‘Nghiện’ khoe con trên mạng, ai mới thực đang ‘đem con bỏ chợ’?
‘Nghiện’ khoe con trên mạng, ai mới thực đang ‘đem con bỏ chợ’?
“Chợ” ở đây là thế giới mạng, khi người lớn tự ý dùng hình ảnh trẻ và những câu chuyện chưa đúng sự thật, những lời lẽ “chua cay” đến nỗi vô tình biến trẻ thành… nạn nhân.
Cộng đồng mạng đang dậy sóng vì hình ảnh một học sinh đứng trước cổng trường được cho là bị phạt vì đi học sớm. Nhiều người không tiếc lời phê phán nhà trường, sau đó lại quay sang phê bình phụ huynh vì lộ clip nghi người mẹ dàn dựng. Hình ảnh bé gái đứng trước cổng trường bị lấy minh họa cả những chuyện không liên quan.
Giữa cơn khát… khoe con
Câu chuyện này thêm một dẫn chứng cho việc thiếu cân nhắc khi chia sẻ hình ảnh và câu chuyện của trẻ con lên mạng. Trước tiên là người thân của trẻ.
Bạn bè tôi lứa đầu 9X hiện nay đa số đã lập gia đình và có con cái. Giàu hay nghèo, ở phố hay nông thôn, hầu hết đều thích khoe con lên mạng. Ban đầu, hình ảnh quen thuộc là những đứa trẻ 2 – 3 tuổi ngồi chơi, ăn uống và bi bô tập nói. Nhưng càng về sau, cha mẹ càng “táo bạo” hơn với những clip độc lạ.
Mấy hôm trước, cô bạn tôi đăng clip cậu con trai 2 tuổi vừa tắm vừa ngủ gà ngủ gật kèm dòng trạng thái “Mẹ xin lỗi con, mẹ bận việc quá để con không được ngủ đủ đầy”. Tôi nhắn hỏi bạn: “Sao lúc đó không tắm cho con thật nhanh rồi đưa con đi ngủ mà còn đứng đó quay clip đăng Facebook?”. Bạn không trả lời, chắc giận tôi luôn!
Hậu quả có thể xảy ra với những đứa trẻ bắt nguồn từ đây, từ những clip, hình ảnh mà cha mẹ đưa lên mạng, hằng ngày, chế độ công khai, không hạn chế người xem và chia sẻ thoải mái. Khoảng 3 – 4 năm về trước, tôi thường thấy phụ huynh khoe giấy khen, điểm 10 của con lên mạng. Bây giờ, nhiều cha mẹ đang khoe rất nhiều hình ảnh, câu chuyện khác bất chấp tâm trạng mình và hậu quả có thể xảy đến!
Trên mạng, không ít người vô tư tải hình ảnh của trẻ con nhà người ta về, chế lời, đăng câu view. Nhiều fanpage chia sẻ clip em bé đang cười, khóc, hát với những động tác và ngôn từ rất đặc biệt (có khi do chính người thân của trẻ chia sẻ). Phía dưới là hàng loạt bình luận của những người lớn xa lạ. Người lớn đang biến những hình ảnh của trẻ con để giải khuây và tán chuyện.
Mượn ảnh trẻ để thể hiện mình
Ngày con tôi chào đời, nội ngoại đều mừng vui và đều muốn xem mặt cháu. Tôi chụp ảnh con mình gửi cho ông bà, không quên dặn dò: “Ông bà xem nhưng nhớ đừng đăng ảnh cháu lên Facebook”. Có thể vì muốn báo tin vui nên ông bà chia sẻ hình ảnh cháu và không biết việc đó hại nhiều hơn lợi.
Nhiều người khao khát khoe hình ảnh con mình. Tôi cũng vậy. Trẻ con mà, cười khóc, sợ hãi hay giận dữ đều rất đáng yêu và rất muốn… khoe. Nhưng rồi tôi chọn cách dừng lại, bởi tôi nghĩ rằng đằng sau những hình ảnh, clip mà chúng ta gọi là đáng yêu, đáng khoe đó có thể là những cảm xúc sợ hãi, những tâm trạng lo âu của trẻ mà chúng ta chưa hiểu rõ được. Đăng hình trẻ, người lớn vui, liệu con mình có vui hay không?
Nhiều khi con cái chúng ta còn quá nhỏ để có thể bày tỏ sự đồng ý hay phản đối việc này. Nhưng sau này lớn lên, nhìn lại những hình ảnh cha mẹ đưa lên mạng, có thể trẻ sẽ thấy phiền và gặp phiền! Đặc biệt là những tấm ảnh trở thành sóng gió cuộc đời trẻ.
Tôi thấy tình trạng đưa con lên mạng hiện nay giống với câu nói “đem con bỏ chợ”. Ở đây “chợ” là mạng xã hội, chúng ta đưa con mình lên đó rồi bỏ mặc cho người quen kẻ lạ bình luận.
“Cơn nghiện” khoe hình ảnh con ngày càng trở nên nặng nề hơn. Từ chỗ khoe điều tốt (học giỏi, biết làm việc nhà…), nay người lớn đang khoe cả những điều chưa tốt: con khóc, con đòi, con ngủ gục, con lý sự với ông bà…
Thậm chí trong thời đại dữ liệu quý hơn vàng, những điều cha mẹ đăng lên mạng đó trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ trục lợi. Trong tương lai xa hơn, khi con muốn xóa bỏ những ký ức đó cũng chẳng phải dễ.
Hình ảnh trẻ em bây giờ không chỉ là để khoe, để giải khuây mà còn trở thành bức tường để người lớn trút cảm xúc tiêu cực lên đó. Đã có nhiều câu chuyện phụ huynh dùng hình ảnh, câu chuyện của con mình để chê trường, phụ huynh nói xấu thầy cô trên mạng, trong đó họ lấy cớ “vì con cái mình”… Người lớn bất đồng nhau cũng dùng hình ảnh trẻ để “nói chuyện” với nhau…
Lắm khi những hình ảnh được đăng lên cùng ý đồ của người lớn, được chia sẻ, dẫn dắt bởi các bài viết, bình luận từ vô tâm đến ác ý. Hình ảnh, clip chúng ta đăng lên hôm nay có thể sẽ ám ảnh tương lai đứa trẻ sau này.
Khó hơn lên trời
Mới đây, trên Facebook hiển thị một tin không rõ nguồn về chuyện trẻ ăn lá cây cảnh bị ngộ độc. Bạn bè tôi, những người đã làm cha mẹ tha hồ chia sẻ như một thứ cẩm nang để cảnh giác. Tôi thấy thương hình ảnh đứa bé nào đó đang bị lạm dụng.
“Nếu đó là con mình thì mình sẽ làm gì đây?”. Tôi tự hỏi nhưng không thể có câu trả lời, bởi cầu xin cộng đồng mạng ngừng chia sẻ còn khó hơn cả lên trời. Hình ảnh một khi đã lan truyền trên mạng thì khó lòng mà xóa được.