24/01/2025

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, sức cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế giảm mạnh khiến quốc gia này cân nhắc thay đổi chính sách nhằm tăng cạnh tranh trở lại.
Trong tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu cao hơn gạo Thái cùng loại 15 USD/tấn /// Ảnh: Minh Quang
Trong tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu cao hơn gạo Thái cùng loại 15 USD/tấn ẢNH: MINH QUANG
Thời gian qua, đồng bath Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD và chi phí sản xuất tăng đã khiến giá gạo Thái Lan neo ở mức cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan ghi nhận, thời điểm đầu tháng 8 năm nay, giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái được giao dịch ở mức 460 USD/tấn, cao hơn 90 USD so với gạo đồng hạng của Ấn Độ trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu giá cao nhất 452 USD/tấn. Chỉ 1 tuần sau đó, cũng loại gạo này, Việt Nam xuất khẩu với giá 468 – 472 USD/tấn, gạo Thái lên 468 USD/tấn. Từ ngày 8.8 đến nay, trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam dao động ở mức 478 – 482 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với mức giá đầu tháng. Với mức này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc thay đổi chính sách gạo, trong đó tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu các giống gạo mới. Đây là nội dung trọng tâm của chiến lược sản xuất gạo giai đoạn 2020 – 2024 đã được Bộ Thương mại Thái Lan công bố vừa qua.
Nhóm các loại gạo sẽ được tập trung phát triển chia làm 3 phân khúc bao gồm loại cao cấp như gạo hom mali, gạo hương; loại đại trà như gạo trắng mềm, gạo trắng cứng, gạo đồ; và loại đặc biệt như gạo nếp và gạo đặc biệt. Theo đó, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ làm việc cùng Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo có cuộc họp sớm tìm kiếm các đối tác mới nhằm mở rộng thị trường do gạo Thái Lan hiện vẫn được nhiều đối tác quốc tế quan tâm nhờ chất lượng. Song song đó, trưởng đại diện các cơ quan Thương vụ của Thái Lan tại nước ngoài cũng được khuyến khích quảng bá, tìm kiếm thị trường tiềm năng.
Trong khi giá gạo xuất khẩu vẫn giữ được “phong độ” trong tuần qua, ngày hôm nay (11.8), giá lúa và gạo trong nước có sự biến động trái chiều.
Giá lúa các loại tăng nhẹ 100 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa tươi IR 504 và OM 5451 tăng nhẹ 100 đồng lên mức 5.800 đồng/kg. Giá nhiều loại lúa cũng tiếp tục neo ở mức cao như lúa Jasmine 6.000 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 ở mức 5.850 đồng/kg; đài thơm 8 có giá 6.200 đồng/kg; nàng hoa 9 giá 6.400 đồng/kg; OM 6976 giá 5.800 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, hôm nay (11.8), giá các loại gạo NL IR 504 và OM 5451 quay đầu giảm nhẹ sau nhiều ngày tăng. Cụ thể, giá gạo NL IR 504 ở mức 9.000 đồng/kg, giảm 100 đồng; gạo TP IR 504 ở mức 10.700 đồng/kg, giảm 100 đồng. Dù vậy, các thương lái vẫn cho rằng, mức giá này hiện còn cao hơn 300 – 500 đồng/kg so với cách đây một tuần.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay Philippines đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 37% thị phần. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu gạo có giá trị tăng mạnh nhất là Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41.100 tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45.200 tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457.600 tấn). Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tập trung hàng để hoàn tất các hợp đồng đã ký với những đối tác nước ngoài Malaysia, Philippines và Cuba.
NGUYÊN NGA
TNO