24/12/2024

3 hình thức phân biệt đối xử khó nhận ra

3 hình thức phân biệt đối xử khó nhận ra

Nhiều hình thức đối xử không công bằng với một cá nhân hay một nhóm rất rõ ràng như hành vi bạo lực hoặc xỉ vả… Tuy nhiên, có một số loại phân biệt đối xử khó nhận diện, đối với cả thủ phạm và nạn nhân.
Đừng thờ ơ với sự phân biệt đối xử, đối xử bất công vì bạn có thể chịu hậu quả tiêu cực từ chúng dù không trực tiếp trải nghiệm /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Đừng thờ ơ với sự phân biệt đối xử, đối xử bất công vì bạn có thể chịu hậu quả tiêu cực từ chúng dù không trực tiếp trải nghiệm ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Dưới đây là 3 hình thức phân biệt đối xử để lại hậu quả tâm lý, tâm thần, xã hội nhưng lại hay bị lờ đi vì khó nhận diện, theo PT.

1. Thiên kiến

Bất kể tính cách, quốc tịch, thu nhập hay quan điểm về ý nghĩa và cuộc sống, chúng ta đều có thiên kiến. Một số có thể khá vô hại như kiểu bạn thích loại bánh mì nào vậy. Nhưng những thiên kiến khác có thể che mờ phán đoán và tạo ra hậu quả phức tạp, đặc biệt trong trường hợp chúng mâu thuẫn với quyền con người.
Nếu không sẵn sàng nhận ra và bác bỏ, sự phân biệt đối xử này có thể phát triển thành định kiến và thấm vào kết cấu xã hội. Nhiều người có thiên kiến như nhau phát triển thành các hình thức thiên vị văn hóa hoặc thể chế hóa.
Nhà tâm lý học Maureen McHugh, Đại học Indiana Pennsylvania (Mỹ), nêu ví dụ về sự thiên vị liên quan đến chủ nghĩa kích thước: Người Viking có quan điểm rằng cân nặng, chất béo là bệnh và giảm cân là phương pháp chữa bệnh. Từ quan điểm trọng tâm này có giả định rằng trọng lượng nằm trong sự kiểm soát cá nhân, giảm cân tương đương với sức khỏe tốt hơn. Điều này phổ biến trong cộng đồng y tế nhiều năm. Theo thời gian, chủ nghĩa kích thước có thể gây ra chẩn đoán sai ở các chuyên gia y tế hoặc tránh tìm kiếm sự giúp đỡ ở bệnh nhân, theo PT.

2. Công kích ngầm

Công kích ngầm là những thông điệp hạ thấp đối với người – thường là thành viên nhóm thiểu số. Ví dụ như: “Trông bạn đâu giống gay nhỉ” hay “Bạn phát âm quá rõ để là (tên nhóm thiểu số nào đó)”. Những công kích này thậm chí không cần phải được nói ra. Chẳng hạn như nhân viên bán hàng tò tò đi theo canh chừng khách da màu.
Đôi khi, người nói và người nghe đều không nhận ra sự phân biệt đối xử. Ngoài ra, dạng công kích ngầm còn gây nhầm lẫn vì chúng có vẻ giống như lời khen hay được gán cho là trò đùa, theo PT.

3. Chấn thương thứ cấp

Người bị chấn thương buồn bã, xấu hổ, tức giận, sợ hãi, đau đầu, buồn nôn và khó điều chỉnh cảm xúc và các mối quan hệ sau sự kiện gây chấn thương. Chấn thương thứ cấp là khi ai đó chịu hậu quả tương tự như người bị chấn thương trực tiếp: ác mộng, tăng nhạy cảm quá độ và cảnh giác quá mức.
Bạn không cần trực tiếp bị phân biệt đối xử để chịu hậu quả tiêu cực. Theo thuyết học tập xã hội Albert Bandura, chứng kiến nỗi đau của sự phân biệt đối xử với người khác có thể trở thành một bài học nội tâm và ảnh hưởng của chấn thương ấy có thể được hấp thụ.
Bất cứ ai cũng có thể bị chấn thương thứ cấp. Nhưng cá nhân phơi nhiễm kéo dài với nhiều chấn thương thì đặc biệt có nguy cơ: người thân, bạn bè được người bị chấn thương chia sẻ trải nghiệm; các cá nhân tiếp xúc với các sự kiện chấn thương như một phần của nghề nghiệp như nhân viên sơ cứu, chuyên gia sức khỏe tâm thần… Từ quan điểm này, chấn thương cá nhân có thể trở thành chấn thương tập thể, cộng đồng, theo PT.
TẠ BAN
TNO