bàn nhậu để giải quyết hoặc trao đổi công việc, thế nên người bị ép đôi khi khó lòng từ chối”, ông Toản nêu quan điểm.
Đồng tình, luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM) chia sẻ, “luật hóa” các hành vi bị dư luận lên án được coi là bước tiến bộ lớn, nhưng cũng đặt các cơ quan thực thi pháp luật vào thử thách trong “cuộc chiến” chống tác hại, sự lạm dụng rượu bia.
“Ép người khác uống rượu bia là hành vi không tốt, luật đưa vào chuẩn mực để cấm là phù hợp. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta phải thực thi điều khoản này bằng cách nào. Chẳng hạn, phải hiểu như thế nào là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia? Lôi kéo uống đến mức nào (định lượng) thì bị xử phạt, hậu quả xảy ra nếu có (gây tai nạn, chết người…) có phải là yếu tố bắt buộc hay không… Nếu không được hướng dẫn cụ thể sẽ khó chấp hành và cũng khó xử lý trên thực tế”, LS Cường băn khoăn.
PHAN THƯƠNG – PHẠM THU NGÂN
TNO