Làm gì để an toàn sức khoẻ học sinh mùa nắng nóng ?
Làm gì để an toàn sức khoẻ học sinh mùa nắng nóng ?
Học sinh và phụ huynh nên làm gì khi dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc? Bác sĩ Nguyễn Quang Anh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), đã dành cho PV Thanh Niên cuộc trao đổi.
Thưa bác sĩ, những bệnh nào phổ biến ở trẻ em trong mùa hè mà các phụ huynh nên lưu ý?
|
Bác sĩ Nguyễn Quang Anh |
Vào mùa hè, độ ẩm không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát. Những bệnh trẻ em thường mắc phải vào mùa nắng nóng là tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi, viêm não Nhật Bản, viêm màng não ở trẻ em, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, các bệnh khác.
Trong thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là trong môi trường học đường.
Làm thế nào để giữ sức khỏe, phòng say nắng, say nóng… cho trẻ em khi đến trường trong mùa hè này?
Phụ huynh chú ý mặc đồ thoáng mát cho trẻ, cho trẻ đội mũ khi đi ra nắng. Khuyến khích bé uống nhiều sữa tươi, nước trái cây hoặc nhiều nước khoáng; cho trẻ ăn uống đầy đủ chất (rau xanh, củ quả, thịt cá, trứng…). Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, nhắc các bé thường xuyên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi đưa tay lên mắt mũi miệng. Rửa tay được xem như “liều vắc xin miễn phí” cho mọi người. Có thể trong lớp học không mở máy lạnh nhưng các thầy cô mở cửa để lớp học thông thoáng kèm có quạt máy, các bé sẽ không bị nóng nực nên phụ huynh không nên quá lo lắng.
Đi học trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn khiến nhiều phụ huynh và các học sinh vẫn lo lắng. Đâu là những lời khuyên an toàn, thưa bác sĩ?
Khi trẻ ở nhà, phụ huynh nên duy trì lịch sinh hoạt ổn định, tương đương với thời gian trẻ phải đi học ở trường, đặc biệt là giờ ăn và giờ ngủ. Cha mẹ luôn nhớ rằng giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não và năng lực học tập của trẻ, cũng như hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể trẻ.
Cha mẹ nên dành thời gian cho con nhiều nhất có thể. Khi ở bên con, cha mẹ nên gác lại công việc, tập trung tâm trí để chơi và học cùng con. Xin lưu ý, thời gian chất lượng thì quan trọng hơn số lượng. Do đó, dù chỉ dành 1 – 2 giờ mỗi ngày cho con thì thời gian đó nhất định phải toàn tâm toàn ý cho con. Sự quan tâm, bầu không khí yêu thương, ấm áp có thể xoa dịu các cảm xúc tiêu cực đang tích lũy mỗi ngày ở trẻ.
Cha mẹ nên cùng con xây dựng lịch trình trong ngày và động viên, hướng dẫn con cam kết thực hiện. Lịch trình những ngày này nên bao gồm giờ thức giấc, giờ ăn, giờ ngủ, giờ vận động cơ thể và giờ học (ôn tập bài cũ hoặc học bài mới nếu trường cung cấp chương trình online), tránh cho con ngồi triền miên trước máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác.
Phụ huynh cũng đừng quên hướng dẫn con mình cách rửa tay đúng cách, bỏ rác đúng nơi quy định, giữ vệ sinh chung trong trường, uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất, khuyến khích bé tham gia đầy đủ các lớp thể dục rèn luyện cơ thể.
Nhiều phụ huynh vẫn giữ tâm lý e ngại cho con đi tiêm vắc xin phòng bệnh, vì sợ đến bệnh viện, trung tâm y tế… trong dịch Covid-19. Xin bác sĩ cho lời khuyên để phụ huynh yên tâm.
Nên cho các bé đi tiêm ngừa các bệnh như sởi, thủy đậu, cúm, phế cầu, Haemophillus Influenza, viêm não Nhật Bản… vì khi bé được tiêm ngừa chủ động sẽ tạo miễn dịch chống lại các bệnh trên. Coronavirus gây dịch Covid-19 không trôi lơ lửng trong không khí mà chúng chỉ tồn tại trong giọt bắn hoặc dịch tiết của người bệnh khi họ hắt hơi, ho, khạc nhổ… Do vậy, chúng ta có thể phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 bằng cách khi đi ra nơi đông người cần đeo khẩu trang đúng cách và rửa tay thường xuyên trước khi đưa tay lên mắt mũi miệng, uống nhiều nước, cho trẻ ngủ đủ giấc, không cho trẻ thức khuya, cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm.
Xin cảm ơn bác sĩ!
THUÝ HẰNG
TNO