23/01/2025

Người bị rối loạn lo lắng, trầm cảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tăng nhanh

Người bị rối loạn lo lắng, trầm cảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tăng nhanh

1/3 người trưởng thành ở Mỹ đang có các biểu hiện rối loạn lo lắng. Trong khi đó, gần 800 nhà tư vấn, bác sĩ tâm lý, nhân viên xã hội ở Singapore trực chiến đường dây nóng tư vấn tâm lý và tài chính liên quan dịch COVID-19.

 

Người bị rối loạn lo lắng, trầm cảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tăng nhanh - Ảnh 1.

Các biện pháp cách ly chống dịch COVID-19 có tác động lớn đến tâm lý người dân trong xã hội – Ảnh: REUTERS

Bên cạnh lo ngại về kinh tế suy sụp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một vấn đề quan trọng khác mà các nước cần quan tâm là sức khỏe tinh thần của người dân trong đại dịch.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra tình trạng mất oxy trong máu có thể tác động đến hành vi của bệnh nhân. Hay việc mất vị giác do bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống, chất lượng sống.

Tăng cô đơn, trầm cảm

“Chúng ta chỉ mới bắt đầu thấy dịch ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các cá nhân”, chuyên gia Cornelia Chee của Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Ví dụ tại Singapore, đường dây nóng chăm sóc quốc gia được thiết lập từ tháng 4-2020 đã nhận được 23.000 cuộc gọi tư vấn về vấn đề tài chính lẫn tâm lý liên quan đến dịch COVID-19. Khoảng 800 nhà tư vấn, bác sĩ tâm lý, nhân viên xã hội trực chiến với đường dây nóng. Singapore cho đóng cửa dịch vụ điều trị tâm lý đầu tháng 4-2020 trong các biện pháp chống dịch nhưng sau đó phải mở cửa trở lại theo yêu cầu của các chuyên gia tâm lý.

Tại Mỹ, Đài CNN cho biết số cuộc gọi đến đường dây nóng hỗ trợ thảm họa trong tháng 3-2020 tăng đến 891%. Theo thống kê của Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia Mỹ, 1/3 người trưởng thành ở nước này đang có các biểu hiện rối loạn lo lắng.

Trong khi đó, hàng trăm đường dây nóng được thành lập ở Trung Quốc cũng tràn ngập các cuộc gọi, theo Hãng tin Reuters. Một khảo sát quốc gia cho thấy 35% người dân Trung Quốc bị căng thẳng trong và sau các biện pháp phong tỏa.

Các khảo sát ở nhiều quốc gia như Đức, Ấn Độ cũng cho thấy sự gia tăng căng thẳng, các vấn đề tâm lý ở người dân.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, các biện pháp chống dịch như cách ly, có thể làm gia tăng sự cô đơn, lo lắng, mất ngủ, uống rượu bia, sử dụng ma túy hoặc thậm chí tự tử. Việc phong tỏa cũng làm gia tăng bạo lực gia đình…

Tại Singapore, Trung tâm dịch vụ gia đình Whispering Hearts cho biết trong tháng 4-2020, tỉ lệ bạo lực gia đình trong số vụ việc được ghi nhận tăng lên 23% so với 14% năm ngoái. Trường hợp nghiêm trọng nhất, một thiếu niên bị trầm cảm đã tự tử.

Thiếu niên này cảm thấy áp lực khi buộc phải ở trong nhà trong khi mối quan hệ với cha mẹ không được suôn sẻ. Trong xã hội, con người có xu hướng dựa vào các cơ chế hỗ trợ từ bạn bè, gia đình và cộng đồng. Các tương tác xã hội được chứng minh giúp gia tăng các hormon tích cực cho não và giúp chúng ta sống lâu hơn. Do đó, việc cách ly sẽ ảnh hưởng đến các cơ chế này, khiến chúng ta chống chọi với căng thẳng kém hơn.

Chưa kể nhiều người cũng chịu tác động trực tiếp về tài chính và việc làm do đại dịch. Tình hình hiện tại làm gia tăng lo ngại về việc mất việc làm, giảm lương… trong khi các doanh nghiệp áp lực về việc chi trả hóa đơn, giữ người lao động. Những người muốn thay đổi công việc giờ đây cũng có ít lựa chọn hơn.

Tâm lý của các bệnh nhân COVID-19 cũng là vấn đề cần quan tâm. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Brain, Behavior and Immunity ngày 30-7 cho thấy 55% các bệnh nhân COVID-19 mắc ít nhất một rối loạn tinh thần.

Điều trị tâm lý ra sao?

Theo giới chuyên gia, cần thừa nhận sức khỏe tinh thần sẽ là một phần vấn đề cần giải quyết hậu COVID-19 và nên cân nhắc lập các cơ sở chăm sóc tâm lý cho các bệnh nhân.

“Tôi ủng hộ lập các bệnh viện để giải quyết vấn đề này. Cách tiếp cận này sẽ trực tiếp xem xét sức khỏe tinh thần và hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân”, chuyên gia người Mỹ Lakshman Swamy nhận định.

Để chuẩn bị, theo bác sĩ Chee, các lãnh đạo và người dân cần các chiến lược như: chống nạn tin giả, tập các bài tập thả lỏng như thiền, tìm các cách mới để giao tiếp xã hội trong thời gian cách ly, cố gắng kiểm soát cuộc sống bằng cách tạo các thói quen mới, suy nghĩ tích cực.

Theo bà Chee, các bài tập thả lỏng giúp tập trung vào hiện tại thay vì quá lo lắng về tương lai hoặc quá khứ. “Điều này rất quan trọng khi chúng ta đang đối mặt với các tình huống rất bất ổn và chúng ta không thể kiểm soát được nhiều thứ”, bà nói.

Theo bà Chee, trong giai đoạn nhiều người buộc phải ở nhà vì dịch COVID-19, truyền thông xã hội sẽ giúp ích cho vấn đề tâm lý, dù trước đây các nghiên cứu cho rằng dành nhiều thời gian “lướt mạng” chỉ làm tăng các vấn đề tâm lý.

TRẦN PHƯƠNG
TTO