22/01/2025

BÀI HỌC TỪ ĐẠI DỊCH

Tôi tin rằng con người sẽ minh triết hơn, khôn ngoan hơn để hiểu rằng sự chia rẽ đó còn nguy hại cho con người hơn cả cơn đại dịch khủng khiếp nhất.

BÀI HỌC TỪ ĐẠI DỊCH

Huỳnh Bửu Sơn

Vào giữa tháng 3 năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ông bạn già của tôi, Nguyễn Đại Thức, lúc đó đang ở Houston, Texas, gửi cho tôi qua viber một tin nhắn bằng tiếng Pháp, kèm theo bức ảnh nhà tiên tri người Pháp Nostradamus. Nội dung tin nhắn như sau:

“Nostradamus đã viết vào năm 1555 như thế này: “Sau này, vào một năm sinh đôi (2020), một nữ hoàng (corona) đến từ Phương Đông và phát tán một vết thương trong bóng tối của đêm đen, trên xứ sở của 7 ngọn đồi và sẽ biến thành tro bụi hoàng hôn của con người, để tàn phá và huỷ diệt thế giới. Đó sẽ là dấu chấm hết cho nền kinh tế thế giới mà bạn đã từng biết.”

Lời tiên tri của Nostradamus nói về sự xuất hiện của virus Corona mới (Covid 19) từ Trung Quốc làm chết nhiều người, đặc biệt là tại một quốc gia có 7 ngọn đồi (nước Ý), làm nền kinh tế thế giới bị huỷ hoại và thay đổi sâu sắc. Cũng giống như lời tiên tri được phát tán sau khi tòa tháp đôi bị tấn công hay khi Trump đắc cử tổng thống thứ 45 của Mỹ, chúng thường được nhiều người tin, mặc dù chỉ được phát hiện sau khi biến cố xảy ra. Mỗi khi có một thảm họa lớn ảnh hưởng đến sinh mạng nhiều người, con người thường có xu hướng tin vào sự tất yếu của việc xuất hiện thảm họa như một định mệnh không thể tránh được. Một số người tin rằng sự tất yếu đó được quyết định trước bởi một Sức Mạnh Tối Cao nhằm trừng phạt con người vì những tội lỗi không thể dung thứ của nó. Một số người khác tin rằng sự trừng phạt đó chỉ đơn giản là hậu quả của Nghiệp lực, kết quả của những hành động sai trái được con người lập đi lập lại nhiều lần đối với Thiên nhiên và đối với chính nó! Dù là định mệnh hay quả báo, tôi nghỉ rằng cơn đại dịch này dạy cho con người 2 bài học, một bài học đến từ Thiên Nhiên và một bài học đến từ chính Con người.

Virus Vũ Hán đã không lây lan cho con người nếu người Hoa vùng Hồ Bắc không có thói quen ăn thịt các loài động vật hoang dã, mà trong trường hợp này, đã bị nhiễm virus từ dơi. Tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, nhiều người cho rằng ăn uống một bộ phận thân thể của động vật hoang dã như máu, xương, sừng, lục phủ ngũ tạng… sẽ giúp tăng cường sức khỏe, trị bá bệnh, kéo dài tuổi thọ của con người. Việc uống tươi máu rắn, máu con xuyên sơn giáp và nhiều chủng loại hiếm khác, hay ngâm rượu các loài rắn độc, sừng tê giác, mật gấu, xương cọp để uống như thuốc bổ, là rất phổ biến. Sự mê tín cộng đồng đó dẫn đến hành động tàn sát động vật hoang dã, một hành động diệt chủng mà cho đến gần đây, cả thế giới mới đồng thanh cho là tội ác và lên án. Trọng tội này, xuất phát từ lòng tham si của con người, không những đưa đến sự tàn phá môi trường, hủy diệt các chủng loài động vật quý hiếm mà còn làm phát tán, lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.

Mặc dù vậy, hiện nay, các chợ bày bán động vật hoang dã vẫn xuất hiện đông đảo tại Trung Quốc mà Vũ Hán chỉ là một trường hợp bình thường như nhiều thành phố khác. Khi động vật hoang dã bị giết thịt trở nên ngày càng hiếm, người thích ăn chúng ngày càng nhiều. Thêm vào đó, con người càng giàu, không gian kinh tế càng mở rộng, môi trường sống của động vật hoang dã càng bị thu hẹp. Rừng rậm bị tàn phá, đồng cỏ bị khai hoang, sông hồ bị ô nhiễm một cách có hệ thống từ năm này sang năm khác. Sự tàn phá môi trường thiên nhiên, sự săn bắt mang tính chất huỷ diệt động vật hoang dã của con người làm cho sức khỏe và khả năng đề kháng dịch bệnh của các chủng loại bị suy yếu dần do thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, chịu tác động của các hóa chất độc hại do con người thải ra môi trường. Khi cơ thể bị suy yếu, các động vật hoang dã, vật chủ của các con virus, bị chúng tấn công và mất đi khả năng tạo ra kháng thể để chống lại các bệnh do virus gây ra. Động vật hoang dã nhiễm virus bị con người bắt được dễ dàng hơn, và trở thành thức ăn khoái khẩu cho họ. Những virus trước đây hoàn toàn xa lạ với con người, nay có điều kiện xâm nhập cơ thể con người và tự biến đổi gen để cho phép chúng thực hiện tiến trình tấn công, xâm nhập tế bào của vật chủ mới. Con virus Vũ Hán là một trong nhiều con virus tương tự lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người trước nay, với đặc tính ngày càng nguy hiểm hơn, hung hãn hơn. Virus Vũ Hán sẽ là điềm báo trước những đại dịch còn khủng khiếp hơn trong tương lai, nếu con người không thay đổi cách hành xử của mình đối với các chủng loài khác và đối với Mẹ Thiên Nhiên. Sự xuất hiện đại dịch rốt cuộc chỉ là một bài học tất yêu về luật nhân quả mà Thiên Nhiên dạy cho con người. Người Vũ Hán lãnh hậu quả nặng nề, bị nhiễm bệnh viêm phổi cấp và chết hàng loạt chinh là do những hành động bất xứng của họ đối với thiên nhiên, đối với các chủng loài khác.

Nhưng khi con virus từ Vũ Hán-được WHO gọi là Covid 19 để không nhắc đến xuất xứ của nó – lan tràn khắp thế giới và giết chết nhiều người tại các nước khác, đó là một bài học mà con người dạy cho chính nó. Nostradamus, từ thế kỷ 16, có thể tiên đoán đươc sự xuất hiện của đại dịch Corona tại Châu Âu, phải chăng vì ông thấy trước rằng, 500 năm sau thời kỳ Trung cổ giáo điều và phản động của ông, con người vẫn tiếp tục u mê bởi những điều đó. Nhiều chánh phủ, nhiều nhà lãnh đạo nhà nước, vẫn xem nhẹ mạng sống của người dân, xem nhẹ sự an nguy của cộng đồng, xem nhẹ sự ô nhiễm của môi trường sống, trong khi coi trọng lợi ích kinh tế ngắn hạn và quyền lợi chính trị ích kỷ của họ hoặc phe nhóm họ. Các quốc gia vẫn chưa đủ khôn ngoan để hợp tác cùng nhau đối phó với thiên tai dịch họa mang tính chất toàn cầu. Trong một thời đại bùng nổ thông tin, người ta vinh danh cách mạng 4.0, ca tụng sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G, nhiều nhà nước vẫn chọn lựa phương sách ém nhẹm, bưng bít thông tin thay vì công khai, minh bạch, thích lừa dối hơn là nói ra sự thật, thích bịt miệng giới trí thức, khoa học hơn là lắng nghe tiếng nói phản biện của họ. Chính sự vô minh của con người ở cấp độ Nhà nước là nguyên nhân hàng đầu khiến cho con virus Covid 19 nhỏ bé, từ một góc chợ của một thành phố ở Trung Quốc trở nên hùng mạnh và bất trị trên toàn cầu.

Nếu Trung Quốc không che dấu dịch bệnh ngay từ giữa tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán với sự im lặng cố ý của WHO trong thời gian vàng 6 tuần lễ sau ngày xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, nếu Trung Quốc ngay từ đâu đã có ý thức trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng hợp tác với các nước để chia sẻ các thông tin cần thiết và chính xác về sự nguy hiểm của virus Corona do khả năng thích nghi và tính chất lây lan khủng khiếp của nó từ người sang người, phần còn lại của thế giới sẽ chẳng thể xem thường con virus này và đã có những biện pháp phòng vệ sớm hơn. Các nước sẽ có đủ thời gian để chuẫn bị các phương tiện phòng dịch như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế chuyên dụng, các máy trợ thở, các dụng cụ xét nghiệm…, giúp đội ngũ y bác sĩ chống dịch hiệu quả hơn. Các nước sẽ có những biện pháp cách ly xã hội sớm hơn, người dân các nước sẽ được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng vệ cho bản thân mình và cho cộng đồng. Thiệt hại về nhân mạng và tỗn thất về kinh tế, trên toàn thế giới, sẽ giảm nhẹ rất nhiều. Nhưng điều tốt đẹp đó đã không xảy ra.

Sự chậm trễ công bố dịch của Trung Quốc đã làm cho thế giới đánh giá thấp nguy cơ lây nhiễm của virus Covid 19 từ Vũ Hán. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Các chánh phủ dân chủ ở Châu Âu, ở Hoa Kỳ… sở dĩ xem virus Covid 19 như một sản phẩm made in China, xem nhẹ sự nguy hiểm của nó cũng chỉ vì động cơ lợi ích. Họ không thực hiện các biện pháp phòng dịch như cách ly xã hội, yêu cầu dân chúng mang khẩu trang…, một mặt vì e sợ các biện pháp này làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, đến tình trạng thất nghiệp, một mặt vì sợ đụng chạm đến các quyền tự do của người dân và bị đảng phái đối lập chỉ trích. Tập quán và văn hóa phương Tây, vốn đặt nền móng trên sự tự do cá nhân và sự thân thiện xã hội, trở thành một nhược điểm trong phòng chống dịch, khi người dân không quen mang khẩu trang, vẫn thích bày tỏ những cái bắt tay, ôm hôn thân thiện khi giao tiếp và không thể bỏ qua những nghi thức tôn giáo cộng đồng…

Khi tôi viết những dòng này, những con số thống kê chính thức cho biết trên toàn thế giới đã có trên 4 triệu người bị nhiễm Covid 19 và trên 300 ngàn người tử vong. Riêng tại Mỹ số người nhiễm đã vượt con số 1,4 triệu người và gần 80 ngàn người đã chết. Hơn 4 tỷ người trên thế giới chịu sự cách ly xã hội, các hoạt động kinh tế, thương mại, tài chánh trên toàn cầu bị tê liệt. Nguy cơ nghèo đói bùng phát tại các nước đang phát triển. Nền kinh tế thế giới đang lún sâu vào suy thoái. Người Mỹ đã thực hiện chương trình cứu trợ kinh tế xã hội lên đến 2.200 tỷ USD, Đức triển khai gói cứu trợ 1.100 tỷ Euro và Nhật chuẫn bị đến 1.000 tỷ USD. Là nước chịu ảnh hưởng của đại dịch thấp nhất, không có trường hợp tử vong, nhờ áp dụng sớm những biện pháp phòng dịch hiệu quả được sự hưởng ướng tích cực của người dân, Việt Nam cũng dự trù một quỹ hỗ trợ 240 ngàn tỷ đồng để giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân gặp khó. Trên toàn thế giới, các khoản tiền mà các chánh phủ bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia vượt qua ảnh hưởng suy trầm của đại dịch Covid 19 tương đương 5% GDP toàn cầu. Tác hại của đại dịch, do con người gây ra, sẽ rất khủng khiếp cả về nhân mạng lẫn kinh tế. Nhưng ai sẽ học được bài học đó?

Những người đã chết và sẽ chết không thể học được gì. Liệu những người sống sót sau nạn dịch sẽ không phạm sai lầm từ nay về sau? Các chế độ toàn trị, dân túy có thể vẫn lập lại sai lầm vì thường bị mù quáng bởi những lợi ích khác hơn mạng sống và sự an toàn của con người, những lợi ích liên quan đến chính trị, đến quyền lực, đến ý thức hệ. Lý thuyết về miễn dịch cộng đồng – mà những tín đồ toàn trị và dân túy ưa thích – nhận định rằng con virus, dù mạnh nhất, cũng không thể giết hại toàn thể con người trong cộng đồng. Những cá thể khỏe mạnh sẽ vượt qua dịch bệnh, tự tạo nên kháng thể và hình thành một hàng rào cá thể miễn nhiễm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số người chết có thể lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu, nhưng đó vẫn là một tỷ lệ nhỏ của những con người yếu đuối, bệnh hoạn, già cỗi trong cộng đồng nhân loại 7,5 tỷ người hiện nay. Đông đão những con người mạnh khỏe khác sẽ kháng được dịch và sống còn. Các chủng loài động thực vật khác trên hành tinh này, từ trước đến nay, luôn phải đương đầu với dịch bệnh bằng cách đó.

Nhưng con người là một chủng loài đặc biệt, có tình thương và trí tuệ. Họ biết thương xót đồng loại đồng bào, biết thương những kẻ yếu đuối, già lão, bệnh hoạn và không thể chấp nhận buông tay nhìn người khác chết theo quy luật đào thãi. Họ còn biết hy sinh. Duy nhất trong loài người, mới có những cá thể khỏe mạnh, trẻ tuổi sẵn sàng chết để cứu lấy những người già, những đứa trẻ, những người yếu đuối, bệnh hoạn. Họ có trí tuệ để luôn tìm ra được những giải pháp tốt nhất để bảo vệ đồng loại của mình trước các hiểm họa .Đó chính là sự khác biệt giữa con người và các động vật khác.

Cùng nhau, với sức mạnh của cộng đồng, những con người có tình thương và trí tuệ sẽ buộc các Nhà nước thay đổi tư duy và hành động. Bill Gates nhận xét về đại dịch covid 19: “Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng sức mạnh của sự tự do ý chí đang nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi và hỗ trợ nhau, hoặc chúng ta có thể chọn tích trữ và chỉ chăm sóc bản thân”. Trong cơn khủng hoảng, không phải chỉ có những tầng lớp trung lưu Châu Á đổ xô tích trữ khẩu trang, thực phẩm, giới trung lưu thành thị Châu Âu, Hoa Kỳ cũng vét sạch đồ hộp và giấy vệ sinh tại các siêu thị. Người Mỹ chặn chuyến bay chở khẩu trang cho người Pháp, người Serbia tịch thu các thiết bị y tế cứu trợ cho người Ý. Trong cơn hoảng loạn, con người thiếu khôn ngoan đã chọn phương sách sauve qui peut, dẫm đạp lên nhau để sống sót. Đó là một phương sách tồi tệ.

Nhưng điều khiến chúng ta còn chút hy vọng về tương lai là những phẩm chất nhân bản của con người đang đồng thời phát huy. Có những thiếu nữ Vũ Hán khiêu vũ và chơi đàn trong những căn hộ chung cư bị phong toả để động viên tinh thần cho nhau trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Trước làn sóng tử thần của đại dịch dâng cao mỗi ngày, có những người Ý cất lên tiếng hát của hy vọng trong những căn nhà cách ly của mình để vinh danh tập thể y bác sĩ đang xả thân trong đại dịch. Có những người lao động Việt Nam ngày đêm sản xuất hàng tỷ khẩu trang cho phần còn lại của thế giới. Các nhà máy ở Pháp, ở Mỹ ngưng hoạt động sản xuất chính để sản xuất máy trợ thở cho những bệnh nhân đang hấp hối. Những y bác sĩ trẻ tuổi, những người mới tốt nghiệp chưa nhận được bằng cấp đã vội vàng xung trận, làm việc 24/7 để giành giật từng mạng sống từ tay tử thần vô hình mang tên Covid 19, dù thiếu thốn các thiết bị bảo vệ lây nhiễm. Nhiều chiến binh trẻ tuổi đã tử trận. Dịch bệnh vẫn còn dữ dội, những ngày sắp tới sẽ còn rất nguy hiểm, nhưng con người cuối cùng sẽ chiến thắng. Con người có thể hoảng sợ cái chết lúc đầu, nhưng khi nhiều người thân, nhiều người bạn, nhiều đồng đội đã chết, họ sẽ tiếp tục dũng cảm chiến đấu, giữ vững trận địa. Họ biết mình đang chiến đấu cho ngày hôm nay và cho ngày mai, cho những buổi bình minh rạng rỡ tiếp tục soi sáng hành tinh xanh này, nơi nền văn minh con người phải tiếp tục tồn tại và phát triển. Virus Covid 19, cũng như những con virus dữ dội hơn sẽ xuất hiện vài chục năm, vài trăm năm, vài ngàn năm, vài chục ngàn năm sau này… sẽ không thể huỷ diệt con người và nền văn minh của nó, trong chừng nào con người còn duy trì được các phẩm chất đạo đức tốt đẹp cốt lõi của mình: tôn trọng sự sống, biết hy sinh và giúp đỡ người khác, dũng cảm chiến đấu cho lợi ích con người và cộng đồng nhân loại, bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường sống, có ý thức trách nhiệm, biết tiết kiệm và theo đuổi cuộc sống lành mạnh, không tham lam, không lạm sát, không chiếm đoạt.

Còn giữ được cái Thiện, giữ được những giá trị đạo đức tốt đẹp căn bản, con người sẽ vẫn còn hy vọng gìn giữ và phát triển nền văn minh trên Trái Đất Mẹ này, không con virus nào có thể huỷ diệt được họ. Chỉ duy nhất con người, chính họ, là có thể huỷ diệt được chính họ mà thôi.

Cơn đại dịch sẽ làm thay đổi thế giới theo cách mà con người học được bài học từ Thiên Nhiên và từ chính họ. Trong cơn đại dịch, mỗi nước phải tự cách ly để tránh lây lan và tự phòng vệ, nhưng đại dịch từ Vũ Hán sẽ không hề đưa đến hậu quả chia cắt thế giới thành nhiều mảnh vụn kinh tế, xã hội, văn hóa không ghép với nhau được nữa. Nhiều người nhận định một cách sai lầm rằng sau đại dịch, các bức tường sẽ được dựng lên để chia cách thế giới, mỗi dân tộc sẽ sống đằng sau các bức tường này, chỉ biết có quyền lợi của đất nước mình và không biết đến ai khác, theo mô hình “ Nước Mỹ Trên Hết “. Các hãng xưởng của Mỹ ở Trung Quốc sẽ lục tục về Mỹ để sản xuất thuốc men, khẩu trang cho người Mỹ. Pháp, Anh, Đức… mỗi nước sẽ tự mình sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho người dân nước họ. Thế giới sẽ không còn phẳng mà rất nhiều hàng rào, rất nhiều bức tường thành sẽ được dựng lên. Các dân tộc nghi kỵ nhau, da trắng, da vàng, da nâu, da đen sẽ nhìn nhau bằng những cặp mắt kỳ thị. Covid 19 sẽ tạo nên một tháp Babel mới, mỗi dân tộc đi về một hướng. Nhưng kịch bản đó sẽ là con đường suy tàn cho nền văn minh nhân loại, con đường đi đến diệt vong của loài người.

Tôi tin rằng con người sẽ minh triết hơn, khôn ngoan hơn để hiểu rằng sự chia rẽ đó còn nguy hại cho con người hơn cả cơn đại dịch khủng khiếp nhất. Nếu thế giới bị chia cắt về kinh tế, nền kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ. Nạn đói, dịch bệnh, chiến tranh sẽ lan tràn và không loại trừ chiến tranh hạt nhân. Xã hội loài người sẽ không thể bị huỷ diệt bởi một ý tưởng u mê, điên cuồng và vô nhân tính như thế. Thay vào đó, người ta càng ý thức nhiều hơn về tính cách liên lập của các quốc gia và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các dân tộc, giữa các nền kinh tế trên mọi lãnh vực. Thế giới sẽ càng ngày càng phải xích gần nhau hơn để sống, để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, để giữ gìn môi trường sống của toàn hành tinh. Việc chia sẻ các thông tin quan trọng, cần thiết cho sự an toàn trong cuộc sống con người giữa các quốc gia, giữa con người phải phát triển mạnh mẽ, công khai, minh bạch trên phạm vi toàn cầu. Thế giới trong tương lai sẽ cùng nhau xây dựng một sự cân bằng giữa lợi ích toàn cầu và quyền lợi mỗi quốc gia, hướng đến mục tiêu phục vụ con người và nền văn minh nhân loại, với khả năng bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của con người. Nhân loại phải biết cách sống tiết kiệm hơn, bớt tàn phá môi trường, bớt tranh dành tài nguyên thiên nhiên của nhau. Họ cần tăng cường hợp tác nhiều hơn trên mọi lãnh vực để làm giảm bớt nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình tại các khu vực và trên toàn thế giới, giảm bớt nguy cơ thiên tai dịch họa. Dù theo hình thức chế độ chính trị nào, mỗi nhà nước phải nhận thức rõ trách nhiệm ưu tiên bảo vê sinh mạng và các quyền con người cơ bản của công dân nước họ vì đó chính là mục tiêu chính đáng của mỗi đảng phái chính trị, mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng dân tộc./.

Nguồn: Viet-Studies.net ngày 12-5-20