10/01/2025

Hiện trạng thế trận binh lực Trung Quốc

Hiện trạng thế trận binh lực Trung Quốc

Vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên “Sự triển khai quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc”. 
Bố trí của lục quân PLA /// Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ
Bố trí của lục quân PLA  NGUỒN: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Trong đó có cập nhật cách thức phân bổ của lực lượng không quân, hải quân và lục quân ở các khu vực tại Trung Quốc.
Về phân chia địa lý, hiện quân đội Trung Quốc (PLA) đang có 5 chiến khu: Chiến khu Đông bộ phụ trách Đài Loan, Nhật Bản, biển Hoa Đông; Chiến khu Nam bộ phụ trách Biển Đông và khu vực Đông Nam Á; Chiến khu Tây bộ phụ trách Ấn Độ, Nam Á, Trung Á, đồng thời chuyên trách “chống khủng bố” ở Tân Cương và Tây Tạng; Chiến khu Bắc bộ phụ trách Nga và bán đảo Triều Tiên; Chiến khu Trung ương phụ trách bảo vệ Bắc Kinh và hỗ trợ các chiến khu khác.

Lục quân có 13 cụm tập đoàn quân

Trong đó, lục quân có 13 cụm tập đoàn quân chủ lực. Tổng số lượng binh sĩ lục quân của PLA vào khoảng 915.000, chưa tính lực lượng dự bị. Năm 2017, Trung Quốc từng có đến 18 cụm tập đoàn quân nhưng đã hợp nhất một số đơn vị.
Hiện nay, mỗi cụm tập đoàn quân của lục quân Trung Quốc trung bình có khoảng 12 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn khoảng 5.000 quân. Trong đó bao gồm 6 lữ đoàn vũ trang tổng hợp. Các lữ đoàn vũ trang tổng hợp được chia thành 3 loại: lữ đoàn vũ trang hạng nặng có xe bọc thép bánh xích; lữ đoàn vũ trang hạng trung là xe bọc thép bánh lốp; lữ đoàn vũ trang hạng nhẹ là các loại phương tiện có tính cơ động cao với khả năng vượt núi và tấn công đường không.
Và 6 lữ đoàn còn lại trong từng cụm tập đoàn quân bao gồm: lữ đoàn pháo binh, lữ đoàn phòng không, lữ đoàn không quân của lục quân (tập trung vào khả năng cường kích), lữ đoàn đặc nhiệm, lữ đoàn công binh và phòng thủ hóa học, lữ đoàn hậu cần.
Trong đó, lục quân được trang bị cả máy bay chiến đấu, máy bay không người lái vũ trang và cả máy bay vận tải quân sự. Ngoài các loại xe tăng chủ lực hạng nặng, lục quân của PLA còn sở hữu nhiều loại xe tăng hạng nhẹ như Type-15 có khả năng di chuyển linh hoạt ở các vùng đồi núi, với trang bị pháo 105 mm. Bên cạnh đó, lục quân của PLA cũng đã nâng cao khả năng phối hợp tác chiến với hệ thống liên lạc được kết nối với các máy bay không người lái để định vị mục tiêu, lập phương án và tiến hành tác chiến.
Hiện trạng thế trận binh lực Trung Quốc

Hải quân có 350 tàu chiến

Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy nhanh tiến độ đóng tàu chiến và có mật độ biên chế chiến hạm mới khá dày đặc. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân PLA hiện có khoảng 350 tàu chiến gồm nhiều loại, được phân bổ cho 3 lực lượng hải quân ở các chiến khu Bắc bộ, Nam bộ và Đông bộ.
Hải quân Chiến khu Bắc bộ có tổng hành dinh đóng ở TP.Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), phụ trách vùng Hoàng Hải sát với CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và vùng biển Nhật Bản. Hải quân Chiến khu Đông bộ có tổng hành dinh đóng ở TP.Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), phụ trách vùng biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan.
Hải quân Chiến khu Nam bộ có tổng hành dinh đóng ở TP.Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông), phụ trách các hoạt động ở Biển Đông.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ mới có 2 tàu sân bay là tàu sân bay Liêu Ninh (Chiến khu Bắc bộ) và tàu sân bay Sơn Đông (Chiến khu Nam bộ), đều được phát triển từ lớp tàu Kuznetsov của Liên Xô. Ngoài ra, hải quân PLA còn sở hữu nhiều tàu ngầm hạt nhân, có khả năng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.
Hiện trạng thế trận binh lực Trung Quốc - ảnh 2

Bố trí của hải quân và không quân PLA NGUỒN: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Không quân có 2.500 máy bay

Hiện nay, không quân PLA có số lượng máy bay nhiều nhất trong khu vực, lớn thứ ba thế giới với 2.500 chiếc, chưa tính các loại máy bay huấn luyện và máy bay không người lái. Trong đó có khoảng 2.000 máy bay chiến đấu bao gồm các loại sau: máy bay tiêm kích với khoảng 1.500 chiếc và trong số này có khoảng 800 chiếc thuộc thế hệ thứ 4 trở về sau. PLA có kế hoạch trong vài năm tới sẽ phát triển chỉ còn máy bay tiêm kích thế hệ 4 trở về sau. Trung Quốc cũng đã tập trung phát triển một số dòng máy bay tiêm kích thế hệ 5 như J-20 và J-31, trong đó J-20 đã được triển khai đến khu vực biên giới với Ấn Độ.
Máy bay ném bom của PLA chủ yếu thuộc dòng H-6 vốn có nguồn gốc từ dòng oanh tạc cơ Tu-16 của Liên Xô. Hiện nay, PLA có nhiều phiên bản H-6 và trong đó có cả một số phiên bản có thể mang theo tên lửa đối hạm và cả tên lửa đạn đạo.
Không quân PLA cũng đang sở hữu nhiều loại máy bay chuyên về liên lạc, giám sát, trinh sát và cả tác chiến điện tử, máy bay cảnh báo sớm trên không.

Sở hữu 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa

Ngoài không quân, hải quân và lục quân, PLA còn có lực lượng tên lửa mặt đất đang được trang bị nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn (DF-15 có tầm bắn khoảng 800 km, DF-11 có tầm bắn khoảng 600 km), tầm trung (DF-16 có tầm bắn khoảng 1.500 km và DF-26 có tầm bắn khoảng 4.000 km, cả hai đều có phiên bản tấn công tàu chiến), cùng với khoảng 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 200 trong 5 năm tới.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc có tầm bắn từ 7.200 – 13.000 km và có thể được phóng từ nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả các loại xe chuyên dụng hoặc bệ phóng cố định.
NGÔ MINH TRÍ
TNO