23/01/2025

Khát vọng ầu ơ: Áp lực ‘người nối dõi’

Khát vọng ầu ơ: Áp lực ‘người nối dõi’

Để chồng có con nối dõi, không phải muối mặt với họ hàng mỗi khi về quê, để tự an ủi mình rằng sau này già yếu sẽ có nơi nương tựa…, nhiều phụ nữ tìm đủ cách để kiếm đứa con trai.
Bác sĩ khám hiếm muộn, vô sinh tại một phòng mạch tư ở Q.5, TP.HCM /// Ảnh: Như Lịch
Bác sĩ khám hiếm muộn, vô sinh tại một phòng mạch tư ở Q.5, TP.HCM  ẢNH: NHƯ LỊCH
Những tưởng chuyện chê bai phụ nữ không đẻ được con trai là chuyện của vài thập niên trước; nhưng ngay xã hội văn minh, tinh thần bình đẳng đã phủ kín làng trên xóm dưới, rất nhiều phụ nữ vẫn đau đầu vì những kỳ thị này.

Sợ không dám về quê

Ngày về ra mắt gia đình chồng ở Quảng Trị, chị Hồng C. (nhân viên văn phòng, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) vô tình nghe một số người lớn tuổi nhận xét về mình: “Người ốm như cây sậy, không biết sinh đẻ được không?”.
Hai năm sau khi cưới vẫn chưa có con, vợ chồng chị C. bắt đầu uống thuốc nam rồi chuyển sang thuốc bắc, ai chỉ đâu uống đó. Thêm hai năm nữa không “động tĩnh” gì, anh chị quyết định vào TP.HCM khám bệnh. Kết quả cho thấy tinh trùng người chồng bị yếu và ít, còn sức khỏe sinh sản của chị C. bình thường. Tuy nhiên, gia đình bên chồng khó lòng chấp nhận sự thật này: “Anh to cao như rứa, răng mà… yếu được!”. Trong khi đó, vẻ mảnh khảnh của chị C. thường bị quy kết có liên quan đến hiếm muộn.
Khát vọng ầu ơ: Áp lực 'người nối dõi'1

Nhiều phụ nữ miền Bắc vẫn coi việc có con trai là trách nhiệm bắt buộc và tự tạo cho mình nhiều áp lực  ẢNH: TRUNG DU

Chị C. tâm sự chị phải hạn chế những chuyến về thăm quê chồng, do không chịu nổi tổn thương chất chứa. Đau nhất là lần chú ruột chồng nhắc nhở chị trong một đám giỗ: “Mấy o (cô) mấy chú cho cháu thêm một năm nữa thôi nghe. Nếu vẫn không đẻ được, cháu phải để chồng lấy vợ khác. Dòng giống của chú không có ai như ri hết”.
Kể cả khi không về quê, chị C. đành gọi điện nhờ một số người thân thiết cố gắng lái câu chuyện “trà dư tửu hậu” sang hướng khác, đừng dính dáng đến hiếm muộn, vô sinh. Bởi hễ ai nói đến chuyện đó, chồng chị tuy giữ vẻ ngoài bình thản nhưng về nhà buồn ngẩn buồn ngơ.

Đàn ông khi đã ngoài năm mươi ai cũng khao khát có đứa con trai nối dõi. Tới lúc đó họ đổ đốn đi lập phòng nhì hay đi “xin” đứa con trai thì mình lỡ dở

Chị Nguyễn Thị My (36 tuổi, quê Vĩnh Phúc)

Bản thân người viết cũng từng trải qua cảnh hiếm muộn suốt 5 năm. Thời gian đầu, hy vọng còn nhiều, tôi nhìn sự việc đơn giản hơn. Theo tháng ngày mòn mỏi, tôi không ngờ có lúc mình như biến thành con người khác – mong manh dễ vỡ hơn.
Lễ tết, đi đâu tôi cũng hay nhận được lời chúc: “Sớm có tin vui nha!”. Riết rồi tôi bị ám ảnh, chẳng muốn gặp ai. Tôi biết ơn mẹ chồng và gia đình đã không phàn nàn việc tôi là dâu trưởng mà chưa có con. Chỉ là thi thoảng, mẹ chồng gọi điện kể: “Mấy đứa bạn cùng lớp con hỏi má dạo này con có gì mới chưa”. Bình thường, tôi nghĩ đó là lời hỏi thăm rất đỗi thường tình nhưng sống lâu trong cảnh hiếm muộn và khát khao đứa con, sự nhạy cảm quá mức khiến tôi thấy lời xã giao ấy chẳng khác gì “một sự nhắc nhở không hề nhẹ”.
Tết nhất là dịp cánh phụ nữ trong nhà tôi xúm xít nấu ăn. Tám chuyện trên trời dưới đất, rốt cuộc các chị em cũng quay về mối bận tâm lớn nhất là con cái, từ chuyện sữa, áo quần, ăn uống cho đến việc học hành của mỗi đứa. Thật lòng mà nói, lúc ấy tôi thấy mình tủi phận và lạc lõng ngay giữa những người thân…
Khát vọng ầu ơ: Áp lực 'người nối dõi'2

Thông tin dịch vụ cho thuê chỗ trọ trong “xóm hiếm muộn” được dán tại phòng khám hiếm muộn của một bệnh viện ở TP.HCM  ẢNH: NHƯ LỊCH

Phá thai để chờ… con trai

Dù đã có 3 cô con gái, cô lớn năm nay đã vào ĐH Văn hóa (TP.HCM) năm thứ hai nhưng vợ chồng anh Nguyễn Nhân Thọ (40 tuổi, quê Gia Lai) và chị Trần Thị Tuyết (39 tuổi, cùng quê) vẫn canh cánh làm sao để có một cậu con trai.
Là người hiểu biết và có tham gia vào hội phụ nữ của địa phương nên lúc đầu sinh con gái, chị Tuyết cũng không quá để ý. Nhưng lần nào về quê chị cũng đều bị giễu: “Ba đứa con gái không bằng hòn dái con trai”. Bố mẹ chồng lại hay hỏi việc chữa chạy như thế nào nên chị càng thấy mệt mỏi, tết, giỗ không dám về quê.
Vì chờ đứa thứ tư là con trai, chị đã phải phá thai hai lần khi xét nghiệm có kết quả thai nhi con gái và gia đình đã động viên chị… đi phá. Chị bảo, “Một lần sẩy, bảy lần sinh”, chỉ nhớ tới thôi mà còn nổi gai ốc bởi mỗi lần đi bỏ là sức khỏe chị yếu hẳn. Trước đây, buổi tối chị có thể tắm nước lạnh, khuân vác cũng nhanh nhẹn nhưng do mấy lần bỏ thai, không có điều kiện kiêng cữ nên sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều. Hỏi với sức khỏe như vậy chị có tiếp tục tìm cơ hội sinh con trai nữa không? Một chút ngập ngừng, một chút ái ngại nhưng chị vẫn đáp lại bằng cái gật đầu.
“Đàn ông khi đã ngoài năm mươi ai cũng khao khát có đứa con trai nối dõi. Tới lúc đó họ đổ đốn đi lập phòng nhì hay đi “xin” đứa con trai thì mình lỡ dở”, chị Nguyễn Thị My (36 tuổi, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ. Vì canh cánh suy nghĩ đó nên 7 năm nay từ khi sinh xong đứa con gái thứ hai, chị My luôn tìm cách để sinh được một “cậu ấm”.
Hết uống thuốc bắc rồi chuyển qua thuốc tây nhưng chị vẫn mang bầu con gái. Khi biết giới tính thai nhi, chị rất phân vân: “Nếu mình cứ cố sinh ra rồi chẳng may có biến chứng không thể sinh thêm lần bốn, vậy là hết cơ hội. Hoặc nếu không may trong lúc sinh con mình chết, ai sẽ nuôi con gái cho mình? Còn không thì chả lẽ mình phải bỏ con?”. Với hai lần sinh mổ khó trước đó, bác sĩ khuyến cáo chị My nếu sinh mổ lần ba nguy cơ xảy ra rất nhiều biến chứng. Đứa thứ ba với chị My là giới hạn đỏ. Tuy nhiên cuối cùng chị My đã quyết định… phá thai để dành lần mang thai cuối lấy cơ hội có được đứa con trai. (còn tiếp)
Việt Nam có tỷ lệ vô sinh thuộc hàng cao nhất thế giới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo vô sinh là căn bệnh nguy hiểm thứ ba sau ung thư và tim mạch ở thế kỷ 21. Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn, là một trong những quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới. Tuy vậy, vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam không được công nhận là bệnh và bị từ chối những chính sách chăm sóc bằng BHYT.
Như Lịch
Phụ nữ trình độ đại học có mức sinh thấp nhất
Theo số liệu Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở T.Ư công bố tại Hội nghị tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người. Tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ, khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). TP.HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ)…
Như Lịch
TNO