13/11/2024

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen

GS Nông Văn Hải vừa chia sẻ về một số kết quả mới trong nghiên cứu sự đa dạng, lịch sử di truyền và nguồn gốc người Việt Nam. Công trình hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học quốc tế.
GS Nông Văn Hải đang giảng bài giảng đại chúng "Đa dạng di truyền và nguồn gốc người Việt Nam" /// Ảnh Quý Hiên

GS Nông Văn Hải đang giảng bài giảng đại chúng “Đa dạng di truyền và nguồn gốc người Việt Nam” ẢNH QUÝ HIÊN

Bằng chứng khoa học mới liên quan tới thời kỳ Hùng Vương

Chiều 12.6, Viện toán học Việt Nam đã tổ chức bài giảng đại chúng Đa dạng di truyền và nguồn gốc người Việt Nam. Bài giảng do GS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen – Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, thực hiện.
Tại đây, GS Nông Văn Hải đã công bố một số kết quả mới trong nghiên cứu sự đa dạng, lịch sử di truyền và nguồn gốc người Việt Nam. Công trình là sản phẩm hợp tác giữa nhóm các khoa học tại Viện Nghiên cứu hệ gen với các nhà khoa học Đức, Pháp và Mỹ.
Ở phần mở đầu bài giảng, GS Nông Văn Hải đặt vấn đề: “Theo truyền thuyết, chúng ta là quốc gia đa sắc tộc, từ bố Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ, từ 2 bộ tộc nhập vào nhau rồi lại chia thành nhiều bộ tộc khác. Truyền thuyết đó có cơ sở khoa học hay không?”.
Theo GS Hải, sau khi tham gia thực hiện công trình nghiên cứu trên, cá nhân ông nhận thấy giữa truyền thuyết và kết quả nhóm nghiên cứu có được có những mối liên hệ nhất định. “Có thể tin rằng, người xưa, tổ tiên của chúng ta, không phải ngẫu nhiên mà có những câu chuyện đó để truyền lại cho đời sau nguồn gốc của mình”, GS Hải nói.
GS Hải cho biết, hiện nay chúng ta có ADN của người cổ thông qua các bộ xương người cổ được phát hiện trong các công trình khảo cổ. ADN ty thể là mạch vòng được bảo tồn trong tự nhiên hàng nghìn năm, hàng chục nghìn năm. Chúng ta có thể tách chiết ADN để nghiên cứu trình tự chuỗi của người xưa, qua đó so sánh với người hiện đại thì sẽ có thể thấy những điểm giống nhau hay khác biệt thế nào. Nghiên cứu ADN của người cổ là một hướng rất quan trọng để đi tìm nguồn gốc, để tìm mối liên hệ giữa chúng ta với tổ tiên của chúng ta.
Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hệ gen hợp tác với các nhà khoa học quốc tế đã phân tích hệ gen ty thể và vùng đặc hiệu giới tính nam trên nhiễm sắc thể Y của hơn 600 người thuộc 17 dân tộc thuộc 5 hệ ngôn ngữ, nhưng trong đó mẫu của người Kinh (ngữ hệ Nam Á) là chủ đạo.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ gen chip hiện đại với gần 600.000 điểm đa hình nucleotide đơn (SNP) cho các quần thể người, đã phân tích đa dạng toàn bộ hệ gen của 259 cá thể thuộc 22 dân tộc, so sánh với hệ gen của các quần thể người châu Á và trên thế giới cũng như các hệ gen người cổ đã được công bố trước đây hoặc từ các cơ sở dữ liệu hệ gen quốc tế.
Sau khi giải trình tự và phân tích hệ gen ty thể của một số dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các nhà khoa học đã có những phát hiện quan trọng.
“Phát hiện 111 dòng/nhánh mới của riêng các dân tộc của Việt Nam mà trên thế giới chưa phát hiện ra. Chúng tôi đã phát hiện đỉnh cao của sự đa dạng ADN ty thể 2.500 – 3.000 năm trước, tức là khoảng thời gian trùng với giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Như vậy, đây là một bằng chứng về gen cho thấy thời kỳ Hùng Vương của chúng ta đã có tập trung về dân cư và về văn hóa. Đây là bằng chứng khoa học mới, đầu tiên trên thế giới về di truyền phân tử người liên quan khoảng thời gian ra đời của nền văn hóa Đông Sơn”, GS Hải chia sẻ.

Cần những kiến thức liên ngành khi nghiên cứu nguồn gốc người Việt

GS Nông Văn Hải cho biết, việc có được những phát hiện mới trong nghiên cứu hệ gen là nhờ đến công cụ rất hiệu quả, đó là xác suất thống kê.
GS Hải nói: “Xác suất thống kê cho ta tính toán về mức độ tập trung của một nhóm nào đó trong quá trình lịch sử. Toán học cũng cho phép chúng ta tính toán được một bài toán rất hay, về việc mở rộng quần thể dân cư. Nhờ một thuật toán chúng ta tính được ngược dòng thời gian trong một khoảng rất lâu về trước thì dân cư của một tộc người phát triển đến đâu. Ví dụ, chúng ta có thể tính được trong khoảng 450 – 600 năm trở lại đây dân số người Kinh, người Mường tăng với tốc độ rất nhanh”.
Đến nghe bài giảng không chỉ là các nhà toán học mà còn có đông đảo nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Trong phần tọa đàm sau bài giảng, nhiều nhà nghiên cứu về nhân học, dân tộc học… cho biết họ thu hoạch được nhiều thông tin bổ ích từ bài giảng của GS Nông Văn Hải.
PGS Đinh Hồng Hải, Khoa Nhân học, Trường đại học Khoa học xã hội nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: “Qua buổi này cho thấy, chúng tôi phải học hỏi nhiều bên khoa học tự nhiên. Tôi nhận thấy, đặc biệt là với các bạn trẻ nghiên cứu về ngôn ngữ học, dân tộc học rất cần phải dựa trên di truyền học. Sự kết nối giữa tự nhiên và xã hội của chúng ta đang rất lỏng lẻo, nếu giờ kết hợp được với nhau thì sẽ làm sáng tỏ được những vấn đề đang gây tranh cãi”.
PGS Đinh Hồng Hải cho biết, nguồn gốc dân tộc là câu hỏi mà rất nhiều nhà khoa học lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn tìm kiếm nhưng chưa có câu trả lời tổng thể. Mỗi người chỉ có thể quan sát, nghiên cứu từ góc nhìn chuyên môn hẹp. GS Đinh Hồng Hải nói: “Ở Việt Nam chúng ta không thiếu người nghiên cứu, không thiếu người nghiên cứu tốt, nhưng mỗi người một mảng nên không khác gì mấy ông thầy bói mù sờ voi. Nếu chúng ta kết hợp lại thì chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề”.
QUÝ HIÊN
TNO