24/12/2024

Nô lệ tình dục thời hiện đại – Mafia, tiền và máu – Kỳ 7: Phận ‘gái bán hoa’ thời COVID-19

Nô lệ tình dục thời hiện đại – Mafia, tiền và máu – Kỳ 7: Phận ‘gái bán hoa’ thời COVID-19

Khi đề cập đến các công việc bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19, người ta thường nói đến những nghề như nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim, tài xế chứ ít ai nghĩ về các cô gái “bán hoa”.

 

 

 

Nô lệ tình dục thời hiện đại - Mafia, tiền và máu - Kỳ 7: Phận gái bán hoa thời COVID-19 - Ảnh 1.

Hộp đêm ở Yangon (Myanmar), nơi thường diễn ra trò ngã giá mua vui qua đêm – Ảnh: FLICKR

Bọn môi giới mại dâm lợi dụng họ để làm giàu nên đối xử với họ như cái máy rút tiền. Khi máy hết tiền, chúng bỏ đi nơi khác.

ALBERTO MOSSINO

Họ là một trong những thành phần xã hội dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh các nước áp dụng biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh.

Tiền để sống và tiền trả tiền nhà

Tại Québec (Canada), khi đại dịch bùng phát, các cô gái làng chơi lâm vào ngõ cụt. Không những họ không thoát ra khỏi lầu xanh mà thậm chí còn lún sâu trong đó. Isabelle cứ tưởng đã có thể từ bỏ cái nghề “buôn phấn bán son”, nhưng trước cái đói và tiền bạc cạn kiệt không đủ trả tiền thuê nhà, cô phải cắn răng bắt mối với hai khách hàng cũ để “đi khách” hằng tuần.

Một phụ nữ giấu tên nghẹn lời bộc bạch với báo Le Devoir: “Tôi muốn dừng lại nhưng không thể. Tôi thiếu 200 đôla (Canada) mỗi tháng để thanh toán hóa đơn. Mỗi lần đi khách là một lần khổ. Tôi đã nôn thốc nôn tháo trước khi khách hàng đến và sau khi anh ta rời đi. Mọi người phải xem chúng tôi là con người chứ. Tôi đâu phải là con khốn. Tôi không muốn làm chuyện này cả đời”.

Bà Diane Matte, người sáng lập tổ chức Chung tay đấu tranh chống bóc lột tình dục ở Québec, nhận xét: “Cứ đến ngày đầu tháng, nhiều cô không đủ khả năng trả tiền nhà hoặc tiền ăn. Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các cô muốn tìm cách thoát khỏi cảnh bán thân”. Cảnh sát địa phương cũng tìm cách giúp các cô chỗ ở và thức ăn. Anh cảnh sát viên Ghislain Vallières giải thích: “Chúng tôi lập quỹ với dự tính đủ sức chi trả sáu tuần nhưng mới bốn tuần thì đã hết sạch tiền”.

Các cô gái “bán hoa” ở Ý cùng chung số phận. Các tình nguyện viên, nhân viên xã hội và các tổ chức phi chính phủ ở Ý ghi nhận trong thời gian phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19, hàng ngàn phụ nữ Nigeria bị ép làm gái mại dâm ở Ý đã bị các băng nhóm buôn người bỏ rơi. Trong hoàn cảnh không thức ăn cũng như không tiền bạc để trả tiền thuê nhà, nhiều cô phải tìm đến các tổ chức thiện nguyện mong kiếm được túi gạo hoặc ổ bánh mì cầm hơi.

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính trong hàng chục ngàn phụ nữ Nigeria di cư đến Ý trong mấy năm gần đây, hơn 80% đã trở thành nạn nhân của bọn kinh doanh tình dục. Họ phải “bán trôn nuôi miệng” để trả món nợ vượt biên có khi lên tới 40.000 euro. Do đang làm công việc bất hợp pháp, họ không thể lãnh tiền hỗ trợ dịch bệnh hay tiền trợ cấp thất nghiệp của nhà nước.

Ông Alberto Mossino – chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận PIAM Onlus ở Ý (chuyên giúp đỡ phụ nữ nhập cư hòa nhập xã hội) – cảm thán: “Dưới mắt bọn kinh doanh tình dục, những phụ nữ này là loại người hạ đẳng. Bọn môi giới mại dâm lợi dụng họ để làm giàu nên đối xử với họ như cái máy rút tiền. Khi máy hết tiền, chúng bỏ đi nơi khác”.

Các chuyên gia chống buôn người ghi nhận các băng nhóm kinh doanh tình dục ở Ý đã thay đổi thủ đoạn trong đại dịch. Trước đây, các cô gái mại dâm Nigeria phải chịu sự quản lý chặt chẽ của các má mì. Còn bây giờ do COVID-19, họ bị quản lý từ xa. Với nguồn lợi nhuận khổng lồ từ kinh doanh thân xác phụ nữ và để tránh bị bắt, một số má mì ở Ý chạy sang Pháp hay Đức, đồng thời bố trí người ở lại kiểm soát và sẵn sàng trừng phạt nếu các cô gái Nigeria không làm việc.

Thân phận gái ăn sương ở Mỹ cũng như châu Âu. Tổ chức Liên minh chấm dứt nô lệ và buôn người (ATEST) đánh giá điều kiện sống của các nạn nhân buôn người đang trở nên tồi tệ hơn vì họ bị bọn buôn người kiểm soát dễ dàng hơn trong bối cảnh phong tỏa. Tổ chức chống buôn người Polaris ghi nhận số nạn nhân tìm nơi cư trú khẩn cấp để thoát khỏi bọn buôn người tăng gần gấp đôi trong tháng 4-2020 so với tháng trước (thời điểm số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ ngấp nghé 1 triệu người).

Nô lệ tình dục thời hiện đại - Mafia, tiền và máu - Kỳ 7: Phận gái bán hoa thời COVID-19 - Ảnh 3.

Các cô gái “bán hoa” Nigeria hành nghề ở Ý lúc đại dịch chưa bùng phát – Ảnh: parismatch.com

Tiền bán thân xác cũng bị ma cô ăn chặn

Tại Myanmar, một số cô gái “bán hoa” có thể mày mò tìm khách hàng trên mạng song số khách hàng không nhiều và không có gì bảo đảm sẽ an toàn. Cô Ma Cho Thet đã kể lại trên báo Myanmar Times rằng nếu không có chủ bảo vệ, cô có nguy cơ bị khách hàng cưỡng bức hoặc bị giết chết.

Báo Le Petit Journal (Pháp) ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập của các cô gái hành nghề như Ma Cho Thet đã giảm sút rõ rệt do nhu cầu không cao như trước. Giá bình thường từ 15.000-30.000 kyat (từ 250.000-500.000 đồng VN) nay đã giảm chỉ còn 5.000 kyat (85.000 đồng VN). Trong khi đó, đội ngũ hành nghề ngày càng đông vì một số lao động bị sa thải do dịch bệnh phải nhắm mắt đưa chân bất chấp có thể bị phạt tiền và phạt tù. Hoàn cảnh của họ càng thêm bức bối khi tiền bị bọn môi giới ăn chặn.

Cô Khin Nyein New, thành viên mạng lưới Lao động tình dục ở Myanmar (SWIM), giải thích: “Bọn ma cô biết mại dâm là bất hợp pháp, vì vậy chúng chặn lấy phân nửa tiền khách trả cho chúng tôi. Chúng còn chặn không cho chúng tôi ra khỏi nhà khi biết chúng tôi đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện”.

Chuyên gia Rebecca Miller, nhà điều phối khu vực về buôn người và buôn lậu người di cư ở Đông Nam Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC), nhận xét: “Nhìn bên ngoài cứ tưởng các biện pháp bắt buộc cách ly, giới nghiêm, phong tỏa, hạn chế đi lại, hạn chế hoạt động kinh tế và đời sống công cộng có thể ngăn chặn tội phạm. Trên thực tế các biện pháp này đã đẩy bọn tội phạm rút vào hoạt động bí mật”.

Từ đó, công tác theo dõi hoạt động buôn người càng khó khăn hơn, đặc biệt tại Đông Nam Á. Đây là khu vực có nhiều tuyến biên giới khó kiểm soát, nạn thất nghiệp cao và nhu cầu cung ứng lao động lúc nào cũng có.

Bà Miller lưu ý ngay cả trước COVID-19, công tác theo dõi nạn buôn người đã rất vất vả, đa phần do không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định nạn nhân. Thông thường nạn nhân ngại tiếp xúc với chính quyền hoặc xin giúp đỡ, đặc biệt khi đang cư trú lậu ở nước sở tại. Một khi nạn nhân bị đưa qua biên giới, khó khăn càng thêm chồng chất vì cảnh sát không thể lập hồ sơ và bắt giữ bọn buôn người ở nước ngoài.

Bà giải thích: “Quan trọng nhất là đại dịch đã làm cho tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội càng trở nên trầm trọng trong khi đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến nạn buôn người”.

Ngày 5-5, UNODC đã công bố báo cáo với tựa đề “Tác động của đại dịch COVID-19 đối với nạn buôn người”. Báo cáo ghi nhận do các nước áp dụng các biện pháp chống dịch lây lan nên các nạn nhân buôn người càng dễ bị lợi dụng hơn và ít có cơ hội thoát thân tìm nơi giúp đỡ.

Một số nạn nhân buôn người được giải cứu không thể trở về nhà vì biên giới đóng cửa. Nhiều nạn nhân phải đối phó với thủ tục chậm trễ, nguồn lực hỗ trợ họ bị cắt giảm trong khi một số nạn nhân khác có nguy cơ bị bọn buôn người ngược đãi hoặc bỏ bê.

UNODC cảnh báo do mất nguồn thu nhập trong dịch, bọn buôn người sẽ gia tăng tấn công vào những người dễ bị tổn thương hơn trước. Chúng đã điều chỉnh mô hình kinh doanh theo tình trạng bình thường mới, đặc biệt là tăng cường sử dụng công nghệ như Internet.

Do các băng nhóm tội phạm sử dụng đủ mọi thủ đoạn buôn người, Liên Hiệp Quốc phải tìm kiếm công cụ pháp lý thích đáng để ngăn ngừa và trừng phạt chúng.

________________________________

Kỳ tới: Chặn tay bọn bóc lột tình dục

 

HOÀNG DUY LONG
TTO