23/12/2024

Vắcxin chống COVID-19 cho nước nghèo: Cần 30 tỉ đô, mới chỉ có 3 tỉ

Vắcxin chống COVID-19 cho nước nghèo: Cần 30 tỉ đô, mới chỉ có 3 tỉ

WHO lẫn không ít tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo khả năng các nước nghèo bị bỏ lại phía sau trong cuộc tìm kiếm văcxin COVID-19 và thụ hưởng phương pháp bảo vệ sức khoẻ này một khi có được.

 

 

 

Vắcxin chống COVID-19 cho nước nghèo: Cần 30 tỉ đô, mới chỉ có 3 tỉ - Ảnh 1.

Tiêm chủng văcxin cúm mùa tại Beccar, ngoại ô thủ đô Buenos Aires, Argentina ngày 17-6 giữa mùa dịch COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, Liên minh Chống bệnh COVID-19, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu, cho biết cần tới 31,3 tỉ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm, điều trị cũng như văcxin phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Đối tượng chính được thụ hưởng là người dân các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu.

Theo liên minh trên, tổ chức này đã nhận được 3,4 tỉ USD và còn thiếu 27,9 tỷ USD nữa, trong đó hơn 13 tỉ USD cần phải có gấp.

Trong một tuyên bố, liên minh cho biết sáng kiến của WHO là tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu ca và 245 triệu đợt điều trị tại các nước có thu nhập thấp và trung bình vào giữa năm 2021 và nâng số liều văcxin lên 2 tỉ, trong đó 1 tỉ liều được dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.

Liên minh nêu rõ: “Tổng chi phí cho việc triển khai sáng kiến ACT-Accelerator chưa bằng 1/10 thiệt hại kinh tế toàn cầu mỗi tháng do tác động của dịch COVID-19 theo như ước tính của Quỹ  Tiền tệ quốc tế (IMF)”.

Hiện WHO đang hợp tác với một liên minh lớn gồm các tổ chức phát triển và phân phối thuốc trong khuôn khổ sáng kiến ACT-Accelarator được khởi xướng hồi tháng 4 vừa qua nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị chống COVID-19.

Tuy nhiên hiện chỉ các nước giàu có như Mỹ và châu Âu đang đầu tư tài chính theo các mức độ khác nhau vào những dự án tìm kiếm văcxin có tiềm năng nhất. Chắc chắn nếu có hiệu quả, những quốc gia đầu tư này sẽ được hưởng ưu tiên số liều đầu tiên cho người dân của mình.

Theo WHO và các tổ chức y tế toàn cầu, dịch bệnh nguy hiểm này vẫn là mối đe dọa cướp đi mạng sống của hàng triệu người và tác động mạnh đến nền kinh tế.

Theo thống kê trên trang mạng worldometers.info, tính đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 492.671 người trong tổng số 9.754.569 người mắc bệnh.

TƯỜNG NGUYỄN
TTO