23/12/2024

Người trong mộng ngày ấy đâu rồi?

Người trong mộng ngày ấy đâu rồi?

Lúc mới cưới, hầu hết các cặp vợ chồng thường san sẻ việc nhà, thể hiện sự quan tâm, nói lời yêu thương… Tuy nhiên, theo thời gian các cặp đôi có xu hướng “quên” dần.

 

 

Người trong mộng ngày ấy đâu rồi? - Ảnh 1.

Hôn nhân có thể là chặng đường mới cho các cặp tình nhân bồi đắp tình yêu – Ảnh minh họa: T.T.D.

 

Chỉ 23% cặp đôi còn duy trì nói lời yêu thương, 12% tặng quà vào dịp đặc biệt, chỉ có 6% thường xuyên có hoạt động giải trí và 7% du lịch cùng nhau.

Trên đây là một số kết quả khảo sát trong dự án “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị” được thực hiện từ 400 vợ chồng tại Hà Nội và TP.HCM (do Công ty nghiên cứu thị trường TITA phối hợp các chuyên gia tâm lý thực hiện).

“Thay đổi chóng mặt” sau cưới

Chia sẻ với chuyên viên tâm lý, chị Ngọc Bích (Q.4, TP.HCM) kể: “Chúng tôi yêu nhau 6 năm mới cưới, vui vẻ được vài tháng thì ảnh như biến thành người khác”. Anh là nhân viên văn phòng, làm giờ hành chính nhưng dạo gần đây cứ về tầm 10 giờ đêm, người nồng nặc mùi rượu, có khi còn thoảng mùi nước hoa lạ. Do tiền lương anh đem về ngày càng héo hon, chị phải nhận thêm một đầu việc nữa và chi tiêu dè sẻn tối đa.

Trước đây anh hay rửa chén, lau nhà, dọn dẹp…, nhưng giờ nhờ anh việc gì cũng khó, trong khi anh xài đồ đạc thì cứ bạ đâu vứt đó. Lại nữa, anh ngày càng kiệm lời với vợ, khi nói thì cụt lủn, những lời ngọt ngào ngày trước như biến đi đâu mất. “Ảnh không lãng mạn như xưa, lại rất vô tâm. Đến cả sinh nhật vợ cũng quên luôn, vào ngày đó ảnh cũng bù khú ăn nhậu như mọi khi”, chị Bích bức xúc.

Trong một cuộc trò chuyện khác, anh Tấn Thành (TP Biên Hòa, Đồng Nai) lại không hài lòng về vợ: “Cưới chưa tròn năm, cô ấy bắt đầu thay đổi, hầu như hôm nào cũng tụ tập nhóm bạn đi chơi, ăn uống, mua sắm”. Anh kể hai người thu nhập cũng khá nhưng họ gần như không có tích lũy do kiểu chi tiêu không kiểm soát của chị. Thấy không ổn, đôi lần sau giờ làm anh hì hụi nấu bữa cơm chiều, nhưng rồi lại lủi thủi ăn một mình bởi chị còn tung tăng đến khuya cùng nhóm bạn.

Và dù bản thân thích sống “tự do”, chị lại ghen tuông kinh khủng. Hồ sơ trên bàn làm việc, tin nhắn điện thoại, nhật ký của anh thường xuyên bị lục lọi, xem trộm. Hễ anh nói chuyện điện thoại với phụ nữ là chị dỏng tai nghe ngóng rồi hỏi này nọ như dò xét. Lần nọ phát hiện chồng khi chụp ảnh đứng cạnh chị đồng nghiệp xinh xinh, vậy là chị gọi điện vô cơ quan anh để dò la. Anh kể: “Ban đầu còn kín đáo, riết rồi cô ấy kiểm soát chồng rất lộ liễu, giống như bắt tội phạm vậy”.

“Vỡ mộng” để khởi đầu

Trở lại với dự án “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị”, các ý kiến người trong cuộc còn nêu bật những thay đổi của vợ/chồng khiến bạn đời bức xúc. Trong đó, đứng đầu bảng là tiêu xài hoang phí, khi có tới 1/3 số gia đình gặp phải. Tiếp theo, về phía người chồng là chuyện dành thời gian cho các mối quan hệ bạn bè và cờ bạc, rượu chè…, còn về phía người vợ là chuyện kiểm soát chồng và ghen tuông.

Ông Phan Quang Thịnh, trưởng dự án, lý giải: “Thật ra, đó không phải là những thay đổi của người ấy mà chỉ là những điều ta chưa biết hoặc chưa biết rõ mà thôi”. Theo ông Thịnh, thời yêu nhau, vì muốn chiếm trọn trái tim của nhau nên ai cũng thể hiện những gì tốt đẹp nhất. Đến khi về sống chung nhà, ta được biết thêm nhiều ưu điểm nữa và cả những điều mà ta cho là “chưa ổn”, “không ổn” về người ấy… Chính những “khiếm khuyết” đó khiến hình ảnh long lanh của người ấy trong ta trước đây phần nào vụn vỡ.

Đối mặt cảm xúc hụt hẫng đó, không ít vợ/chồng trẻ đã buông xuôi, dẫn đến những cuộc “ly hôn xanh”. Còn các cặp đôi tiếp tục hành trình chợt nhận ra tình yêu của chúng mình giờ đã chuyển sang giai đoạn mới với những sắc màu khác và những mục tiêu rõ ràng: kinh tế gia đình, tổ chức cuộc sống, nuôi dạy con cái… Ông Thịnh nói: “Cuộc hành trình mới này có lãng mạn hay đầy chông gai là tùy thuộc vào nỗ lực vun đắp liên tục từ cả hai phía”.

Nỗ lực đầu tiên, theo ông Thịnh, là phải chấp nhận người phối ngẫu một cách “trọn gói”, tức là cả cái tốt lẫn cái xấu, và coi đó đơn giản chỉ là sự khác biệt. Chỉ có như thế mới có thể khởi đầu quá trình đối thoại để tạo ra những “luật lệ” cần được tuân thủ trong cuộc sống chung, qua đó chia sẻ gánh nặng và chung hưởng niềm vui bên nhau. Nhờ có “luật lệ” mà cả hai được tự do làm những điều trong khuôn khổ nhưng ít ảnh hưởng đến người kia.

“Điều chỉnh bản thân theo “bộ luật” mới thật không dễ dàng, nhất là khi ta phải từ bỏ hoặc hạn chế những thói quen cũ”, ông Thịnh chia sẻ. Chẳng hạn, trước đây ta có thể thoải mái tham gia những cuộc vui bạn bè, mua sắm, “cày” game hàng giờ… nhưng nay phải biết chừng mực để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sức khỏe cho… cả nhà. Hay thời trước mỗi người có thể sống bừa bộn hoặc hành xử kiểu cá nhân, thì nay cũng cần thay đổi để phù hợp bối cảnh mới hoặc để làm gương cho con cái…

Và nhân dịp hầu hết đều đang có thời gian “sống chậm”, có nhiều thời gian dành cho nhau hơn vào những ngày này, cũng là cơ hội để các cặp vợ chồng cùng vẽ lại hay bồi đắp thêm hình ảnh của hai tiếng “bạn đời” trong nhau.

Vợ chồng cần thường xuyên có những hành động thể hiện sự quan tâm và yêu thương… Ông Phan Quang Thịnh nêu ví dụ: “Trao nhau nụ hôn đầu ngày và trước khi ngủ, làm nước uống cho nhau, trét kem đánh răng cho nhau mỗi sáng… Như thế ta sẽ có cơ hội thể hiện và cảm nhận tình yêu, sự quan tâm với nhau trong nhiều khoảnh khắc của một ngày”. Chỉ vậy thôi nhưng càng ngày ta càng cảm thấy hình ảnh người bạn đời của ta như long lanh hơn trong thực tế cuộc sống gia đình chứ không phải là “soái ca”, “soái muội” của cái thời ta còn nhìn đời với bao ảo ảnh.

HUỲNH THANH BÌNH (Hội quán Nếp Nhà)
TTO