20/11/2024

Lương y – chuyện ít ai biết: Hậu trường khoa cấp cứu

Lương y – chuyện ít ai biết: Hậu trường khoa cấp cứu

‘Cái bọn bất nhân, BS ăn thịt người, lương y có còn như từ mẫu nữa không?… Những câu nói đầy cay nghiệt như vậy thường xảy ra. Trong khi chúng tôi phải chịu quá nhiều áp lực, phải hy sinh đủ thứ để giành giật sự sống cho bệnh nhân, ai hiểu?’
Bệnh nhân cấp cứu vừa chuyển đến Bệnh viện 115 /// Ảnh: Quang Viên

Bệnh nhân cấp cứu vừa chuyển đến Bệnh viện 115   Ảnh: Quang Viên
Trong căn phòng khoảng 200 m2, giường bệnh kín chỗ, người bệnh rên rỉ, người nhà thất thần kêu khóc, y bác sĩ chạy qua lại như con thoi, tiếng y lệnh của trưởng ca liên tục vang lên: “Đưa ca này vào phòng hồi sức”, “Ca kia giữ nguyên bóp bóng thở, tiến hành ép tim”…
Đây là cảnh tượng xảy ra thường xuyên tại phòng cấp cứu ở các bệnh viện (BV) lớn. Cả ngày lẫn đêm, đội ngũ y bác sĩ (BS) cấp cứu quyết liệt giành giật từng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Những người “thần kinh thép”

Hẹn trước với BS Khâu Minh Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM), nhưng tôi phải đợi rất lâu. Dường như ông không hở ra được phút nào bởi bệnh nhân vào liên tục. Trong vòng hơn 15 phút có đến 8 chiếc xe hụ còi cấp cứu inh ỏi đổ về. Băng ca nhanh chóng đẩy vào thẳng khoa cấp cứu. Một ca có vấn đề tim mạch nghiêm trọng, sau vài lần nhồi tim, các BS lại nhìn qua máy điện tim theo dõi, mồ hôi túa ra… Hít một hơi thật dài rồi thở phào, BS Tuấn bảo: “Ca này tạm thời qua nguy kịch rồi”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ca nghiêm trọng ông không thể nhớ hết. Một ngày khoa tiếp nhận khoảng 400 lượt bệnh nhân, cao điểm lên đến gần 500. Có ca nặng do bệnh lý, nhưng cũng nhiều ca bất ngờ như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đâm chém, ngộ độc, tự vẫn… Nhiều trường hợp bệnh nhân vào khoa cấp cứu đã ngưng tim hoàn toàn nhưng BS vẫn căng sức cứu chữa và hồi hộp chờ đợi tim người bệnh đập trở lại. “Nếu không có thần kinh thép thì khó trụ ở khoa cấp cứu. Vào khoa này hầu hết là bệnh nhân nặng, hoặc rất nặng. Họ lại quá đông nên bao giờ chúng tôi cũng chạy đua nghẹt thở với thời gian. Mọi người không nhớ hôm nay là ngày thứ mấy, chỉ nhớ là ca nào thôi”, BS Tuấn bộc bạch.
Lương y - chuyện ít ai biết: Hậu trường khoa cấp cứu1

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, khám bệnh cho bệnh nhi  Ảnh: Quang Viên

10 giờ mùng 6 tết, trong phòng cấp cứu BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) các giường bệnh không còn chỗ trống. Bên ngoài, tại khu sàng lọc bệnh cấp cứu, bệnh nhi vẫn đến không ngớt. BS trưởng khoa Đinh Tấn Phương liên tục chỉ đạo đội ngũ y BS xử lý “nhanh, gọn, chính xác” các ca vừa vào. “Bệnh nhi vào đây thường suy hô hấp nặng, trụy tim mạch, co giật, hôn mê, ngộ độc, ngưng tim, ngưng thở…, không xử lý kịp thời rất nguy hiểm. Công việc căng như dây đàn, làm không kịp thở nên nhiều khi chúng tôi muốn cười với bệnh nhân nhưng cũng cười không nổi”, BS Phương chia sẻ.

Vào khoa này hầu hết là bệnh nhân nặng, hoặc rất nặng. Họ lại quá đông nên bao giờ chúng tôi cũng chạy đua nghẹt thở với thời gian. Mọi người không nhớ hôm nay là ngày thứ mấy, chỉ nhớ là ca nào thôi

Bác sĩ Khâu Minh Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM)

Thần kinh thép không chỉ giải quyết những căng thẳng nghiệp vụ mà còn để đối mặt với đủ chuyện hỉ, nộ, ái, ố, sinh ly tử biệt diễn ra tại phòng cấp cứu. Người con gục xuống bên người cha tần tảo nuôi anh ăn học nhưng không qua khỏi vì tai nạn lao động. Cô nữ sinh phải từ giã tuổi hoa mộng vì cạn nghĩ quyên sinh. Tiếng khóc nghẹn ngào của mẹ bệnh nhi sơ sinh bị nhiễm khuẩn huyết phải chịu đau đớn để chọc dịch não tủy nhiều lần… Những cảnh như vậy từng khiến không ít BS cấp cứu rơi nước mắt nhưng họ phải kìm lòng tập trung cho công việc.

Thiệt thòi mấy ai hay

Theo BS Đinh Tấn Phương, thời gian 7 ngày/tuần để cứu người còn không đủ, chưa kể nhiều BS ngày làm, tối về lại hùng hục cày sách để bổ sung kiến thức thì nói gì đến thời gian riêng cho mình hoặc gia đình. Có BS tâm sự, nhiều năm rồi đêm giao thừa bị “nhốt” trong xe cấp cứu để xử lý tình huống tại các điểm vui chơi giải trí. Chuyện BS cấp cứu đang ngủ ở nhà bật dậy vì mơ máy trên người bệnh nhân báo động. Những rối loạn ám ảnh kiểu đó cũng không phải chuyện hiếm…
“Cấp cứu là công việc chiếm toàn thời gian 24/24. Một BS cấp cứu khi về nhà vẫn có thể bị gọi vào bất cứ lúc nào và họ phải có mặt trong vòng… 15 phút. Nhiều khi đã mua vé đi chơi cùng gia đình nhưng điện thoại reo là phải tức tốc vào BV”, BS Phương nói.
Lương y - chuyện ít ai biết: Hậu trường khoa cấp cứu2

Áp lực công việc luôn đè nặng lên đội ngũ y bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115  Ảnh: BV 115 cung cấp

Áp lực công việc cao, trách nhiệm nặng nề nhưng chế độ đãi ngộ BS chưa tương xứng. Cử nhân học 4 năm, BS học 6 năm nhưng bắt đầu đi làm bậc lương cũng bằng nhau. Lương của BS cấp cứu không cố định, tùy BV, số lượng bệnh, thủ thuật, đối tượng bệnh nhân… Hầu hết tiền thù lao của BS trực trắng đêm chỉ trên dưới 100.000 đồng/người. Như BS Nguyễn Anh Tâm, chuyên khoa I Hồi sức cấp cứu BV đa khoa Cư Jút (Đắk Nông), thâm niên làm việc 12 năm, cộng phụ cấp khu vực và phụ cấp độc hại nhưng lương chỉ vỏn vẹn… 8,5 triệu đồng/tháng.
Đã vậy, việc BS bị bệnh nhân hoặc người nhà chửi mắng, mạt sát, đe dọa, thậm chí cả tấn công… không phải chuyện hiếm, nhất là ở khoa cấp cứu. “Cái bọn bất nhân, BS ăn thịt người, lương y có còn như từ mẫu nữa không?… Những câu nói đầy cay nghiệt như vậy thường xảy ra. Trong khi chúng tôi phải chịu quá nhiều áp lực, phải hy sinh đủ thứ để giành giật sự sống cho bệnh nhân, ai hiểu?”, BS Nguyễn Ngọc Anh Thư, từng làm việc tại Phòng Cấp cứu BV Sản nhi An Giang, bức xúc.
Áp lực tinh thần còn ở chỗ, các BS khoa cấp cứu rất dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm. “Có trường hợp bệnh nhân nguy kịch mình sẽ không kịp đeo găng, mặc áo bảo hộ. Lúc này, không có thời gian tính toán thiệt hơn, chỉ biết sẵn sàng cho mọi trường hợp. Mấy mươi năm công tác ở khoa cấp cứu, tôi đã thấu cái nghề này quá vất vả và đầy rẫy bất an”, một BS thổ lộ. (còn tiếp)

“Báo động đỏ” và “Phác đồ giờ vàng”

Hiện nay, nhiều BV đã thực hiện quy trình “Báo động đỏ” nội viện và liên viện trong cấp cứu đã cứu sống nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh trong đường tơ kẽ tóc. Về trường hợp cấp cứu “Báo động đỏ liên viện” cho bé gái 12 tuổi ở Bình Thuận viêm cơ tim tối cấp, BS Đinh Tấn Phương kể: “Còn hơn cứu hỏa. Nhận tin, Khoa Cấp cứu của BV Nhi đồng 1 liên tục hướng dẫn qua điện thoại cho BS trên xe cứu thương từ Bình Thuận vào. Trong khi đó, tại TP.HCM y BS hối hả chuẩn bị mọi thứ để phối hợp với BS BV Chợ Rẫy thực hiện kỹ thuật ECMO ngay khi bệnh nhân được chuyển đến mới giành giật lại được sự sống cho ca bệnh này”.
Ngoài “Báo động đỏ”, việc áp dụng “Phác đồ giờ vàng” (theo cách làm của một BV nhi lớn ở Úc) cho trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi còn tăng khả năng cứu sống cho nhiều đứa trẻ. TS-BS Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Nhi sơ sinh và Hồi sức sơ sinh BV Quốc tế Hạnh Phúc, chia sẻ: “Tháng 3.2019, chúng tôi đã cứu bé sinh non, nặng chỉ 800 gr nhờ “Phác đồ giờ vàng”. Hơn 30 trường hợp sinh non được BV dùng phác đồ này, không những trẻ được cứu sống mà còn phát triển khỏe mạnh”.
QUANG VIÊN
TNO