24/01/2025

Có thể khám bệnh tiểu đường, cao huyết áp… từ xa?

Có thể khám bệnh tiểu đường, cao huyết áp… từ xa?

Những bệnh lý mãn tính như thoái hoá khớp, tiểu đường, cao huyết áp… khi bệnh nhân chưa có biến chứng có thể thăm khám qua hệ thống khám bệnh từ xa (telemedicine) được không?

 

Có thể khám bệnh tiểu đường, cao huyết áp... từ xa? - Ảnh 1.

Một ca hội chẩn từ xa của Bệnh viện Trung ương Huế tham gia cuộc hội chẩn 3 miền – Ảnh: THÚY ANH

Hệ thống telemedicine có thể triển khai song song với y khoa thường quy. Vậy làm sao để duy trì và phát triển?

Cách đẩy mạnh khám từ xa

Khám chữa bệnh từ xa – telemedicine – được hiểu là cách một bác sĩ có thể tiếp cận vấn đề y khoa của một bệnh nhân từ xa thông qua hệ thống máy móc nghe nhìn, hệ thống khai thác triệu chứng của bệnh nhân (có thể do máy móc hoặc do bác sĩ ở đầu bên kia cung cấp) để từ đó giúp giải quyết vấn đề của bệnh nhân.

Điều này thật mới mẻ vì nó khác với cách tiếp cận bệnh nhân mà các trường y khoa đã dạy cho các bác sĩ phải nhìn, sờ, gõ nghe, đo trực tiếp trên bệnh nhân. Nhiều câu hỏi cần được trả lời về ứng dụng hình thức khám, điều trị bệnh từ xa này.

Có phải telemedicine có thể giải quyết được mọi vấn đề y khoa của bệnh nhân?

– Telemedicine chưa thể giải quyết được mọi vấn đề y khoa. Những bệnh lý cấp tính cần được khám chẩn đoán và xử lý cấp cứu hay cấp cứu trì hoãn không thể dùng hình thức này vì bác sĩ cần tiếp cận bệnh nhân trực tiếp. Tuy nhiên, telemedicine có thể hỗ trợ cho một bác sĩ tại chỗ đang lúng túng vì chưa chẩn đoán ra bệnh, có thể hỏi ý kiến một đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm.

Những dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng sẽ được hai bác sĩ trao đổi với nhau, thông qua ngôn ngữ y khoa bác sĩ sẽ có chẩn đoán, hướng điều trị cho bệnh nhân. Ứng dụng này đã được thực hiện nhiều lần ở Việt Nam, giúp cứu sống được bệnh nhân. Đã có những phẫu thuật bởi robot ở Việt Nam do các bác sĩ Việt Nam thực hiện dưới sự hướng dẫn của các đồng nghiệp nước ngoài.

Với những bệnh lý mãn tính như thoái hóa khớp, tiểu đường, cao huyết áp…, khi bệnh nhân chưa có biến chứng, có thể thăm khám qua hệ thống telemedicine được không?

– Câu trả lời là có thể. Các dụng cụ nghe tim, đo huyết áp, các hình ảnh học từ X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp điện toán hay cộng hưởng từ đều có thể nén thành file, gởi về cho bác sĩ để xem, hệ thống camera có thể giúp bác sĩ ít hay nhiều nhìn thấy bệnh nhân để từ đó có thể có phương án điều trị.

Trường hợp bệnh nhân đã được khám trực tiếp bởi bác sĩ, đã được bác sĩ điều trị theo dõi trực tiếp thì ứng dụng telemedicine sẽ rất hữu ích để giúp bệnh nhân đỡ vất vả mỗi tháng đón xe đến bệnh viện, lãnh thuốc y như cũ.

Làm sao để duy trì và phát triển?

Telemedicine có thể triển khai song song với y khoa thường quy. Vậy làm sao để duy trì và phát triển?

– Chúng ta cần giải quyết 3 vấn đề.

1. Vấn đề cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề cần và đủ. Chúng ta không thể thực hiện telemedicine nếu như mạng chập chờn mà đôi khi gởi 1 tin nhắn đi còn khó huống chi gởi đi những file dữ liệu hình ảnh hàng trăm MB. Hệ thống lưu trữ dữ liệu phải đủ lớn để khi bác sĩ gặp bệnh nhân trên mạng thì toàn bộ dữ liệu thăm khám trước đây sẽ hiện ra đầy đủ cho bác sĩ tham khảo. Nếu như hồ sơ giấy phải lưu trữ hàng chục năm thì hệ thống lưu trữ dữ liệu với độ bảo mật cao cũng phải lưu trữ hồ sơ 1 bệnh nhân hàng chục năm.

2. Vấn đề con người, mà cụ thể là bác sĩ. Những bác sĩ sử dụng telemedicine để tư vấn, theo dõi, điều trị bệnh nhân phải là những người có kinh nghiệm, có khả năng khai thác tối đa các yếu tố bệnh sử, phân tích một cách logic các dữ kiện lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân.

Tương tự như vậy, những cuộc hội chẩn từ xa yêu cầu phải có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm lâm sàng để phán đoán, đưa ra các quyết định tức thì để hỗ trợ đầu bên kia. Vấn đề cần giải quyết là những bác sĩ như vậy họ đã quay cuồng với bao nhiêu việc ở bệnh viện, liệu họ có mặn mà? Liệu 1 bác sĩ đã khám 100 bệnh nhân 1 ngày có còn đủ sức hay hào hứng với việc khám điều trị từ xa mất nhiều thời gian và suy nghĩ hơn phương pháp khám thông thường?

3. Vấn đề pháp lý của hình thức telemedicine và chi phí. Cho đến nay, bảo hiểm vì mùa dịch mà chấp nhận thanh toán cho bệnh nhân bệnh mãn tính được ở nhà để bác sĩ theo dõi, cấp thuốc. Liệu sau mùa dịch, Bộ Y tế có chấp nhận việc bác sĩ cho thuốc qua hệ thống telemedicine vì nguyên tắc cho đến nay là bác sĩ không khám trực tiếp bệnh nhân sẽ không được cho thuốc.

Chi phí khám chữa bệnh qua telemedicine phải tính toán thêm phần đầu tư cơ sở hạ tầng, liệu chúng ta có chấp nhận một mức phí tương đối cho cuộc khám bệnh mà bác sĩ không rờ tới bệnh nhân? Luật khám chữa bệnh hiện nay có thể áp dụng tương tự cho telemedicine hay không?

Khi chúng ta giải quyết được 3 vấn đề trên, tự khắc telemedicine sẽ đi vào cuộc sống như y khoa thường quy đã tồn tại trong xã hội hàng ngàn năm nay.

Liệu pháp tư vấn dễ thực hiện nhất

Tư vấn qua hệ thống telemedicine là điều dễ thực hiện nhất khi bệnh nhân và bác sĩ trực tiếp nói chuyện với nhau, đôi khi những lời tư vấn tốt trước khi bệnh nhân quyết định đi đến cơ sở y tế để khám cũng quan trọng không kém. Những lĩnh vực mà bác sĩ sử dụng ngôn từ nhiều như tư vấn tâm lý thì có lẽ telemedicine sẽ là ứng dụng tuyệt vời. Những ứng dụng khác có thể thực hiện được, rất hữu ích đó là thông qua các thiết bị đeo tay, những dữ liệu về mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở sẽ được truyền về một trung tâm theo dõi. Người bệnh được nhắc nhở phải đi khám bệnh, đi cấp cứu nếu có những dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ hoặc các bệnh lý cấp cứu khác.

TS TĂNG HÀ NAM ANH
TTO