23/01/2025

Việt Nam tăng cường các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

Việt Nam tăng cường các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

Với 291 khuyến nghị được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra, Việt Nam tuyên bố chấp thuận 241 khuyến nghị – tỷ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung.

Việt Nam tăng cường các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người - Ảnh 1.

Anh A Súp và con gái, dân tộc Xê Đăng ở huyện Ngọc Hồi, Kon Tum giặt áo quần bằng nước máy. Tăng cường tiếp cận nước sạch là một trong những khuyến nghị Việt Nam chấp thuận để thúc đẩy quyền con người trong chu kỳ III của UPR – Ảnh: TTXVN

75 năm trước, Việt Nam giành độc lập khi vừa trải qua nạn đói, cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người. Nền dân chủ cộng hòa được lập nên trong bối cảnh những quyền cơ bản của con người không được đáp ứng.

Những khó khăn đó chính là lý do Chính phủ Việt Nam, trong những năm qua, có nhiều nỗ lực đẩy mạnh chính sách trên lĩnh vực quyền con người và thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người.

Phát biểu trên được ông Lê Hoài Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đưa ra tại Hội thảo thông tin về kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận tại Hà Nội ngày 4-9.

Theo ông Trung, Việt Nam cho rằng UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ LHQ). Trong đó, việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên của LHQ đều được rà soát. Các quốc gia đồng thời chia sẻ các thực hành tốt nhất nhằm cải thiện tình hình nhân quyền trên thực tế.

Báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam vào tháng 1-2019 và tháng 7-2019 nhận được sự quan tâm lớn của các nước với 291 khuyến nghị được đưa ra. Trong đó, Việt Nam tuyên bố chấp thuận 241 khuyến nghị. Đây là tỷ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung của các quốc gia.

“Các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trong chu kỳ III tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thúc đẩy quyền kinh tế, văn hoá, xã hội bao gồm tăng cường tiếp cận nước sạch, y tế, giáo dục và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương” – ông Trần Chí Thành, Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, nói.

Cũng theo ông Thành, khuyến nghị liên quan đến án tử hình là một trong số những khuyến nghị mà Việt Nam không chấp thuận.

“Điều này không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn bác bỏ vấn đề đó. Việc xem xét chấp thuận hay không phụ thuộc rất lơn vào điều kiện thực tế trong nước, thời gian và tính khả thi của việc hoàn thành khuyến nghị đó trong một chu kỳ UPR”, ông Thành giải thích.

Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn tất xây dựng và thông qua Kế hoạch Quốc gia Tổng thế vào tháng 12-2019, để kịp thời triển khai những khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.

“Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những bước tiến trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, thông qua việc phê chuẩn các điều ước quốc tế quan trọng bao gồm Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT) và Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD)”, bà Wiesen nói.

KHOA THƯ
TTO