24/12/2024

Người nhiễm COVID-19 ở Indonesia bị kỳ thị như HIV/AIDS

Người nhiễm COVID-19 ở Indonesia bị kỳ thị như HIV/AIDS

COVID-19 không chỉ gây rủi ro cho sức khoẻ của nhiều người khỏi bệnh mà còn cho mối quan hệ với bạn bè và hàng xóm của họ. Đối với một số người từng mắc COVID-19 ở Indonesia, sự kỳ thị này còn tệ hơn cả việc mắc bệnh.

 

Người nhiễm COVID-19 ở Indonesia bị kỳ thị như HIV/AIDS - Ảnh 1.

Những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ tham gia buổi tập thể dục tăng cường sức khỏe trong khuôn viên bệnh viện ở Surabaya, Indonesia ngày 17-8-2020 – Ảnh: AFP

Một cuộc khảo sát gần đây của nhóm LaporCovid-19, hợp tác với các nhà nghiên cứu từ khoa tâm lý của Đại học Indonesia, cho thấy rằng sự kỳ thị với bệnh nhân COVID-19 và những người sống sót sau khi mắc bệnh đã tồn tại suốt 6 tháng qua.

Nhóm tiến hành khảo sát từ 7-8 đến 16-8 với 181 người tham gia trên 18 tuổi và từng dương tính với virus corona. Phân nửa trong số này là các nhân viên y tế, theo báo Jakarta Post ngày 31-8.

Khảo sát cho thấy 55,25% trong số này trở thành mục tiêu bị đàm tiếu, 33,15% bị xa lánh và 24,86% bị coi là kẻ lây bệnh. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng 9,39% người được hỏi từng bị bắt nạt trên mạng xã hội, 3,31% bị đuổi khỏi nhà và 0,55% người bị sa thải.

Cô gái trẻ Ayu (tên nhân vật tự xưng) cho biết cô quay trở lại làm việc sau một tháng nằm viện và cách ly vì mắc COVID-19 và một số đồng nghiệp đã đối xử lạnh lùng hơn với cô. Cô Ayu (24 tuổi), làm việc tại ngân hàng, cảm thấy đồng nghiệp dường như đang tránh mặt cô. Một số người không rủ cô đi ăn trưa cùng họ nữa. Ayu cảm thấy mình như bị ruồng bỏ.

Một trong những đồng nghiệp nam của Ayu đã thẳng thừng cáo buộc cô đã lây bệnh cho những nhân viên khác, bao gồm cả chính ông này.

“Giờ tôi nhận ra ai là bạn thật sự của mình, không phải những người chỉ bên ta lúc tốt đẹp mà là những người luôn ở cùng ta cả khi tốt và khi xấu” – cô Ayu nói với báo Jakarta Post.

Cô Ayu có kết quả dương tính với virus corona vào giữa tháng 6, sau khi mất đi người chú vì COVID-19. Sau đó, Ayu cũng mất đi người cô trong phòng chăm sóc đặc biệt vì căn bệnh truyền nhiễm này.

Không lâu sau khi có kết quả mắc COVID-19, tổ trưởng khu phố nơi Ayu sinh sống đã công khai tình trạng mắc bệnh của gia đình cô và cả tên tuổi cùng chứng minh thư của họ lên nhóm chat WhatsApp của khu phố.

Em họ của cô, cũng dương tính với virus và đang ở cùng bà ở khu phố gần đó, bị cáo buộc trốn cách ly để hẹn hò lén lút với bạn trai.

“Người đàn ông và người phụ nữ mà những người hàng xóm trông thấy đêm đó thực chất là mẹ tôi và em trai của bà ấy. Họ phải đến bệnh viện để ký giấy tờ cho dì của tôi được sử dụng máy thở càng sớm càng tốt” – cô Ayu nói.

Một số chuyên gia thừa nhận sự kỳ thị đối với COVID-19 tại Indonesia cũng tệ như với HIV/AIDS.

“Sáu tháng sau khi đại dịch bùng phát, sự kỳ thị vẫn tồn tại. Tôi đã tưởng điều này sẽ giảm bớt sau ba tháng đầu tiên nhưng sự thật lại không phải như thế” – bác sĩ Akmal Taher, thành viên của đội chuyên gia thuộc lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia, chia sẻ.

Bà Siska Verawati, thuộc Trung tâm sáng kiến phát triển chiến lược Indonesia, nhận định rằng sự kỳ thị, do hiểu sai lệch về đại dịch COVID-19, làm gián đoạn nỗ lực truy vết và xét nghiệm vì mọi người không báo cáo trung thực về các triệu chứng của họ.

Bà Verawati cho rằng cộng đồng cần chung tay và không kỳ thị những nhân viên y tế tuyến đầu để có thể ngăn dịch COVID-19 lây lan.

“Cần có những bài tuyên truyền tốt về việc COVID-19 là có thật và là kẻ thù chung của chúng ta” – bà Verawati kết luận.

ANH THƯ
TTO