Điều chỉnh ‘thước đo’ tăng trưởng của Việt Nam
Điều chỉnh ‘thước đo’ tăng trưởng của Việt Nam
Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề xuất bổ sung một số chỉ số như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng, năng suất lao động xã hội…
Việc Bộ Kế hoạch – Đầu tư bổ sung một số chỉ số mới chưa từng xuất hiện trong các chỉ tiêu pháp lệnh trước, đặc biệt là các chỉ tiêu pháp lệnh về kinh tế đang gây nhiều sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Phải rõ ràng người thực hiện
Theo đó, bên cạnh 5 chỉ tiêu hiện hữu (GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu và tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP), Bộ KH-ĐT đề xuất bổ sung một số chỉ số như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng, năng suất lao động xã hội…
Ủng hộ việc đưa thêm 2 chỉ số GDP bình quân đầu người và tốc độ tăng năng suất lao động vào chỉ tiêu pháp lệnh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá lâu nay, chúng ta thường nhìn vào chỉ số GDP tăng trưởng để tự hào kinh tế Việt Nam đang phát triển. Tuy nhiên, mức sống của người lao động, năng suất thể hiện rõ hiệu quả làm việc của người lao động đến đâu, thì chưa ai bàn tới.
Nếu xét chi tiết GDP bình quân đầu người, năng suất lao động thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam còn thua kém rất nhiều nước trong khu vực. Việc thực sự quan tâm đến các chỉ tiêu này sẽ giúp Việt Nam có cái nhìn thực tế hơn về câu chuyện sở hữu nguồn lao động dồi dào: Lao động chất lượng thấp, tay nghề kém thì không có giá trị nhiều. GDP hằng năm vẫn có thể tăng nhưng thực tế, tốc độ, khả năng phát triển kinh tế dài hạn lại đang bị tụt lại.
Riêng với chỉ số TFP, bà Lan cho rằng cần thiết đưa vào bộ chỉ số dùng làm thước đo để cảnh báo, quan tâm đến chất lượng phát triển vì đây là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại, phụ thuộc vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn như thế nào, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao trình độ lao động tới đâu… Song, không nên áp vào chỉ tiêu pháp lệnh vì không thể chỉ rõ cơ quan nào là nơi thực hiện, chịu trách nhiệm về mức độ tăng trưởng.
Cụ thể, Bộ KH-ĐT, Viện Năng suất (thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ) là những có quan tính toán, đưa ra các chỉ số về năng suất. Tuy nhiên, họ cũng không thể đứng ra chịu trách nhiệm về TFP vì còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, mô hình kinh tế…
“Chỉ tiêu pháp lệnh là mang tính chất bắt buộc, phải rõ ràng người thực hiện, người chịu trách nhiệm. Các chỉ số như TFP chỉ mang tính chất định hướng, dẫn dắt cho kinh tế phát triển, không thể kiểm soát, ép buộc được. Đơn cử, kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, vào nhu cầu tiêu dùng của thị trường quốc tế. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, sức mua tiêu nước ngoài giảm rất mạnh nhưng nhà nước không thể chỉ đạo bên ngoài, không thể bắt buộc thị trường phải theo được. Tiêu dùng trong nước cũng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng nhưng người dân thất nghiệp, giảm thu nhập thì cũng không thể kiểm soát tăng tiêu dùng được. Nói vậy để thấy, đưa ra các chỉ số để cảnh báo, nhưng cái nào không rõ ràng trách nhiệm, nhà nước không chỉ đạo được thì không nên đưa vào pháp lệnh”, bà Lan nhấn mạnh.
Cần nhiều hơn các chỉ số thực chất
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong quá trình phát triển tới, đặc biệt khi Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cần lưu ý nhiều hơn tới các chỉ số phản ánh thực chất “sức khỏe” của kinh tế Việt Nam hiện nay.
Đơn cử, chỉ số giá trị gia tăng chung của kinh tế cũng như trong các ngành. Những phân tích và đánh giá trong “Sách trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019” (dự án do Hàn Quốc tài trợ và do Bộ Công thương và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc – UNIDO thực hiện từ năm 2016) đã làm nổi bật rất nhiều vấn đề về tình trạng gia công tạo giá trị gia tăng quá thấp của Việt Nam trong thời gian qua. Phần tạo giá trị gia tăng lớn nhất là sở hữu nhãn hàng, hệ thống phân phối nước ngoài… Việt Nam không có. Những sản phẩm trung gian đầu vào cho sản xuất như dệt may, vải vóc, vật liệu làm giày dép… đều nhập từ Trung Quốc, mà giá trị nhập khẩu còn lớn hơn nhiều so với phần giá trị xuất khẩu.
Điều này có nghĩa chúng ta xuất khẩu nhiều, nhưng Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn. Do đó, để đón làn sóng đầu tư mới, sẵn sàng cho hội nhập, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ thì cần nghiêm túc đánh giá lại chỉ số giá trị gia tăng hiện nay.
Bên cạnh đó, GNI (tổng thu nhập của một quốc gia) cũng là chỉ số mà được cả bà Phạm Chi Lan và ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đề xuất bổ sung vào chỉ tiêu pháp lệnh. Theo hai vị này, nếu GDP bao gồm tất cả giá trị từ FDI, phần thu nhập, chi trả của người nước ngoài tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam thì GNI loại bỏ tất cả các yếu tố đó, thuần túy phản ảnh tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế trong nước. Đây là điều cần thiết để chúng ta hiểu thực chất tăng trưởng.
Ngoài ra, ông Phạm Thế Anh còn kiến nghị cần đưa thêm chỉ số tiết kiệm, phản ánh phần dôi ra của thu nhập sau khi tiêu dùng vì con số này liên quan trực tiếp đến khả năng vay nợ của nền kinh tế.
Các chỉ tiêu pháp lệnh chỉ nên là những chỉ số đơn giản, trực quan, dễ hiểu đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân. TFP tương đối phức tạp, chỉ các nhà nghiên cứu kinh tế mới hiểu rõ bản chất. Chưa kể, chỉ số này còn phụ thuộc vào phương pháp tính toán, mỗi phương pháp khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Do đó, không nên đưa TFP vào danh sách chỉ tiêu pháp lệnh của Việt Nam.
PGS-TS Phạm Thế Anh
HÀ MAI
TNO