Chuyển sang nuôi cá, ngủ ngon hơn!
Chuyển sang nuôi cá, ngủ ngon hơn!
Trước tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán ngày càng nghiêm trọng, nhiều địa phương tại khu vực ĐBSCL đã khuyến khích nông dân giảm diện tích lúa, chuyển sang nuôi cá tôm, trồng các loại cây ăn trái có khả năng chịu mặn tốt hơn.
Hiệu quả khả quan, nông dân cho biết đã “ngủ ngon hơn” khi chuyển sang nuôi cá.
Bỏ lúa trồng dừa
Thời gian gần đây, tại các vùng thôn quê của tỉnh Bến Tre, nhiều thửa ruộng đã lên liếp chuyển qua trồng dừa, trồng cỏ để chăn nuôi bò. Ông Nguyễn Văn Tây (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) cho biết đang dự tính chuyển 2ha vườn tạp sang trồng dừa do loại cây này chịu hạn, mặn tốt hơn các loại cây trồng khác. “Nếu có vốn, tôi sẽ chuyển sang trồng dừa. Nhưng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay không phải dễ” – ông Tây nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Lập – phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đến trước đợt hạn, mặn năm 2020, diện tích lúa của Bến Tre giảm hơn 10.000ha để chuyển sang nuôi thủy sản hoặc trồng các cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Sau mùa khô năm 2020, lúa bị thiệt hại nặng, nhiều nông dân càng quyết tâm chuyển đổi cây trồng.
Nông dân An Giang cũng đã chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi các loại cá. Anh Huỳnh Trung Hiếu (xã Phú Bình, huyện Phú Tân) cho biết đã chuyển đổi 2ha đất trồng lúa sang nuôi cá tra với 3 ao nuôi và đạt hiệu quả khá cao. “Từ ngày chuyển sang nuôi cá tôi ngủ ngon hơn. Tuy có lúc sụt trồi, nhưng lợi nhuận từ nuôi cá tra trong một năm có thể bằng làm ruộng 10 năm” – anh Hiếu cho biết.
Nhiều nông dân tại Cà Mau cũng áp dụng mô hình “con tôm ôm cây lúa” để tăng thu nhập. Ông Trần Văn Sính (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) cho biết lần đầu gia đình ông kết hợp thả tôm với trồng lúa. “Dù không phun thuốc sâu trừ bệnh, không xài phân bón hóa học nhưng cây lúa thơm phát triển tốt. Con tôm khỏe mạnh, mau lớn nhờ ôm cây lúa. Hi vọng lúa sạch, tôm sạch sẽ bán giá cao” – ông Sính kỳ vọng.
Đầu tư hạ tầng để sống chung với hạn, mặn
Ông Lương Minh Quyết – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – cho biết do xác định nuôi tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương này đã quan tâm đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để phát triển diện tích 50.000ha, trong đó diện tích nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao rất cao. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đang thử nghiệm mô hình nuôi cá tra nước mặn do khách hàng nước ngoài đánh giá chất lượng cá tra nuôi môi trường nước mặn ngon hơn nước ngọt.
“Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đang xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm, mở ra cơ hội cho nông dân vùng nước lợ – mặn đa dạng vật nuôi, tăng thu nhập” – ông Quyết cho biết. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn liền với đầu tư công trình, nhưng đầu tư các công trình ứng phó hạn, mặn ngốn rất nhiều tiền, trong khi ngân sách các địa phương ở ĐBSCL có hạn.
Do đó Sóc Trăng chọn phương án trữ nước ngọt bằng cách nạo vét hệ thống kênh thủy lợi có sẵn đủ sâu để trữ nước, kết hợp huy động nguồn lực xã hội. Doanh nghiệp nạo vét kênh lấy đất theo thiết kế, giám sát của địa phương.
“Cách làm này không tốn ngân sách, lại còn được thu thuế tài nguyên, doanh nghiệp có đất san lấp, đôi bên cùng có lợi. Nếu được các bộ, ngành chấp thuận, Sóc Trăng sẽ triển khai ngay” – ông Quyết cho biết.
Ông Trần Anh Thư – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cũng cho biết địa phương này đã và đang tiếp tục chuyển dịch dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản. Việc sản xuất lúa cũng chỉ ưu tiên những giống lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải gắn với thị trường tiêu thụ, có sự tham gia của các doanh nghiệp, tránh chạy theo phong trào.
“Hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông, điện… phải được đầu tư lại cho phù hợp, giống thủy sản và cây ăn trái cũng cần được cải thiện để đáp ứng yêu cầu hình thành chuỗi sản xuất có giá trị” – ông Thư nói.