22/01/2025

1/3 người Mỹ, gần 1/2 người Nga không muốn tiêm vắc xin Covid-19

1/3 người Mỹ, gần 1/2 người Nga không muốn tiêm vắc xin Covid-19

Mỹ và Nga là hai quốc gia có tỷ lệ người dân muốn tiêm vắc xin Covid-19 thấp nhất. Trong khi đó, đến 97% người dân Trung Quốc, 85% người dân Anh khẳng định sẽ dùng vắc xin nếu có.
Nhiều người Mỹ không muốn tiêm vắc xin Covid-19 chủ yếu vì lo lắng về các tác dụng phụ, nghi ngờ tính hiệu quả... /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Nhiều người Mỹ không muốn tiêm vắc xin Covid-19 chủ yếu vì lo lắng về các tác dụng phụ, nghi ngờ tính hiệu quả…  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Công ty Ipsos MORI (Anh) đã tiến hành khảo sát trực tuyến về việc sử dụng vắc xin Covid-19 cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Họ hỏi 19.519 người trưởng thành tại 27 quốc gia trong khoảng thời gian từ ngày 24.7 đến ngày 7.8.
Kết quả, Mỹ là một trong những quốc gia nghi ngờ vắc xin SARS-CoV-2 nhất. 33% số người ở Mỹ được hỏi cho biết họ “phần nào không đồng ý” hoặc “hoàn toàn không đồng ý” với tuyên bố “nếu có vắc xin cho Covid-19, tôi sẽ tiêm nó”. Chỉ hơn 2/3 số người được hỏi sẽ tiêm, 32% nói rằng họ “phần nào đồng ý” và 35% nói rằng họ “hoàn toàn đồng ý” tiêm, theo Business Insider.
Những phát hiện nói trên phù hợp với các cuộc thăm dò trước đây do Marist Poll và Gallup tiến hành. Cả hai khảo sát đó đều cho thấy 35% người Mỹ sẽ không tiêm vắc xin ngừa virus Corona nếu có.
Trong số 27 quốc gia được khảo sát, ý định sử dụng vắc xin thấp nhất ở Nga. 46% người được hỏi ở nước này nói họ sẽ không tiêm vắc-xin Covid-19, cụ thể, 24% nói “phần nào không đồng ý” và 22% nói “hoàn toàn không đồng ý”.
Ý định sử dụng vắc xin cao nhất ở Trung Quốc. Chỉ 3% người Trung Quốc được hỏi cho biết họ sẽ không tiêm vắc xin Covid-19 và 97% nói họ sẽ tiêm.
Tại Anh, 16% không đồng ý dùng vắc xin Covid-19 và 85% đồng ý.
Lý do phổ biến nhất khiến người Mỹ không muốn chủng ngừa SARS-CoV-2 là lo lắng về các tác dụng phụ tiềm ẩn của vắc xin (60%), không tin rằng nó sẽ hiệu quả (37%), chống lại vắc xin nói chung (20%), cảm thấy không đủ liều (19%), theo Business Insider.
TẠ BAN
TNO