16/11/2024

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người bị xâm hại tình dục

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người bị xâm hại tình dục

Theo Bộ Y tế, xâm hại tình dục – đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái – đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại ở Việt Nam.
10% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục từ năm 15 tuổi /// Ảnh: Shutterstock
10% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục từ năm 15 tuổi ẢNH: SHUTTERSTOCK

Những con số báo động

Trong một nghiên cứu tại 30 trường học ở Hà Nội, 31% học sinh nữ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; 11% từng bị xâm hại, quấy rối tình dục. Trong nhóm phụ nữ khuyết tật, cứ 10 người thì 4 người bị xâm hại tình dục với các hình thức khác nhau. Mỗi năm cả nước có trên 1.200 trẻ em báo cáo bị xâm hại tình dục.

Trong nhóm phụ nữ khuyết tật, cứ 10 người thì 4 người bị xâm hại tình dục với các hình thức khác nhau

Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, trong 5 năm từ 2013 – 2018, tòa tiếp nhận 8.254 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy gần 58% phụ nữ được phỏng vấn cho biết đã từng bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc/và tinh thần bởi chồng hay bạn tình lâu dài; 10% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi người khác ngoài chồng từ năm 15 tuổi.

Xâm hại tình dục là gì?

Xâm hại tình dục là việc thực hiện các hành vi tình dục không có sự đồng thuận của nạn nhân, bao gồm: hiếp dâm (xâm nhập âm đạo, hậu môn hay miệng) gồm cả hiếp dâm không thành; các đụng chạm cố ý có tính chất tình dục vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của một người, kể cả qua quần áo, sử dụng bộ phận sinh dục, sử dụng tay hay bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể hay vật dụng mà không có sự đồng thuận của người đó.
Xâm hại tình dục cũng bao gồm việc cố quan hệ tình dục hay có các đụng chạm mang tính dâm dục khi nạn nhân không thể phản đối hay không ý thức được hành vi xâm hại do tuổi, do tình trạng tâm thần, do rượu, thuốc hay các chất khác.

Hướng dẫn hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục

Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục”, có hiệu lực kể từ ngày 17.7.
Theo đó, việc chăm sóc y tế cho người bị xâm hại tình dục ưu tiên trước hết vào các vấn đề sức khỏe của người bị hại; thu thập bằng chứng pháp y là ưu tiên thứ hai trừ trường hợp người bị hại được chuyển đến theo yêu cầu của cơ quan giám định.
Theo kết quả khảo sát năm 2014 với 2.000 phụ nữ ở Hà Nội và TP.HCM, 87% trong số này đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.
Khám sức khỏe cho người bị xâm hại tình dục cần bao gồm: khám các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở); tình trạng tinh thần của người bị hại; khám các bộ phận cơ thể liên quan để tìm tổn thương như ngực, mông, lưng, hai đầu gối, miệng, lưỡi, họng…
Tìm kiếm các dấu hiệu có thể là hậu quả của xâm hại như: các mảng tóc bị đứt, giật trên đầu; vết rách ở tai; vết lằn, dấu tay trên cổ; vết trầy xước, rách, thâm tím, tụ máu, xuất huyết ở mắt, da; vết cào, cắn, dấu hiệu khống chế trên cổ tay, gãy xương…; phát hiện các dấu vết bất thường, dị vật trên cơ thể và quần áo của người bị hại như: máu, nước bọt, tinh dịch, tóc, lông…
Đáng lưu ý, cơ sở y tế và cán bộ y tế liên quan có trách nhiệm đảm bảo bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc và cá nhân người bị xâm hại hay gia đình của họ. Chỉ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, cơ sở y tế mới được chia sẻ thông tin chi tiết về trường hợp bị xâm hại tình dục.
Các cơ sở chăm sóc, điều trị cần tôn trọng quyền của người bị xâm hại tình dục, các dịch vụ cung cấp dựa trên nhu cầu và sự đồng thuận của người bị xâm hại tình dục hoặc người bảo hộ khi người bị hại chưa đủ 18 tuổi.
Cơ sở y tế khi cung cấp dịch vụ cho người bị xâm hại tình dục cần đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, bảo mật thông tin, môi trường thân thiện, không phán xét.
LIÊN CHÂU
TNO