23/01/2025

Phát hiện hàng ngàn vụ trẻ em bị xâm hại: Mới là ‘phần nổi của tảng băng’

Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra nhiều số liệu, nhận định cho thấy thực trạng xâm hại trẻ em đang rất đáng báo động.

Phát hiện hàng ngàn vụ trẻ em bị xâm hại: Mới là ‘phần nổi của tảng băng’

Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra nhiều số liệu, nhận định cho thấy thực trạng xâm hại trẻ em đang rất đáng báo động.

Phát hiện hàng ngàn vụ trẻ em bị xâm hại: Mới là phần nổi của tảng băng - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị phân tích rõ các nhóm trẻ em bị xâm hại, nêu các “địa chỉ” chịu trách nhiệm – Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay (27-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em” từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019.

Xâm hại tình dục chiếm đa số

Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết theo báo cáo của Chính phủ thì giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai…

Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm: trong giai đoạn được giám sát, có tới gần 800.000 trẻ em lao động trái pháp luật; hơn 156.000 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.500 trẻ 15 tuổi tảo hôn.

Qua khảo sát tại địa phương cho thấy hầu hết trẻ em phải tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; mục đích tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, được gia đình đồng thuận.

Đoàn giám sát nhận thấy hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả đối với trẻ em, nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em.

Trong khi đó, nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

Phát hiện hàng ngàn vụ trẻ em bị xâm hại: Mới là phần nổi của tảng băng - Ảnh 2.

Ông Hà Ngọc Chiến cho rằng cơ cấu gia đình đang bị phá vỡ cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại – Ảnh: Quochoi.vn

Bạo lực chủ yếu do người thân gây ra

Vẫn theo báo cáo giám sát, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỉ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa – Vũng Tàu 33%…

Theo thống kê của tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

Thực tế xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em tại trường học, trong đó có những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, có vụ gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành đi ngược lại với đạo đức nhà giáo; có những vụ nhiều học sinh đánh một học sinh.

Đáng lưu ý, một số vụ thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, có những vụ diễn ra trong thời gian dài, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.

Đánh giá về tình trạng này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng những gì phát hiện, xử lý qua số liệu chỉ mới là “phần nổi của tảng băng” chứ chưa thể phản ánh hết thực trạng.

Ông Hiển quan tâm đến nhóm trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em bị cưỡng bức lao động vì cho rằng các hình thức xâm hại này để lại hậu quả nặng nề đến tinh thần, thể chất và tương lai của các em.

“Tôi thấy công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa tốt. Có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hằng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết…” – ông Hiển bày tỏ, đồng thời đề nghị “phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở”.

Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị báo cáo giám sát cần làm rõ trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, cơ quan trước những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Đồng thời cần phân tích rõ cơ cấu các nhóm trẻ em bị xâm hại, xác định các nguyên nhân để từ đó kiến nghị giải pháp khắc phục.

“Phải hết sức tập trung cho các giải pháp phòng ngừa. Sau cuộc giám sát này phải hết sức tập trung cho các nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị.

Trong các nguyên nhân được chỉ ra, ông Chiến cho rằng sự gắn kết gia đình ngày càng lỏng lẻo cũng dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

“Ông bà, bố mẹ rất ít thời gian gặp gỡ, trò chuyện với con, cháu. Các cháu đi học cả ngày, khi về nhà thì mỗi người lại cầm một chiến điện thoại. Cơ cấu gia đình truyền thống đang bị phá vỡ” – ông Chiến phân tích.

Trong giai đoạn được giám sát, các địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 8.337 trẻ em. 100% trẻ em bị xâm hại trong cơ sở giáo dục được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Tổng đài 111 đã hỗ trợ, can thiệp cho 2.033 ca trẻ em bị xâm hại. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cấp hội phụ nữ tại địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 1.952 trẻ em bị xâm hại. Mô hình Ngôi nhà bình yên được vận hành khá hiệu quả. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh tại 63 địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 112 trẻ em bị xâm hại.

LÊ KIÊN

TTO