Chúa Nhật XXI TN A 2020: Trả lời cho Chúa Giêsu

Các câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người ta bảo Thầy là ai”, “Còn anh em bảo Thầy là ai” (x. Mt 16,13-20), có thể nói rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta, cũng như đối với công cuộc loan báo Tin Mừng.

Chúa Nhật XXI TN A 2020

Trả lời cho Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người ta bảo Thầy là ai”, “Còn anh em bảo Thầy là ai” (x. Mt 16,13-20), có thể nói rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta, cũng như đối với công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi vì một khi chúng ta xác tín được Đức Giêsu thật sự là ai đối với chính mình, ta mới có thể loan báo Người cho đồng bào quanh ta.

1. Nhiều người trong xã hội chưa biết Đức Giêsu

Trong thực tế của đời sống, hình như rất nhiều người tín hữu chúng ta chưa xác tín được Đức Giêsu Kitô là ai đối với mình, nên cũng chưa loan báo đúng về Người cho đồng bào. Vài con số thống kê, mà chúng ta nhắc lại, như gợi ý điều đó.

Số người tin vào Chúa Giêsu ở Việt Nam đang giảm sút khá nghiêm trọng: cách đây 10 năm, theo thống kê dân số, người Công giáo có 6,61%, bây giờ còn có 6,1%, nghĩa là trong vòng 10 năm, có khoảng 600 ngàn người bỏ Chúa Giêsu, không tin theo Người. Trong khi nhiều người cứ nhắc đi nhắc lại vài con số cách đây cả chục năm là Việt Nam có 7% người Công giáo, 7 triệu người Công giáo. Ngày 19/12/2019 vừa qua, thống kê chính thức của Nhà nước loan báo chỉ có 5,9 triệu người Công giáo trên 97 triệu dân.

Tạo sao lại có chuyện giảm sút đó?

Nhìn vào xã hội toàn cầu, người ta ý thức được rằng các tôn giáo đều đáng được tôn trọng như nhau. Ở một vài nước Âu Mỹ, khi một ít người Hồi giáo hay Phật giáo biểu tình nêu lên quan điểm đó, thì rất nhiều nước theo Công giáo từ lâu đời đã vội vàng rút tất cả những biểu tượng Công giáo ra khỏi các cơ sở công cộng như toà đô chính, toà án, nhà thương, trường học, quảng trường… và chỉ cho phép giữ lại biểu tượng tôn giáo trong thánh đường.

Trước đây những cơ sở đó đều treo thánh giá hay ảnh tượng Chúa Giêsu. Toà án nào cũng có chỗ trang trọng để người ta đặt tay trên cuốn Thánh Kinh và tuyên thệ mình sẽ nói sự thật. Nhiều trường công có những lớp giáo lý để giúp cho học sinh sống đúng các giá trị căn bản của con người như sự thật, sự sống, tình yêu, công bình, tự do… vì chỉ khi tin vào Thiên Chúa là nguồn mọi hiện hữu, con người mới thật sự tôn trọng những giá trị đó. Hiện nay người ta không còn giữ những dấu hiệu tôn giáo đó nữa nên nhiều người trẻ không quan tâm đến tôn giáo, khi sống theo trào lưu của xã hội và không còn biết Đức Giêsu thật sự là ai.

Trong xã hội Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, những biểu tượng tôn giáo ít xuất hiện ngoài cộng đồng xã hội. Hơn nữa, khi chính quyền chủ trương xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội của các nhà tư tưởng Marx-Engels- Lênin, thì tôn giáo bị coi như một yếu tố tiêu cực, bất đắc dĩ phải chấp nhận trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những thông tin về Chúa Giêsu hầu như bị loại bỏ, như ta thấy trong bộ tự điển lớn lao nhất của Việt Nam là bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam do hơn 300 nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam soạn thảo và xuất bản năm 2005. Những hiểu lầm, căng thẳng và cả những xung đột giữa người Cộng sản và Công giáo trong quá khứ đã khiến cho nhiều người Việt Nam hoàn toàn không biết Đức Giêsu là ai.

2. Nhiều người trong Giáo Hội cũng chưa biết Đức Giêsu thật sự là ai

Hơn nữa, nhiều tín hữu trong Giáo Hội cũng chưa biết Đức Giêsu thật sự là ai. Người ta có thể kiểm chứng bằng các cuộc thăm dò ý kiến quần chúng trong các giáo xứ, hội đoàn và đã nhận được những câu trả lời rất khác nhau. Một số trẻ em có câu trả lời tương tự như của Thánh Phêrô trong bài Tin Mừng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Tuy nhiên, đó là câu trả lời học thuộc lòng trong lớp giáo lý để có thể được nhận các bí tích như Xưng tội Rước lễ Lần đầu hay Thêm Sức, chứ các em không có một chút ý thức nào. Tại sao lại xảy ra tình trạng này?

Đức Giêsu Kitô là Đấng sáng lập ra Kitô giáo. Vì thế, đáng lý môn Kitô học phải là môn học quan trọng nhất, được dành thời giờ, công sức, đầu tư nhiều nhất, thì lại bị xem nhẹ so với các môn học khác. Khi đào tạo linh mục, tu sĩ trong các chủng viện, học viện, dòng tu, người ta tập trung rất nhiều vào môn Thánh Kinh, luân lý… Hiện nay chương trình đào tạo dành khoảng 300-400 tiết học về Thánh Kinh, trong khi chỉ có khoảng 60 tiết cho môn Kitô học.

Sự khác biệt trong các câu trả lời về Chúa Giêsu còn bắt nguồn từ cách giảng dạy về Đức Giêsu của những người có trách nhiệm. Qua nhiều thế kỷ, các dòng tu tranh cãi nhau trong một số luận đề về Đức Giêsu, khiến nhiều vị giáo sư không dám công khai bày tỏ quan điểm của mình vì sợ bị loại trừ. Dù Giáo lý Hội Thánh Công giáo, từ số 422 đến 682, nói rất rõ ràng về các điều phải biết và “tin vào Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa”, nhưng cho đến bây giờ, không ít các linh mục, tu sĩ vẫn chưa thống nhất về những điểm này.

Thí dụ dòng Đa Minh quan niệm Chúa Giêsu, vì là Ngôi Lời Thiên Chúa, nên biết trước tất cả những gì con người có thể nghĩ ra, dù một triệu năm sau. Dòng Tên lại chủ trương có nhiều điều Chúa Giêsu không biết, ví dụ như không biết đi xe đạp, không biết vi tính, vì Người đã đón nhận bản tính con người đã bị biến đổi bởi tội lỗi (x. Pl 2,7), nên “tri thức của Người tự nó không thể có tính chất vô hạn: nó được hình thành trong các điều kiện lịch sử của đời sống trong không gian và thời gian” (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 472). Cách đây 2000 năm, người Do Thái chưa có xe đạp, chưa có máy vi tính, nên Chúa Giêsu không biết.

Thêm vào đó, các tín hữu không thể tìm ra lời giải đáp cho một số điều về Đức Giêsu trong Thánh Kinh, Thánh Truyền, Giáo Huấn của Giáo Hội hay trong các luận đề của các nhà thần học nổi danh, dù là Thánh Thomas Aquinas. Thí dụ như: “Cấu trúc tâm lý của Chúa Giêsu có gồm các tầng ý thức, tiềm thức, vô thức không?” “Nếu Chúa Giêsu có tâm lý bình thường thì Người có rung động trước các cô gái đẹp không?”. Công đồng Vaticanô II đã dạy rằng: “vì Đức Giêsu thật sự là một con người toàn vẹn, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (x. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 22), nên ta có thể xác tín rằng Người có rung động và tất cả những gì các khoa học tự nhiên khám phá ra về con người thì đều có thể áp dụng cho Chúa Giêsu.

Vì thế, chúng ta cần phải khiêm tốn thú nhận rằng: nếu bây giờ Chúa Giêsu hỏi chúng ta: “còn anh em bảo Thầy là ai?”, chúng ta không biết trả lời Người như thế nào. Quả thật, chúng ta chưa học biết về Người cho thấu đáo, chúng ta chưa nghiên cứu về Người cho sâu xa, để có thể rao giảng về Người với niềm xác tín, thay vì những bài giảng nói chung chung hay kể vài câu chuyện cho vui tai người nghe như hiện nay.

“Thầy là Đức Kitô” và tôi cũng là Kitô hữu, nghĩa là “được xức dầu để làm vua, làm tiên tri, làm tư tế” với sứ mệnh cao quý là cứu độ thế giới. Như Chúa Giêsu đã trao chìa khoá cho Phêrô, nghĩa là trao quyền lực cho người đáng tin cậy, như trong Bài đọc I (x. Is 22, 19-23), Người trao cho mỗi người chúng ta quyền năng, ân sủng, tình yêu và cả sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa để ta có thể cùng với Người cứu độ thế giới, khi chia sẻ chúng cho mọi người quanh ta. Lời tuyên xưng của chúng ta không còn căn cứ vào sự hiểu biết, tìm tòi của cá nhân mỗi người, nhưng dựa vào ơn mạc khải của Chúa Cha ban cho, như Chúa Giêsu đã nói cho ông Phêrô biết điều này.

Lời kết

Muốn được như thế, chúng ta phải gắn bó và tìm hiểu về Chúa Giêsu nhiều hơn, và phải xác tín về Người trước khi chia sẻ cho người khác. Nhờ đó, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được “sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào” (x. Rm 11,33-36). Chúng ta mới có thể, giống như Phêrô, Phaolô hay như các tín hữu thời xưa, làm chứng rằng “Đức Giêsu thật sự là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

 

HKK