23/01/2025

Người Việt đã cao hơn?

Người Việt đã cao hơn?

Theo dữ liệu từ một cuộc điều tra mới tiến hành trong năm 2020, chiều cao người Việt cao hơn những con số đã có. Tại TP.HCM, chiều cao trung bình của học sinh tiểu học đã cao hơn chiều cao trung bình trong biểu đồ tăng trưởng chuẩn của WHO…

 

 

 

Người Việt đã cao hơn? - Ảnh 1.

Các bạn trẻ sinh sau năm 2000 được chăm sóc tốt nên có chiều cao hơn những lứa sinh trước đó – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Trương Hồng Sơn – phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam – cho hay một cuộc điều tra đang được thực hiện cho thấy bộ số liệu mới về chiều cao của người Việt: ra khỏi nhóm trung bình thấp và vào tốp trên ở khu vực Đông Nam Á, tiến tới có thể tiếp cận chiều cao những quốc gia tương đối của châu Á.

“Người ta vẫn tin rằng người Việt nằm trong nhóm lùn nhất. Theo số liệu điều tra của Việt Nam năm 2010, nam trung bình cao 164,4cm, nữ 154cm. So với trung bình của thế giới hiện nay (nam 171cm, nữ 159cm), người Việt thấp hơn gần 7cm ở nam và 5cm ở nữ.

Với số liệu này, Việt Nam đứng thứ 182/200 quốc gia/vùng lãnh thổ ở chiều cao trung bình của nam, và 188/200 về chiều cao trung bình ở nữ.

Ở khu vực Đông Nam Á, chúng ta cao hơn Indonesia, Campuchia, Lào và Đông Timor, nhưng thấp hơn Singapore, Thái Lan, Malaysia… Trong nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ có chiều cao trung bình thấp nhất thì Đông Timor nam cao 160cm, nữ 149cm.

Tuy nhiên những số liệu của Việt Nam như kể trên là điều tra năm 2010. Một cuộc điều tra mới tiến hành trong năm 2020 và sẽ có kết quả trong một năm tới. Với những thông tin và dữ liệu chúng tôi có, tôi có thể nhận định chiều cao người Việt cao hơn những con số đã có”, ông Sơn nói với Tuổi Trẻ.

Người Việt đã cao hơn? - Ảnh 2.

Với những dữ liệu mới, tôi tin kết quả cuộc điều tra công bố vào năm 2021 sẽ có những đột phá về chiều cao người Việt.

Ông Trương Hồng Sơn

* Căn cứ nào để ông cho rằng người Việt đã cao hơn?

– Chiều cao trung bình là chiều cao ở người trưởng thành 22-26 tuổi. Đây là thời điểm chiều cao con người đã ở mức tối đa. Số liệu khảo sát năm 2010 đo ở nhóm sinh từ năm 1984 – 1988, đó là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Chiều cao liên quan đến chăm sóc từ khi mang thai, về lý thuyết thì những giai đoạn hiệu quả nhất là 1.000 ngày đầu đời (9 tháng mang thai và 2 năm đầu tiên), nếu tăng trưởng đảm bảo tiêu chuẩn, trẻ chào đời dài trên 49cm (trung bình bé trai 49,9cm, nữ 49,1cm), thì khi 2 tuổi bé trai cao 87,8cm, nữ 86,4cm.

Những em bé bị suy dinh dưỡng về cân nặng sau này có điều kiện chăm sóc có thể phục hồi, nhưng chiều cao thì không như vậy. Chiều cao sẽ tăng trưởng đến năm 21 tuổi, nhưng những giai đoạn tăng tốc nhanh là 1.000 ngày đầu đời, giai đoạn học đường, tuổi dậy thì.

Nếu không có phương pháp phù hợp, chiều cao và tầm vóc không thể phát triển tối đa. Trong khi ở cuộc điều tra mới, tôi đã nhìn thấy một bức tranh khả quan hơn.

* Bức tranh khả quan như ông nói là gì và chiều cao người Việt theo ông sẽ tiến triển như thế nào?

– Cuộc điều tra mới đo ở nhóm bạn trẻ sinh từ 1994 – 1998, đây là giai đoạn nền kinh tế đã có những khởi sắc, điều kiện chăm sóc trẻ em, chăm sóc phụ nữ mang thai đã tốt hơn. Trước 1998, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi còn cao, xấp xỉ 37%, cứ 2 cháu có 1 cháu suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Từ 1998 đến nay, đặc biệt là từ 2005, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhanh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhanh nhất thế giới. Việc cung cấp cho phụ nữ mang thai kiến thức về dinh dưỡng, sau đó là kiến thức về cho trẻ ăn bổ sung, bổ sung vitamin, tẩy giun, tiêm chủng… cùng với rất nhiều chương trình can thiệp giúp trẻ em giảm bệnh tật, tăng tốc về chiều cao.

Người Việt đã cao hơn? - Ảnh 4.

Nguồn: Ông Trương Hồng Sơn (phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam) – Đồ họa: T.ĐẠT

* Với những can thiệp trong 22 năm gần đây và thời gian sắp tới, người Việt có hi vọng gì về cải thiện chiều cao, thưa ông?

– Can thiệp để cải thiện chiều cao trung bình của một dân tộc cần thời gian dài, nhưng những can thiệp vừa qua như tôi nói đã có hiệu quả, từ sau năm 2025 hiệu quả còn tốt hơn nữa ở nhóm bạn trẻ sinh sau năm 2000. Với nhóm này, tôi cho là chiều cao người Việt có thể sẽ tiến lên tốp trên của khu vực Đông Nam Á và tiếp cận với các nước có chiều cao tương đối ở châu Á.

Về các giải pháp để tăng trưởng chiều cao, hiện chúng ta đang có hạn chế ở vấn đề dinh dưỡng học đường, bữa ăn học đường chất lượng chưa tương xứng với nhu cầu của trẻ, ngay ở thành phố, trẻ vẫn thiếu vi chất. Nếu xem về giá trị, chi phí một bữa ăn học đường chỉ 27.000 đồng không thể đủ cho trẻ.

Hiện cũng đang có một phong trào tập luyện thể thao, trong đó có nhu cầu tập cho cao hơn, nhưng tập luyện trong nhà trường cũng chưa đạt do có những trường thiếu sân bãi. Có một mô hình tập luyện có giá trị tăng tầm vóc cho trẻ là mô hình 5+2, gồm 5 buổi thể dục và 2 buổi thể thao mỗi tuần trong nhà trường.

Nếu làm tốt những biện pháp nêu trên, ta có thể hi vọng đạt vị trí của Thái Lan hiện nay, tức là chiều cao trung bình của nam ở mức 169cm, tất nhiên trong lúc chúng ta cố gắng thì nước bạn cũng đang nỗ lực.

Nhưng nếu duy trì sự nỗ lực liên tục của trên 20 năm qua, cùng với những can thiệp tích cực ở những điểm còn hạn chế như bữa ăn học đường, thể thao…, tầm vóc người Việt tới đây sẽ tốt hơn, người Việt sẽ đẹp hơn.

Trẻ em TP.HCM ngày càng cao

boil oi 1(read-only)

Bơi lội thường xuyên giúp trẻ cải thiện tốt chiều cao – Ảnh: THÙY DƯƠNG

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp – nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – cho biết từ năm 2004 đến 2015, TP.HCM đã có 3 nghiên cứu dịch tễ học theo dõi phát triển chiều cao của học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong các năm học 2004 – 2005, năm 2009 – 2010, 2014 – 2015. Qua những nghiên cứu này cho thấy chiều cao trung bình của học sinh ở các cấp học đều tăng sau 5 năm.

Trong đó, chiều cao trung bình của học sinh tiểu học tại TP.HCM tăng rõ so với những năm trước. Chiều cao trung bình của học sinh tiểu học tại TP.HCM đã cao hơn chiều cao trung bình trong biểu đồ tăng trưởng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tuy nhiên, chiều cao của học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông lại không đạt bằng chiều cao trung bình chuẩn tăng trưởng của WHO. Những học sinh này đến 17 tuổi, chiều cao trung bình đạt 1,68m ở nam, cao hơn so chiều cao trung bình của nam giới ở tuổi trưởng thành tại nước ta là 1,64m nhưng vẫn xa với chuẩn chiều cao trung bình của thế giới cho nam giới ở độ tuổi này là 1,75m.

Bác sĩ Ngọc Diệp cho rằng ngoài gen di truyền, sự phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, vận động và giấc ngủ. Về chế độ dinh dưỡng, quan trọng phải đảm bảo sự cân bằng về năng lượng các chất dinh dưỡng, trong đó có các chất dinh dưỡng hỗ trợ chiều cao phù hợp với lứa tuổi.

Bác sĩ Ngọc Diệp lưu ý các bậc cha mẹ tránh cho trẻ ăn quá nhiều, dẫn đến thừa cân, béo phì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu chiều cao của trẻ. Cho trẻ ăn các loại thức ăn nhanh, công nghiệp, thức ăn chế biến sẵn có chứa quá nhiều đường, quá nhiều muối và nhiều chất béo bão hòa, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, nước có gas đều ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ. Có nhiều bà mẹ từng thắc mắc với bác sĩ: “Sao con tôi ăn nhiều vậy mà vẫn không cao?”.

Theo bác sĩ Ngọc Diệp, hầu hết những trẻ phát triển chiều cao tốt đều có hoạt động thể chất nhiều. Hiện nay, vẫn còn nhiều trẻ chỉ lo học, ngồi một chỗ, ngồi xem tivi, chơi điện tử trong nhiều giờ nên đều ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Bác sĩ Ngọc Diệp khuyến cáo trẻ không nên hoạt động tĩnh tại quá 2 giờ mỗi ngày.

Để trẻ ngủ đủ giấc, nên cho trẻ ngủ trưa từ 30-45 phút, buổi tối nên cho trẻ đi ngủ trước 10h đêm. Không nên để các thiết bị điện tử trong phòng ngủ của trẻ như điện thoại, tivi, máy vi tính vì những thiết bị này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ…

“Chiều cao trung bình của trẻ em TP.HCM đã tăng nhanh trong những năm gần đây và cao hơn chiều cao trung bình toàn quốc của trẻ em cùng lứa tuổi. Từ thực tế các giải pháp đồng bộ để phát triển chiều cao và nâng cao sức khỏe của trẻ em trong những năm gần đây, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để rút ngắn khoảng cách về chiều cao của người trưởng thành Việt Nam so với các nước trong khu vực châu Á và thế giới” – bác sĩ Ngọc Diệp nói. (THÙY DƯƠNG)

LAN ANH thực hiện
TTO