29/12/2024

Liên Hiệp Quốc yêu cầu đảm bảo phân phối công bằng vắc xin Covid-19

Liên Hiệp Quốc yêu cầu đảm bảo phân phối công bằng vắc xin Covid-19

Đại diện của 193 quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã nhất trí thông qua một nghị quyết yêu cầu đảm bảo phân phối “công bằng, hiệu quả và kịp thời” khi có vắc xin phòng chống Covid-19 trong tương lai.
Hiện thế giới vẫn chưa có vắc xin Covid-19 thử nghiệm nào được phê chuẩn là an toàn để sử dụng /// Reuters

Hiện thế giới vẫn chưa có vắc xin Covid-19 thử nghiệm nào được phê chuẩn là an toàn để sử dụng  Reuters
Nghị quyết của ĐHĐ LHQ được thông qua vào ngày 20.4 cũng nhấn mạnh “vai trò quan trọng hàng đầu” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa lúc cơ quan này đang đối mặt sự chỉ trích từ chính phủ Mỹ và một số quốc gia về cách ứng phó đại dịch Covid-19, theo AFP.
Dự thảo nghị quyết do Mexico soạn thảo và nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ. Nghị quyết kêu gọi tăng cường “hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế để chống lại Covid-19”, bao gồm cả khối tư nhân. Nghị quyết được đưa ra giữa lúc các phòng thí nghiệm và hãng dược trên thế giới đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển vắc xin và thuốc đặc trị chống Covid-19.
Nghị quyết yêu cầu Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres “xác định và đề xuất các lựa chọn, bao gồm tăng cường quy mô sản xuất và chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy, đảm bảo phân phối công bằng, minh bạch, hiệu quả trang thiết bị y tế phòng dịch thiếu yếu, dược phẩm và vắc xin phòng Covid-19 trong tương lai”.
Đây là nghị quyết thứ 2 được nhất trí thông qua liên quan đến đại dịch Covid-19, đến nay làm chết hơn 170.000 và hơn 2,4 triệu ca nhiễm. Nghị quyết đầu tiên được thông qua hồi đầu tháng 4 cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chưa thể thống nhất hai dự thảo nghị quyết của Tunisia và Pháp với nội dung ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Guterres hồi tháng 3 về việc ngừng bắn toàn cầu để thế giới tập trung dập dịch. Đại diện của Pháp và Tunisia sau đó đã hợp nhất hai dự thảo thành một, AFP dẫn lời các nguồn tin ngoại giao cho biết.
Không giống như Hội đồng Bảo an LHQ, các nghị quyết được ĐHĐ LHQ thông qua không mang tính ràng buộc nhưng có thể gây sức ảnh hưởng về mặt chính trị.
PHÚC DUY
TNO