Núi lửa đang hoạt động, sao Kim không phải là ‘hành tinh chết’?

Núi lửa đang hoạt động, sao Kim không phải là ‘hành tinh chết’?

Các nhà khoa học đã xác định được 37 cấu trúc trên sao Kim giống như núi lửa vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay, đặt ra giả thuyết hành tinh này có hoạt động địa chất chứ không phải là một thế giới im lìm như trước nay từng hiểu.

 

 

Núi lửa đang hoạt động, sao Kim không phải là hành tinh chết? - Ảnh 1.

Hai coronae trên bề mặt sao Kim được hình thành khi vật chất nóng từ sâu bên trong hành tinh trồi lên qua lớp phủ bề mặt. Đường màu đen cho thấy một rãnh được hình thành gần đây- Ảnh: Laurent Montesi / Reuters

Sao Kim hay còn gọi là sao Thái bạch, là hành tinh thứ 2 trong hệ Mặt trời, tự quay quanh mình với chu kỳ 224,7 ngày Trái đất. Ngôi sao này được ví như “hành tinh chị em” với Trái đất do có sự tương đồng nhất định về kích thước, gia tốc hấp dẫn, tham số quỹ đạo.

Từ trước đến nay, sao Kim được các nhà khoa học xếp vào nhóm hành tinh đất đá, thiếu các kiến tạo mảng giống như Trái đất nên về cơ bản là không hoạt động về mặt địa chất ít nhất trong nửa tỉ năm qua.

Tuy nhiên, một khám phá mới gần đây đã thay đổi giả định này. Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu mới tập trung vào các cấu trúc giống như vòng bầu dục trên sao Kim gọi là coronae đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về hoạt động kiến ​​tạo và magma gần đây trên bề mặt ngôi sao này.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một phần nhiệt lượng từ sâu bên trong vẫn có thể chạm tới bề mặt cho đến tận ngày nay. Sao Kim rõ ràng không chết về mặt địa chất hay ngủ yên như suy nghĩ trước đây” – Anna Gülcher, nhà khoa học về Trái đất và hành tinh của Viện Địa vật lý ở Thụy Sĩ, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, cho biết.

Các nhà nghiên cứu phát hiện được “một rãnh bao quanh cấu trúc coronae”, đây là loại đặc điểm chỉ có thể tồn tại khi cấu trúc coronae có một hoạt động địa chất gần đây. Sau đó, họ tìm kiếm các hình ảnh của sao Kim được chụp bởi tàu vũ trụ Magellan của NASA vào những năm 1990.

Trong số 133 coronae được kiểm tra, 37 cấu trúc dường như đã hoạt động trong 2-3 triệu năm qua. Con số thời gian này là quá gần đối với một hoạt động địa chất.

Theo ý kiến ​​của nhà địa vật lý học của Đại học Maryland Laurent Montesi, đồng tác giả của nghiên cứu, nhiều cấu trúc trong số các coronae trên sao Kim vẫn đang hoạt động cho tới tận ngày nay.

Coronae về cơ bản là các dòng dung nham và các đứt gãy lớn trải dài trên một khu vực hình tròn hoặc hình bầu dục lớn. Chúng là vết tích của những lần bề mặt hành tinh được đùn lên một lớp vật chất nóng chảy như magma. Coronae trên sao Kim có kích thước lớn, thường là vài trăm kilômet.

Coronae lớn nhất trên sao Kim là Artemis Corona, đường kính lên tới 2.100km.

MINH HẢI (Theo Guardian)
TTO