02/01/2025

Liên tục huỷ các phiên bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước vì không ai mua

Liên tục huỷ các phiên bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước vì không ai mua

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo không thể tổ chức đấu giá lô cổ phần của Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu vào ngày 28-9 vì không có bên mua. Nhiều doanh nghiệp khác cũng bị ế.

 

 

Liên tục hủy các phiên bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước vì không ai mua - Ảnh 1.

HNX cho biết phiên đấu giá Thiết bị điện Đông Anh bị hủy do đến hết thời hạn nhưng không có ai nộp hồ sơ đăng ký năng lực nhà đầu tư.

Trước đó, EVN từng công bố muốn thoái toàn bộ vốn, hơn 13 triệu cổ phiếu (tương đương 46,47% vốn điều lệ) tại công ty trên.

Giá khởi điểm EVN chào bán là 153.100 đồng/cổ phần, giá khởi điểm cho cả lô cổ phần là hơn 2.010 tỉ đồng. Hiện tại cổ phiếu Thiết bị điện Đông Anh nằm mức 89.00 đồng, tức EVN chào bán cao hơn 170% giá thị trường.

Thiết bị điện Đông Anh có ngành nghề chính sản xuất môtơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện.

Bán niên 2020, doanh nghiệp có doanh thu thuần gần 854 tỉ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ năm trước). Nhưng nhờ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, doanh thu hoạt động tài chính tăng nên lợi nhuận sau thuế tăng 18% lên 58 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau nửa năm kinh doanh, khoản nợ doanh nghiệp này phải trả đã tăng 23% lên hơn 1.000 tỉ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh Thiết bị điện Đông Anh, HNX cũng thông báo hủy hàng loạt cuộc đấu giá cổ phần, trong đó có đấu giá CTCP Đại lý hàng hải – Vinacomin do Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam sở hữu, CTCP Vĩnh Sơn do Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông quân đội (Viettel) sở hữu, CTCP Vật liệu xây dựng và chất đốt Đồng Nai thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương, CTCP Đầu tư hạ tầng Đông Sơn do Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng sở hữu… với cùng lý do không có ai đăng ký mua.

Xét nhanh trường hợp Viettel muốn thoái toàn bộ gần 4,6 triệu cổ phiếu CTCP Vĩnh Sơn (tương đương 39,9% vốn điều lệ). Tổng giá trị sổ sách đầu tư của Viettel là 922,5 tỉ đồng, tương ứng hơn 200.000 đồng/cổ phần.

Giá chào bán cao, nhưng tình hình làm ăn của Vĩnh Sơn có phần không thuận lợi. Báo cáo tài chính bán niên 2020, Vĩnh Sơn đạt doanh thu hơn 96 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ ròng sau thuế 32 tỉ đồng, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ so với mức lỗ 34 tỉ đồng ở 6 tháng 2019.

Tính đến cuối tháng 6-2020 Vĩnh Sơn có tài sản 1.204 tỉ đồng, nhưng tài sản dở dang dài hạn lại chiếm đến 93,5%. Toàn công ty chỉ có hơn 2,4 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Vĩnh Sơn được thành lập từ năm 2003 với vốn điều lệ 1.150 tỉ đồng, kinh doanh từ bất động sản cho đến sản xuất hàng dệt may và xuất khẩu, dịch vụ vui chơi như sân golf, tennis, bể bơi, mua bán vật liệu xây dựng… Đây cũng là đơn vị triển khai dự án Khu đô thị thung lũng Hoa Hồng (Rose Valley, Hà Nội) với mức đầu tư dự kiến là 11.873 tỉ đồng.

Trường hợp CTCP Vật liệu xây dựng và chất đốt Đồng Nai, lợi nhuận sau thuế năm 2019 chỉ đạt gần 18 tỉ đồng (thấp hơn 35% kế hoạch đề ra). Năm 2020 doanh nghiệp lên kế hoạch lãi sau thuế tiếp tục giảm thêm gần 50%.

Báo cáo tài chính năm 2019 chỉ ra tổng dư nợ phải trả lên hơn 75 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng nguồn vốn, tăng hơn 196% so với cùng kỳ năm trước.

Đến hôm nay thị giá của Vật liệu xây dựng và chất đốt Đồng Nai nằm mốc 16.500 đồng/cổ phiếu, tức thấp hơn 42% so với giá khởi điểm Petrolimex đưa ra.

HNX cho biết theo lịch dự kiến có 3 phiên đấu giá trong tháng 8, tuy nhiên do không có nhà đầu tư đăng ký mua nên chỉ có 1 phiên duy nhất diễn ra.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, HNX đã tổ chức 8 phiên đấu giá thoái vốn, tổng số tiền trúng giá đạt 855,8 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cho biết theo Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn tất cổ phần hóa 128 doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên tính đến hết tháng 7-2020 mới cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp, tiến độ chỉ bằng 28% kế hoạch.

BÔNG MAI
TTO