22/01/2025

Nói với con về tình yêu: Hãy học cách yêu thương thật sự

Nói với con về tình yêu: Hãy học cách yêu thương thật sự

Con gái lớn lên là biết yêu, là được yêu. Chuyện cũng bình thường như cái hoa nứt nụ rồi bung nở. Nhưng vì sao người ta cứ chăm chăm đòi ngăn cấm, cản trở dòng chảy của tình yêu?

 

Nói với con về tình yêu: Hãy học cách yêu thương thật sự - Ảnh 1.

Vì sao một thứ đẹp đẽ và cao thượng như tình yêu lại trở thành nỗi thống khổ, ám ảnh cả nhân loại này vậy? Vì họ sợ.

Nỗi sợ mất

Vào cái ngày tình yêu xảy đến, mọi thứ bị đảo lộn hoàn toàn. Chưa từng có ai trong đời khi yêu mà bảo rằng mọi thứ vẫn như cũ. Làm sao như cũ được khi mỗi hơi thở của con đều mang tên kẻ khác? Làm sao như cũ được khi mang vác thêm nỗi đau, nỗi buồn của kẻ khác? Làm sao như cũ được khi ăn món ăn mà kẻ khác thích? Và làm sao như cũ được khi cách con nói chuyện cũng mang bóng dáng của kẻ kia?

Khi yêu, đến những chuyện nhỏ nhặt như là nhắn tin lúc nào, mấy cái tin nhắn mỗi ngày con đã không kiểm soát được thì cảm giác bị cuốn vào một cơn lốc mà nó có thể mang mình đến bất kỳ nơi đâu, làm sao không thể không sợ?

Liệu có gì đáng sợ hơn cái việc chúng ta không thể kiểm soát, cũng không thể lý giải nổi hành động của mình hệt như một cỗ máy mà phần cứng bị xâm chiếm hoàn toàn bởi phần mềm có tên “người yêu” xâm nhập. Người ta thường yêu trong hân hoan nhưng mà hân hoan trong lo sợ.

Người ta có rất nhiều nỗi sợ khi bước vào tình yêu nhưng lớn nhất là nỗi sợ mất. Con người sợ mất người mình yêu như sợ mất sinh mệnh vậy. Tưởng không có họ là mình sẽ chết; tưởng không có họ là đời mình tiêu tùng, nhạt nhẽo vô nghĩa; tưởng không có họ là mình chơi vơi vĩnh cửu. Con người, khi mới biết yêu thường ngốc như vậy.

Cho đến khi yêu được vài lần, người ta mới quen dần với sự mất. Mà ngay cả khi đã biết yêu là có ngày sẽ mất, nỗi lo sợ ấy vẫn ở ngay đó, như bánh giầy kẹp với chả lụa vậy. Chính nỗi sợ mất người yêu khiến người ta làm những điều dại dột, mà khi đi qua cơn mê rồi, đôi lúc họ tự hỏi: sao mình có thể ngốc đến thế? Cho nên con phải nhớ điều này: bản thân tình yêu không khiến người ta ngốc, chỉ có nỗi sợ mới vậy.

Nói với con về tình yêu: Hãy học cách yêu thương thật sự - Ảnh 3.

Nếu con đang yêu, hãy cứ yêu. Nhưng con hãy nhớ rằng đằng sau một tình yêu còn có một tình yêu thật sự, một tình yêu được che chở trong ánh sáng của tự do.

NGÔ PHƯƠNG THẢO

Chìa khóa ở chính con

Vậy bí quyết nào để người ta có thể yêu mà không đau? Chẳng có bí quyết nào đâu. Cứ phải đau tới tận cùng. Mọi tình yêu đều thế. Nhưng sẽ đến một ngày, con yêu mà không tán tỉnh; yêu mà không quyến rũ; yêu mà không tha thiết ở gần bên. Sẽ đến một ngày, con yêu mà không chờ đợi; yêu mà không trách móc; yêu mà không đòi hỏi.

Sẽ đến một ngày, bất kể họ hiểu con hay không hiểu con; bất kể họ đáp lại hay không đáp lại; bất kể họ thể hiện ra hay không thể hiện ra; bất kể họ quên hay nhớ; bất kể họ tốt với con hay chẳng làm gì cho con; mà con vẫn nhớ thương họ, vun vén cho họ, cầu nguyện cho họ; hướng về họ; tin tưởng họ. Đó là con đã thật sự yêu.

Sự khác nhau giữa yêu và thật sự yêu là gì? Ranh giới nằm ở đâu và làm sao để có tình yêu ấy? Chìa khóa nằm ở chính con.

Khi con biết mình là ai, biết thương thân, hiểu tâm của mình, con sẽ thấy tội nghiệp cái thân phải làm nô lệ, nô tì cho cái tâm bất trị. Giận người yêu thì thượng vị quặn lên, tim thắt lại; ấm ức thì hại gan; buồn rầu thì nhức mỏi. Khi con nhận thấy những thay đổi thất thường của tâm hành hạ cái thân con, mà phần nhiều là do tình yêu mang lại, con sẽ biết về giới hạn của tình yêu.

Giới hạn của tình yêu sẽ xảy tới khi con bắt đầu ngồi xuống đọc tâm. Càng đọc tâm thành thục, ranh giới giữa tình yêu và tình yêu thật sự càng trở nên ngắn lại: con có thể chuyển từ tình yêu (đính kèm sợ hãi) sang tình yêu thật sự (không đính kèm gì cả, kể cả kỳ vọng).

Quan sát cách mình yêu

Chánh niệm trong tình yêu là biết mình đang yêu, và quan sát cách mà mình đang yêu. Chỉ quan sát thôi, không kèm theo vọng tưởng; không kèm theo chiếm hữu; không kèm theo cố gắng. Tới lúc đó rồi, vẻ đẹp toàn mỹ của tình yêu mới hiển lộ. Nhiều người nói rằng thật quá khó khăn để có thể làm được điều này, ngay cả những người lớn cũng không thể. Sao có thể yêu là không ghen? Yêu mà không đánh mất bản thân mình? Yêu mà không sở hữu? Yêu mà không đòi hỏi? Chỉ có những kẻ ngốc mới vậy.

Nhưng nếu con nhìn nhận được rằng thứ hủy hoại người ta lớn nhất không phải tại họ kém tài giỏi, kém sắc đẹp, kém tiền bạc hay nhiều thứ khác, mà chính là vì không biết cách yêu thương thật sự, thì con sẽ hiểu rằng việc đầu tư vào biết yêu là một hành vi đầu tư có lợi cho cả một cuộc đời.

Tình yêu tuổi học trò

tinh yeu hoc tro

Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Không ít cha mẹ, thầy cô xem tình yêu tuổi học trò là không thể chấp nhận được. Có người còn cho rằng học sinh yêu nhau là một cái tội. Chính vì thế họ luôn lo lắng nếu con em mình “dính” vào tình yêu. Có người nhẹ nhàng khuyên, có người cấm cản thẳng thừng, có người dọa nạt, thậm chí đánh đập để con “chừa tội yêu”.

Bên cạnh đó, những mặt hạn chế của tình yêu tuổi học trò càng khiến cho thầy cô, các bậc phụ huynh thêm lo lắng. Chẳng hạn học tập sa sút, ăn nói cộc lốc, tác phong “xuống cấp”, hành động bồng bột, đi quá giới hạn cho phép…

Một điều vô lý rằng nhiều thầy cô, cha mẹ từng rung động, từng có mối tình đầu từ tuổi học trò nhưng khi con mình rung động đầu đời lại cấm đoán. Họ từng yêu, từng có những kỷ niệm của mối tình đầu trong sáng. Và có thể họ cũng từng bị cha mẹ ngăn cấm, từng đau buồn trước sự ngăn cấm ấy. Lẽ ra đã trải qua, họ sẽ thoát khỏi cấm đoán như mình từng bị cấm. Thay vào đó, họ sẽ chia sẻ cùng con, định hướng về tình yêu tuổi học trò cho con sẽ tốt hơn so với áp đặt việc cấm cản.

Nhưng cũng có những ông bố, bà mẹ, thầy cô không những không ngăn cấm mà còn “trao” tình yêu ấy cho học sinh bằng những lời khuyên chân thành, định hướng những mặt tích cực, đưa ra những mặt hạn chế để các em biết. Tình yêu tuổi học trò, trước hết không có gì sai vì đó là quy luật của tự nhiên, sự phát triển của tâm sinh lý. Và càng không sai khi tình yêu ấy trong sáng, có nhiều mặt tích cực đáng ghi nhận.

Điều quan trọng là người lớn cần “trao” tình yêu ấy cho học sinh qua việc sẵn sàng lắng nghe học sinh nói và nói học sinh nghe bằng việc tâm tình và hướng tới mặt tích cực. Với tình yêu ngây thơ, trong sáng sẽ tạo động lực giúp “đôi bạn cùng tiến” trong học tập và nhiều mặt khác trong cuộc sống. (THÁI HOÀNG  giáo viên ở TP.HCM)

Hãy định hướng

Để tình yêu tuổi học trò đẹp và có ý nghĩa, học sinh cần hoàn thiện mình hơn, giữ tình yêu trong sáng. Nếu làm được như vậy, sự chấp thuận tình yêu tuổi học trò từ cha mẹ, thầy cô sẽ nhiều hơn. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô hãy tôn trọng tình yêu ấy của con em mình bằng việc lắng nghe, quan tâm và chia sẻ. Hãy là người định hướng để tình yêu tuổi học trò trở nên đẹp, đáng yêu, là hương vị của tuổi học trò, hương vị của cuộc đời.

NGÔ PHƯƠNG THẢO
TTO