24/01/2025

May mặc Trung Quốc sụt giảm, Việt Nam tìm cơ hội

May mặc Trung Quốc sụt giảm, Việt Nam tìm cơ hội

May mặc Việt có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ khi vị trí dẫn đầu các nhà xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ của Trung Quốc bị tụt hạng vì đại dịch Covid-19 và thương chiến Mỹ – Trung.
Nhiều nhận định khá lạc quan khi cho rằng doanh nghiệp Việt có cơ hội tăng thị phần hàng may mặc tại thị trường Mỹ /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Nhiều nhận định khá lạc quan khi cho rằng doanh nghiệp Việt có cơ hội tăng thị phần hàng may mặc tại thị trường Mỹ  ẢNH: NGỌC THẮNG
Cuối tuần qua, một bài báo trên South China Morning Post có tựa đề Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu quần áo hàng đầu vào Mỹ khi Việt Nam giành thị phần cho rằng, vi rút Corona cũng như thương chiến Mỹ – Trung đã thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mỹ, trong khi thị phần hàng may mặc Trung Quốc tại Mỹ giảm mạnh.
Dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, bài báo thông tin, tổng giá trị hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm từ gần 30% trong năm 2019 xuống 20% trong nửa đầu năm nay và hiện đang bằng với hàng từ Việt Nam sau khi đất nước hình chữ S cải thiện thị phần tăng từ 16% lên 20%.

Nhập hàng từ Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc

Cụ thể, khảo sát của Hiệp hội Ngành thời trang Mỹ với 25 giám đốc điều hành các công ty thời trang hàng đầu Mỹ trong quý 2 năm nay cho thấy 29% cho biết họ nhập khẩu từ Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc trong năm nay. Tỷ lệ này trong năm ngoái là 25%. Đáng lưu ý, khoảng 70% chuyên gia tham gia phỏng vấn với hiệp hội này cũng đưa ra dự báo hàng áo quần tiếp tục giảm nhập từ Trung Quốc đến năm 2022.
Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra Trung Quốc đóng góp ít nhất 30% (về số lượng) hàng may mặc nhập khẩu của Mỹ trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, Bộ Công thương Việt Nam cho biết tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm ở các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là thế mạnh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý 2 thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với 6,2 tỉ USD, giảm 12% so cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Mỹ hiện chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH Việt Thắng Jean. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nhận định hàng áo quần của Việt Nam xuất sang Mỹ đang tiệm cận với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc tại thị trường Mỹ là không sai.
Tuy nhiên, ông lưu ý hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm mạnh do người Mỹ giảm mua sắm áo quần đến 80% trong đại dịch.
“Tỷ lệ người Mỹ mua sắm hàng thời trang chỉ bằng 20% so với lượng hàng của năm ngoái. Sự sụt giảm mạnh hàng Trung Quốc vào Mỹ được khởi phát từ năm ngoái khi thương chiến nổ ra, đến nay tiếp tục giảm là điều đương nhiên do căng thẳng vẫn leo thang và đại dịch lan rộng. Song có tín hiệu tích cực là một số đơn hàng thời trang của Trung Quốc được đối tác Mỹ chuyển hướng sang mua các thị trường châu Á và châu Phi khác, trong đó có Việt Nam ngay trong mùa dịch”, ông Việt phân tích và dẫn chứng chính doanh nghiệp mình có được đối tác mới từ Mỹ mà trước đây họ mua hàng từ Trung Quốc là chủ yếu. Ông nói dịch bùng phát nên nhiều tiểu bang của Mỹ phong tỏa liên tục, thị trường mua sắm gần như đóng băng nên sự dịch chuyển đơn hàng của Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam đã có nhưng chưa thấy một cách rõ rệt. Hiện Việt Nam cũng đang xuất khẩu lượng hàng áo quần lớn sang Mỹ, hết tháng 7, thị trường này đạt kim ngạch khoảng 8 tỉ USD, giảm 30% so cùng kỳ năm trước.

Cạnh tranh bằng giá với các nước châu Á khác

Trên Facebook, bài báo nói trên đã thu hút được lượng lớn độc giả quan tâm với 449 bình luận, đa số đồng tình với việc “giảm lệ thuộc hàng áo quần từ Trung Quốc” của người Mỹ. Nhiều ý kiến nhận xét khá kỹ về “đường kim mũi chỉ” hàng “made in Vietnam” và cho rằng “quá tốt”. Bên cạnh đó, cái tên Bangladesh, Campuchia, Indonesia cũng được nhắc đến và đều có chung nhận định là mức độ “ổn định” khá đồng đều.
“Đã làm hàng xuất khẩu luôn phải có chuẩn nhất định rồi, nên cạnh tranh bằng giá hiện được áp dụng khá nhiều trong lĩnh vực may mặc. Hiện hàng may mặc Việt Nam sang Mỹ cạnh tranh với Bangladesh, Campuchia và Indonesia. Trong đó, Campuchia đang chiếm lợi thế do giá nhân công thấp, thuế thu nhập cá nhân thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Lương thu nhập trung bình trong ngành may mặc tại VN tầm 350 USD/tháng, vị trí cao hơn lên 600 – 700 USD/tháng. Bangladesh chỉ hơn nửa số đó và Campuchia cũng vậy”, ông Việt cho biết.
Đồng quan điểm, bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng may mặc sang 2 thị trường Mỹ và Âu châu, còn cho rằng: “Bi kịch là lương lao động tại Việt Nam đang tăng trong khi năng suất lao động người Việt không bằng hai thị trường nói trên”. Bà Cecile Phạm nhận xét mẫu số chung cho cả hai thị trường may mặc lớn của VN là Mỹ và EU là tránh tối đa những gì liên quan đến hai chữ “Trung Quốc”. Hiện doanh nghiệp may mặc Việt tìm được nguồn hàng nguyên liệu thay thế hàng từ Trung Quốc đạt 50 – 60%. Trong đó, xuất hàng đi Mỹ và EU phải mua nguồn nguyên phụ liệu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ với mức giá cao hơn từ 8 – 15%. Như vậy, trong cạnh tranh về giá, hàng may mặc Việt đang chịu 2 áp lực: giá nhân công tăng và giá đầu vào tăng.
NGUYÊN NGA
TNO