23/11/2024

Không khai báo – cách ly có thể bị điều tra, truy tố

Không khai báo – cách ly có thể bị điều tra, truy tố

Xử lý nghiêm khắc các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly theo đúng quy định, cần thiết phải điều tra truy tố theo pháp luật.
Khai báo thông tin y tế nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất  /// Ảnh: Ngọc Dương

Khai báo thông tin y tế nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất  Ảnh: Ngọc Dương
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 23.3 được Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 24.3.

Thông báo nêu rõ, Thủ tướng giao các bộ: Quốc phòng, Y tế và UBND các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia khẩn trương rà soát, bố trí đủ các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan, UBND tỉnh, TP xử lý nghiêm khắc các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly theo đúng quy định, cần thiết phải điều tra truy tố theo pháp luật.

Khai gian, trốn cách ly

Sau hơn 2 tháng chống dịch Covid-19, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều trường hợp khai gian, trốn cách ly gây tốn kém về sức người, sức của cho nhà nước do ý thức kém. Điển hình là bệnh nhân (BN) Covid-19 số 17 tên N.H.N. BN số 17 đi từ Anh về ngày 2.3 trên chuyến bay VN0054, mặc dù có đi Ý tham gia lễ hội nhưng đã không tự ý thức khai báo – vì Ý thời điểm này là vùng dịch nên người về từ nước này phải được cách ly. BN số 17 đã lây dịch bệnh Covid-19 cho tài xế, bác, người giúp việc (BN số 19, 20, 47), trong đó tình trạng BN số 19 là rất nặng.
Trên chuyến bay VN0054 sau đó cũng xác định được thêm 4 ca dương tính với vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Một ca khác là ca “siêu” lây nhiễm SARS-CoV-2 số 34 tại Bình Thuận đã khai gian làm khó cho cơ quan chức năng điều tra dịch tễ, kéo dài thời gian cách ly những người tiếp xúc với BN.
Ngày 29.2, BN số 34 bay từ Mỹ hạ cánh Tân Sơn Nhất lúc 6 giờ sáng ngày 2.3. BN khai rằng khi xuống sân bay là di chuyển thẳng về nhà bằng xe riêng, do một tài xế lái.
Đồng thời, BN khẳng định từ khi về đến trước lúc nhập viện chỉ ở nhà và lên công ty riêng. Nhưng thực tế, từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác. Khi về đến Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, BN còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống, tiệc tùng và lây nhiễm cho 8 người khác. Cả ngàn người được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm làm hao tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc.
Không chỉ khai gian để trốn cách ly, sự việc khiến dư luận bức xúc là trung tuần tháng 3.2020, Chủ tịch HĐQT Công ty CP điện gió H.T đi trên chuyến bay VN1547 có hành khách bị nhiễm SARS-CoV-2 để cho nhân viên đi cách ly thay mình ở Quảng Trị. Ngày 20.3, chồng và 5 người thân của BN số 35 tên N.T.T.N đang được cách ly trong khu cách ly tập trung ở Đà Nẵng đã trốn về nhà. Mới nhất là ngày 22.3,
Bộ Y tế công bố BN thứ 100 ở TP.HCM (nam, 55 tuổi, ngụ Q.8), qua điều tra dịch tễ thì ngày 3.3, BN từ Malaysia về Việt Nam trên chuyến bay số hiệu AK52. Do chuyến bay từ vùng dịch về và đặc biệt có ca nhiễm SARS-CoV-2 số 61 ở Ninh Thuận đi cùng chuyến bay này nên cơ quan chức năng đã hướng dẫn ông tự cách ly theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, từ ngày 4 – 17.3, ông vẫn ra khỏi nhà đi lễ 5 lần/ngày tại thánh đường ở P.1, Q.8. Việc làm của BN số 100 khiến cơ quan chức năng điều tra dịch tễ khó khăn và hệ lụy là hàng trăm người liên quan bị cách ly.

Không kiên quyết xử lý sẽ “vỡ trận”

Trao đổi với Thanh Niên chiều 24.3, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết từ đầu dịch Covid-19 đến nay, công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hàng loạt trường hợp gây ảnh hưởng về phòng chống dịch như gây hoang tin, găm hàng trục lợi… nhưng chưa xử lý các trường hợp có dấu hiệu bất hợp tác, trốn tránh cách ly y tế.
“Các trường hợp này chỉ mang tính đơn lẻ nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, là nguồn lây bệnh và khiến công tác phòng chống dịch kém hiệu lực hiệu quả, gây bất bình trong xã hội”, ông Xô nói và cho biết Công điện mệnh lệnh số 01 của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ký ngày 23.3 cũng đã lưu ý trên những tình huống, hiện tượng này.
Đến trước 18 giờ ngày 25.3, công an các địa phương phải báo cáo về để Bộ Công an tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ: “Trong đợt rà soát này, nếu phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu chống đối, né tránh cách ly, không hợp tác trong phòng chống dịch thì lực lượng công an sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng lập tức xử lý, tùy theo mức độ mà xử lý hành chính, thậm chí cả hình sự”, thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay.
Cùng với việc xử lý, thiếu tướng Tô Ân Xô còn đề nghị công khai danh tính những trường hợp nêu trên lên các phương tiện thông tin đại chúng. “Trong những ngày vừa qua, dư luận nêu nhiều thông tin cho rằng những trường hợp né cách ly hay xin xỏ được cách ly chỗ thuận lợi là người có tiền, có thế lực, là con cháu lãnh đạo. Nhưng theo tôi biết thì lãnh đạo không ai can dự vào việc này hết, kể có là con cái nhà ai thì cũng bị lên án và xử lý. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Công an rất rõ ràng rồi. Chúng ta phải cương quyết nếu không sẽ vỡ trận”, ông Tô Ân Xô khẳng định.

Luật đã có, các tỉnh thành có thể xử lý

Về hành vi này, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng Nghị định 176 năm 2003 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rõ về mức xử phạt đối với hành vi từ chối hoặc trốn cách ly y tế.
Theo đó, những người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 2 – 5 triệu đồng và nếu lây nhiễm cho người khác thì sẽ bị xử lý hình sự về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Khai báo thông tin y tế nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) Ảnh: Ngọc Dương

Khai báo thông tin y tế nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM)  Ảnh: Ngọc Dương

Theo bà Trang, khi phát hiện có trường hợp vi phạm, địa phương cần căn cứ vào các quy định xem hành vi vi phạm có đáp ứng đủ các điều kiện xử phạt hay không để đưa ra mức xử phạt, nếu mức phạt cao hơn thì mới chuyển lên cấp trên. “Hiện nay, về cơ bản hành vi liên quan y tế dự phòng và phòng chống bệnh truyền nhiễm đều thuộc thẩm quyền của địa phương. Các tỉnh, huyện đều có thể xử phạt được”, bà Trang cho hay đồng thời cho biết, hiện Bộ Y tế đang yêu cầu các sở y tế địa phương báo cáo về hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh ở các tỉnh trong thời gian qua.
Cũng theo bà Trang, Bộ Y tế đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 176 để bổ sung các hành vi vi phạm và tăng mức phạt để bảo đảm tính răn đe, trong đó có hành vi từ chối và trốn cách ly.
THANH NIÊN
TNO