22/12/2024

WHO: Không chia sẻ vắc xin COVID-19 cho nước nghèo thì khó hết dịch

Người đứng đầu WHO cảnh báo ‘chủ nghĩa dân tộc vắc xin’ sẽ khiến thế giới không thể thoát ra khỏi đại dịch COVID-19. Ông lập luận nếu các nước giàu không chia sẻ vắc xin cho các nước nghèo, đại dịch sẽ không bao giờ biến mất.

WHO: Không chia sẻ vắc xin COVID-19 cho nước nghèo thì khó hết dịch

Người đứng đầu WHO cảnh báo ‘chủ nghĩa dân tộc vắc xin’ sẽ khiến thế giới không thể thoát ra khỏi đại dịch COVID-19. Ông lập luận nếu các nước giàu không chia sẻ vắc xin cho các nước nghèo, đại dịch sẽ không bao giờ biến mất.

WHO: Không chia sẻ vắc xin COVID-19 cho nước nghèo thì khó hết dịch - Ảnh 1.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước cần tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 – Ảnh: REUTERS

“Chủ nghĩa dân tộc vắc xin không tốt. Nó sẽ chẳng giúp chúng ta giải quyết được điều gì”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đặt vấn đề trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 6-8.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng các loại vắc xin ngừa COVID-19 nên được chia sẻ cho tất cả các nước, không phân biệt giàu nghèo.

Để hiện thực hoá điều này, WHO đã thành lập COVAX, một sáng kiến phân phối vắc xin giá phải chăng cho các nước và kêu gọi sự đóng góp tài chính từ các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, một số quốc gia đã tự tìm lối đi riêng và chi hàng tỉ USD mua trước hàng trăm triệu liều vắc xin tiềm năng.

“Nếu chúng ta muốn phục hồi nhanh hơn, chúng ta phải hồi phục cùng nhau bởi vì chúng ta đang sống trong thời toàn cầu hoá, mọi nền kinh tế đều gắn chặt với nhau”, ông Tedros lập luận. “Một phần nào đó của thế giới hay vài quốc gia riêng lẻ thì không thể tự mình phục hồi hay trở thành nơi trú ẩn an toàn”.

Người đứng đầu WHO khẳng định thiệt hại từ COVID-19 sẽ ít hơn nhiều nếu các quốc gia có tiền chia sẻ vắc xin với thế giới. 

“Tôi không nói các nước này làm từ thiện. Họ làm điều đó (chia sẻ vắc xin) tức là đang làm lợi cho chính mình thôi. Bởi vì khi thế giới thoát khỏi virus, các quốc gia cùng mở cửa, những nước đã bỏ tiền cũng hưởng lợi từ đó”, tổng giám đốc WHO nêu lập luận.

Theo hãng thông tấn AFP, có khoảng 26 loại vắc xin ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 6 loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.

Tuy nhiên, theo ông Michael Ryan – một quan chức khác của WHO – bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối không có nghĩa là nhân loại sắp có vắc xin. 

“Không có gì đảm bảo trong 6 loại đó, loại nào sẽ cho chúng ta giải pháp và thế giới chắc chắn cần nhiều hơn 1 loại để giải quyết đại dịch”, ông Ryan lập luận.

BẢO DUY

TTO