Khát vọng ầu ơ: Nước mắt đàn ông
Khát vọng ầu ơ: Nước mắt đàn ông
Trong hành trình “kiếm” con khi điều trị hiếm muộn, có những câu chuyện cười ra nước mắt. Không riêng phái nữ, một số đấng mày râu cũng… khóc !
Cầm kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, anh Đặng Xuân Hòa (34 tuổi, làm việc trong ngành xây dựng, quê ở tỉnh Nam Định) như người mất hồn. Ráng về đến nhà, anh ôm vợ khóc tu tu: “Bác sĩ bảo anh đã bị teo mất một bên tinh hoàn và có nguy cơ vô sinh. Em đã quá khổ vì anh, nên một là mình xin con nuôi, hai là anh trả tự do cho em”.
Sợ ba chữ “Yếu sinh lý”
Câu chuyện trên được chị Hằng, vợ anh Hòa, chia sẻ với chúng tôi. Vợ chồng chị chậm con gần 4 năm, lúc đi khám mới rõ nguyên nhân do anh Hòa mắc bệnh quai bị biến chứng viêm tinh hoàn.
Chị Hằng nhớ lại: “Lúc bác sĩ khuyên xin con nuôi, anh Hòa về khóc tu tu. Nhưng tôi động viên rằng anh bệnh tật thì em càng sát cánh bên anh, chúng mình cứ cố gắng chữa trị”. Và rồi, điều kỳ diệu đã đến với đôi vợ chồng này: Tháng 6.2019, họ làm thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Đầu tháng 3 năm nay, anh chị vui mừng chào đón hai đứa con sinh đôi kháu khỉnh.
“Đàn ông bị hiếm muộn, vô sinh thường giấu giếm, tự ti, mặc cảm hơn rất nhiều so với phụ nữ. Họ sợ người ta trêu mình thiếu bản lĩnh hoặc bị sao đó mà không làm được việc quá đơn giản là… có con. Mãi đến lúc tôi có thai, anh Hòa mới mạnh dạn livestream nói thật về bệnh tật của mình. Anh muốn tiếp thêm động lực cho những người vô sinh, hiếm muộn. Trước đó, tôi phải nói đỡ với bạn bè và gia đình là chúng tôi đang kế hoạch”, chị Hằng tâm tình.
Một số đàn ông hiếm muộn thổ lộ cảnh dở khóc dở cười lúc họ lấy tinh dịch xét nghiệm. Anh Hoàng Trung (quê Ninh Thuận) kể rằng trong buồng kín, người ta mở phim sex để quý ông được kích thích và có “cảm hứng tuôn trào”. Tuy nhiên, anh Trung thú nhận: “Nào phải mình muốn ra là nó ra được đâu! Bước vào phòng đó là đã thấy áp lực trước bao ánh mắt tò mò, lo sợ thiên hạ gắn cho mình ba chữ “yếu sinh lý”. Bên ngoài mấy ông khác đứng chờ, có người còn giục “Lẹ lên! Lâu quá!”. Vì vậy, số lượng và chất lượng tinh trùng càng khó đạt yêu cầu”.
|
Để được tự nhiên, có những ông chồng lấy tinh dịch từ nhà hoặc rủ vợ vào nhà nghỉ. Bác sĩ H.T (phụ trách phòng khám ngoài giờ chuyên về sản – phụ khoa – hiếm muộn trên đường Trần Bình Trọng, P.2, Q.5, TP.HCM) cho biết: “Nhiều trường hợp lấy hoài không ra tinh dịch. Bà vợ vô hỗ trợ, đôi khi cũng không ra nổi. Một số phòng khám và bệnh viện điều trị vô sinh, hiếm muộn có video đặc biệt cho mấy ổng coi, chứ khô queo sao lấy được”.
Theo bác sĩ H.T, phòng khám của ông hoạt động từ 16 – 20 giờ, nên những bệnh nhân lấy tinh trùng thường phải đến sớm. Bởi sau đó, y bác sĩ còn thực hiện các công đoạn lọc rửa, bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Thế nhưng, do “lấy hoài không ra”, một số cặp xin đưa nhau ra khách sạn. Sợ phòng mạch đóng cửa, người vợ gọi điện năn nỉ: “Bác sĩ ráng đợi tụi em nha, tụi em gần được rồi”. Bác sĩ H.T đành trấn an: “Từ từ lấy cũng được”. Các bà vợ ấy tỏ vẻ “hối lỗi”, mua đồ ăn tối để nhờ bác sĩ làm lố giờ cho họ. Có những hôm đến tận 22 giờ, bác sĩ H.T mới rời phòng khám.
|
“Hành sự” theo… chỉ định
21 giờ 30 ngày 17.1, vợ chồng anh T.T (quê Bình Thuận, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) – bạn thân của tôi, vẫn còn chờ đến lượt mình khám bệnh ở một phòng khám trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM).
Sau khi xem kết quả siêu âm nang noãn, bác sĩ dặn: “Tối nay hai vợ chồng quan hệ nha. Sắp rụng trứng rồi”. Đôi vợ chồng này cho hay họ đang giai đoạn canh trứng, điều trị hiếm muộn. Về đến nhà, loay hoay một lúc đã gần nửa đêm, cả hai chỉ muốn lăn ra ngủ sau một ngày mệt phờ. Dù vậy, anh chị cũng gắng gượng tuân thủ lời bác sĩ.
Qua nhiều lần tương tự nhưng không có kết quả, anh T. tuyên bố đầu hàng, khuyên vợ ngưng phương pháp canh trứng. Cô vợ vùng vằng, đổ lỗi anh trong tháng 2 vừa qua không chấp hành mệnh lệnh “trả bài đúng hạn”, khiến trứng rụng mất tiêu. Anh T. phản pháo: “Em quên hôm đó anh bị bệnh à, lết còn không nổi nữa là…”.
Như quả bóng căng sắp nổ tung, anh T. bức bối tuôn một tràng: “Em cũng biết tụi mình ức chế đến mức nào khi vợ chồng gần gũi phải theo lịch trình và chỉ định của bác sĩ. Những lúc giận hờn nhau, mình đâu thể lao vô “pặc pặc” đúng thời điểm được. Chuyện quan hệ sinh lý nên để tinh thần thoải mái tự nhiên, mới có cơ hội thụ thai”.
Tính đến nay, anh Hữu Ngọc (48 tuổi, quê Khánh Hòa) đã trải qua hơn 10 năm cùng vợ chạy chữa hiếm muộn. Anh tâm sự đó là quãng đời anh ngụp lặn trong vòng luẩn quẩn không lối thoát: kiếm tiền để sống và điều trị hiếm muộn; “xì trét” (căng thẳng) quá mức dẫn đến điều trị thất bại. Anh đúc kết, không phải ngẫu nhiên người ta đặt ra tuần trăng mật và khuyến khích những lần trăng mật tiếp diễn sau khi cưới. Đó là những lúc nghỉ ngơi, hứng thú, may ra mới có con.
Vậy mà vợ chồng anh chịu bao nhiêu áp lực, cơm gạo áo tiền, công việc ngập đầu, nuôi mẹ và nuôi em, nuôi cháu. Nhà chỉ 24 m2, nhiều khi chứa đến 8 người. “Đến tối, chúng tôi không có chỗ để ngủ riêng hoặc phải sinh hoạt vợ chồng một cách rón rén, lấy đâu ra con”, anh Ngọc ngậm ngùi.
Anh Ngọc tâm sự, anh từng bị “sát thương” bởi lời nói của những người xung quanh. Họ trêu chọc anh: “Vợ mày sao không có con, đổi cho tao đi”, “Bóng hả bây? Kiểm tra chưa?”, “Có phải hồi xưa ăn chơi dữ quá, giờ tịt luôn rồi?”. Anh Ngọc cười buồn: “Chẳng lẽ mình đứng ra giải thích là do tui hoặc do vợ tui. Nếu nói do vợ, họ xúi mình bỏ vợ kiếm cô khác. Còn nói do mình, họ bảo sao tệ quá vậy”…
(còn tiếp)
Giấu bệnh, để vợ chịu oan
Theo một bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn, vô sinh tại TP.HCM, nguyên nhân vô sinh do nam và nữ giới là tương đương nhau. Vậy mà, hễ thấy không sinh đẻ được là người ta thường đổ hết lỗi lên phụ nữ.
Bác sĩ này trăn trở: “Nhiều khi tôi làm trong nghề chứng kiến những cặp vợ chồng đến khám, chồng không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu xìu, còn bà vợ thì bình thường. Nhưng bên nhà chồng vẫn nói: “Con vợ mày nó chỉ biết đái chứ không biết đẻ, mày lấy con khác đi”. Không ít ông chồng vịn vào cớ đó, đi lấy vợ khác”.
Bác sĩ còn lưu ý tình trạng nhiều ông chồng vì sĩ diện hoặc ngại ngùng nên không đi khám và điều trị hiếm muộn.
“Có bầu mới cưới !”
Miệt mài mưu sinh, đến khi có nhà cửa và công việc ổn định thì đã lớn tuổi, khó lập gia đình, tình cảnh này hiện khá phổ biến.
Chị T.B (làm việc trong một công ty truyền thông tại TP.HCM) có bạn trai, hai người định tiến tới hôn nhân. Ngày chị ra mắt mẹ chồng tương lai, bà bảo: “Chờ khi nào con có bầu, bác sẽ tổ chức đám cưới cho hai đứa liền”. Chị T.B tiu nghỉu rút lui. Chị bày tỏ: “Lời thách cưới của bà khó quá. Nếu bà dặn mình sau khi cưới, con nhớ lo cho chồng chu đáo và… cố gắng đẻ, mình còn có động lực và nuôi hy vọng. Đằng này, bà giao cho mình nhiệm vụ gần như bất khả thi bởi mình gần 45 tuổi, biết còn đẻ được hay không”. Nghe lời mẹ khuyên can, “bồ” của chị cũng chấp nhận chia tay.
NHƯ LỊCH
TNO