24/01/2025

Nhiều trường hợp trốn cách ly, khai gian dối sẽ bị xử lý hình sự?

Nhiều trường hợp trốn cách ly, khai gian dối sẽ bị xử lý hình sự?

Các chuyên gia pháp luật cho rằng nhiều trường hợp thời gian qua trốn cách ly, khai báo gian dối, tung tin thất thiệt… có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

 

Một cô gái ở Hà Nội bị giữ lại khi trốn chạy khỏi khu cách ly	  /// Ảnh: C.T

Một cô gái ở Hà Nội bị giữ lại khi trốn chạy khỏi khu cách ly  Ảnh: C.T
Đối chiếu nội dung Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia pháp luật cho rằng nhiều trường hợp thời gian qua trốn cách ly, khai báo gian dối, tung tin thất thiệt… có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cần xử lý hình sự để răn đe.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 30.3, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45 hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để sắp tới cơ quan tố tụng có thể xử lý hình sự nghiêm đối với hành vi trốn cách lykhông khai báo y tế, thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19…

Hướng dẫn chi tiết điều luật đã có

Nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng khẳng định, Công văn 45 của HĐTP TAND tối cao là văn bản hướng dẫn chi tiết về việc xét xử tội phạm về một số tội danh liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có hướng dẫn chi tiết về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. “Điểm c khoản 1 điều 240, BLHS 2015 quy định người nào thực hiện hành vi khác, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ
50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, hành vi khác là hành vi nào, BLHS chưa quy định rõ. Vì vậy, HĐTP TAND tối cao liệt kê 4 hành vi cụ thể trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nếu ai phạm tội sẽ bị xét xử, gồm: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”, ông Phạm Công Hùng phân tích và cho biết thêm: “Dấu hiệu cấu thành cơ bản và bắt buộc của tội phạm này là các hành vi trên phải gây ra hậu quả làm lây lan dịch bệnh thì khi đó mới xử lý hình sự; còn chưa gây ra hậu quả thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật”.
Ngoài ra, ông Phạm Công Hùng còn cho biết, sau khi định tội danh, HĐTP TAND tối cao cũng hướng dẫn các tòa áp dụng hình phạt phù hợp, trường hợp làm lây lan dịch bệnh từ 2 người trở lên, gây chết người thì phải xác định là phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng và phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Với hướng dẫn chi tiết của HĐTP TAND tối cao, theo ông Phạm Công Hùng, một số trường hợp bệnh nhân thời gian qua có hành vi khai báo gian dối, khai báo không đầy đủ, không khai báo y tế dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác đã có đủ dấu hiệu tội phạm, cần thiết phải khởi tố, điều tra, xét xử kịp thời. “Hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh có trước hoặc khi Công văn 45 ban hành không quan trọng. Bởi lẽ, điều luật liên quan có hiệu lực trước khi hành vi phạm tội xảy ra. Công văn 45 của HĐTP TAND là văn bản hướng dẫn chi tiết điều luật, phù hợp với nhận thức của nhiều người nên HĐTP TAND tối cao chỉ hướng dẫn thêm để thống nhất khi xét xử, không phải là văn bản pháp luật, quy định mới”, ông Hùng nêu.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” là tội danh cấu thành vật chất, vì vậy hành vi phạm tội xảy ra phải gây hậu quả làm lây lan dịch bệnh thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. “Công văn 45 của HĐTP TAND tối cao mang tính hướng dẫn, không phải văn bản pháp luật, hy vọng sau công văn sẽ có Thông tư liên tịch giữa 3 ngành tư pháp để cùng thống nhất áp dụng trong điều tra, truy tố và xét xử”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng mong mỏi.

Không gây hậu quả vẫn có thể xử lý hình sự được

Trong khi đó, theo luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), liên quan đến nhóm hành vi theo hướng dẫn tại Công văn số 45 của TAND tối cao thì có những hành vi không cần gây hậu quả cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, người trong diện cách ly có hành vi chống đối, dùng vũ lực đe dọa hay chống đối người có thẩm quyền trong việc phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ (theo quy định tại điều 330 của BLHS 2015) mà không cần phải gây ra hậu quả. Cũng theo vị luật sư này, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288.
Chiều 31.3, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo TAND tối cao cũng khẳng định Công văn số 45 của HĐTP TAND tối cao mang tính chất hướng dẫn các điều luật đã có để TAND các cấp vận dụng xử lý, chứ không phải đưa ra các quy định mới. Theo vị này, các hành vi liên quan đến tình hình phòng chống dịch bệnh đều đã được quy định trong bộ luật Hình sự và các luật chuyên ngành hiện hành, nhưng ít được áp dụng trên thực tế. Mặt khác, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên văn bản của HĐTP TAND tối cao làm rõ thêm các quy định để TAND các cấp áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử ngay.
PHAN THƯƠNG – THÁI SƠN
TNO