23/01/2025

Tranh cãi gay cấn việc ghi tên ‘người định cưới’ vào giấy xác nhận độc thân

Tranh cãi gay cấn việc ghi tên ‘người định cưới’ vào giấy xác nhận độc thân

Quy định ghi tên người định cưới trong giấy xác nhận độc thân đã áp dụng trong thực tế nhiều năm qua được “hâm nóng” bởi Thông tư 04 của Bộ Tư pháp khiến bạn đọc và cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi. Và bên nào cũng có lý lẽ của mình…

 

Tranh cãi gay cấn việc ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân - Ảnh 1.

Khi hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân chỉ dùng duy nhất thẻ căn cước mà không phải xuất trình các giấy tờ về nhân thân khác – Ảnh: TTO

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 16-7 quy định giấy xác nhận tình trạng hôn nhân dùng vào mục đích đăng ký kết hôn sẽ phải ghi đầy đủ thông tin về tên tuổi, địa chỉ người dự định kết hôn. Đây không phải là nội dung mới mà thực chất là kế thừa quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BTP hiện hành.

Tuy nhiên, quy định này đang gây tranh cãi từ dư luận: một bên cho rằng quy định như thế là cần thiết, trong khi bên kia thì cho là lạc hậu và rắc rối.

Vì sao cần?

Bình luận trên Tuổi Trẻ Online, bạn đọc tên Kim viết: “Tui đồng tình, ủng hộ quy định này. Trong bất kỳ giấy tờ gì cũng cần nêu rõ ràng mục đích của việc xác nhận giấy tờ, càng cụ thể càng tốt nhằm ngăn ngừa được những người có ý đồ dùng giấy tờ làm việc xấu”.

Nhiều bạn đọc cũng đồng tình với quy định Giấy xác nhận độc thân dùng với mục đích đăng ký kết hôn thì phải ghi tên người dự định cưới. “Xin xác nhận độc thân để kết hôn thì phải ghi thông tin người định kết hôn là cần thiết. Nếu không ghi cụ thể như vậy thì chính quyền có thể vô tình trở thành người tiếp tay nếu người xin xác nhận độc thân có ý đồ xấu trong các mối quan hệ nam nữ” – bạn đọc Minh Khôi nói.

Bạn đọc biệt danh “Ông giáo già” cho rằng cần hiểu quy định của thông tư nhằm mục đích ngăn chặn những người có mưu tính sử dụng để lừa cưới nhiều người cùng lúc (điều này đã từng xảy ra trước đây) và khẳng định “đây là quy định mang tính tích cực, nên chấp hành để không bị lầm, đừng suy diễn nhiều rồi thấy phức tạp, quy định đúng, chỉ có người thừa hành có thể đã làm sai dẫn đến việc người cần xác nhận như cảm thấy bị gây khó khăn”.

Đồng tình với “Ông giáo già”, theo bạn đọc tên Luật, nếu không ghi rõ mục đích kết hôn thì tình trạng hôn nhân chồng chéo rất phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp về hôn nhân, tài sản, thừa kế sau này… chưa kể người xin xác nhận độc thân có thể sử dụng giấy xác nhận trên để kết hôn tại nước ngoài, nếu không ghi rõ thì vô phương quản lý. Nếu Bộ Tư pháp không quy định nội dung này thì tòa án sẽ rất mệt mỏi để giải quyết các tranh chấp liên quan đến hôn nhân và tài sản.

Vì sao không nên?

Trong khi đó, nhiều ý kiến phản biện theo chiều ngược lại, rằng việc ghi thông tin người dự định kết hôn vào giấy xác nhận độc thân là “cầm đèn chạy trước ôtô”. Bởi vì, một quan hệ hôn nhân chỉ chính thức được pháp luật thừa nhận bằng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trong khi xác nhận độc thân chỉ là thủ tục chứng minh người đó ở thời điểm hiện tại không có quan hệ hôn nhân với người nào khác.

Bạn đọc Hương Hương cho rằng sẽ rất phiền phức nếu một người đã xin giấy xác nhận độc thân nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn thì “cơm không lành, canh không ngọt”, “giữa đường đứt gánh” mà không cưới nhau, sau đó lại muốn kết hôn với người khác thì rất dễ bị từ chối xác nhận độc thân lần nữa vì đã có “tiền sự” xin giấy để kết hôn với người khác.

Việc xin giấy xác nhận độc thân là hành vi đơn phương của người đề nghị, việc ghi tên “người định cưới” không bắt buộc phải có sự đồng ý của người đó nên nhiều cư dân mạng dự liệu sẽ không tránh khỏi tình huống “ghét ai thì đưa người đó vào” để “phá đám”.

Nhiều bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng chỉ cần xác nhận người được cấp giấy ở thời điểm đó có đang có quan hệ hôn nhân hay đang độc thân là đủ, không nên quá chi tiết việc cấp giấy dùng vào mục đích gì. “Nếu dùng giấy xác nhận độc thân cho ý đồ xấu thì pháp luật trừng trị. Điều quý giá nhất cho con người đó là tự do nhân thân. Con người dùng giấy này vào việc gì đó là riêng tư không phải khai báo”, bạn đọc Hoàng Tùng bình luận.

Sớm bỏ quy định không cần thiết

Theo một số chuyên gia pháp lý, pháp luật hiện hành quy định việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại UBND cấp xã (phường) nơi thường trú của vợ hoặc chồng. Do đó, việc ghi tên “người định cưới” vào giấy xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn nhằm giúp cơ quan quản lý hộ tịch địa phương cập nhật thông tin cá nhân của người dân. Trường hợp đăng ký kết hôn tại nơi thường trú của chồng (hoặc vợ) thì cơ quan chức năng địa phương nơi thường trú của người vợ (hoặc chồng) cũng cập nhật được tình trạng hôn nhân của người kia.

Luật căn cước công dân năm 2014 quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm thông tin về tình trạng hôn nhân (điểm i, khoản 1, điều 9). Khoản 3 điều 10 luật này quy định “khi công dân đã sử dụng thẻ căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Hiện nay, ngành công an đang triển khai cấp thẻ căn cước công dân cho người dân và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do đó quy định về giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ không còn cần thiết, nên sớm loại bỏ.

N.T
TTO