25/12/2024

Những người được cách ly phòng Covid-19 đếm ngược chờ ngày về nhà

Những người được cách ly phòng Covid-19 đếm ngược chờ ngày về nhà

Lần trở về quê hương của nhiều người phải dài thêm do bị cách ly 14 ngày khi vừa qua cửa khẩu biên giới. Đây là quãng thời gian đầy khó khăn, khi họ luôn sống trong tâm trạng bồn chồn, cùng nỗi nhớ mong gia đình.
Khu cách ly tập trung cho người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam  /// Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Khu cách ly tập trung cho người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam  Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) những ngày này đìu hiu chưa từng có do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trước thời điểm xảy ra dịch, tại đây luôn có hàng vạn lượt người làm thủ tục xuất nhập cảnh thì nay mỗi ngày chỉ lác đác một số công dân Việt Nam, đa phần là trở về quê để tránh dịch. Ai cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho đợt cách ly dài 14 ngày phía trước.

Ngày về quê bỗng dài thêm

Sau khi nhập cảnh từ TP.Đông Hưng (Trung Quốc) và làm thủ tục khai báo y tế, chị N.T.K.A (28 tuổi, quê H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) thở phào khi đo thân nhiệt 36,5 độ C. Tuy nhiên, hành trình về quê lần này của chị không như dự định ban đầu khi phải đợi thêm 14 ngày nữa.
Những người được cách ly phòng Covid-19 đếm ngược chờ ngày về nhà  - ảnh 1

Một phụ nữ liên lạc với người thân qua điện thoại từ khu cách ly

Khi chị K.A tỏ ra ngỡ ngàng về việc mình sức khỏe tốt nhưng vẫn phải ở lại Móng Cái tận 14 ngày thì được bà Phạm Thị Ái Việt, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh, giải thích: “Quy định của tỉnh Quảng Ninh là tất cả các công dân khi nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam dù không có thân nhiệt cao nhưng vẫn phải cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe”.

Nói thật ở trong này cũng không thoải mái chút nào khi luôn bị giám sát 24/7. Đấy là chưa kể mọi kế hoạch của bản thân dang dở hết cả. Lúc ở bên Trung Quốc, tôi hứa với mẹ là dịp rằm tháng giêng sẽ về mà đến nay chưa biết thế nào. Nhưng phải chấp nhận thôi, vì chính quyền đang làm tất cả vì sức khỏe của cộng đồng và cho chính bản thân mình
Chị N.T.Th (35 tuổi, trú H.Lập Thạch, Vĩnh Phúc)
Chị K.A kể rằng, cách đây 2 tuần có đi du lịch ở Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cùng 2 người bạn và đang trên đường về quê. Hành trình trở về Việt Nam của cả nhóm không dễ dàng như dự định ban đầu khi phương tiện công cộng tại Trung Quốc đang bị hạn chế.
3 cô gái đã mất khoảng 4 tiếng ngồi tàu hỏa từ Quế Lâm đến Phòng Thành Cảng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó, cả nhóm tiếp tục thuê taxi về cửa khẩu Móng Cái.
“Tôi vừa hủy chuyến bay từ Vân Đồn – TP.HCM. Thôi thì vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng nên phải chấp nhận cách ly. Biết thông tin, bạn trai nằng nặc đòi ra Móng Cái thăm nhưng tôi kiên quyết không đồng ý vì đang dịch bệnh phức tạp thế này. Hy vọng 14 ngày tới sẽ không có điều bất thường nào xảy ra với tôi và mọi người trong đoàn”, chị K.A chia sẻ.
Ngồi kế bên, gương mặt hiện rõ mệt mỏi, chị N.T.N (28 tuổi, quê Thanh Hóa) kể: “Tôi vừa thông báo cho cơ quan xin nghỉ tiếp 14 ngày mà không biết được chấp nhận không vì đã dùng gần hết phép để đi du lịch trước đó. Ở nhà, mọi người ai cũng lo lắng. Nhưng dù sao biết tôi về đến Việt Nam an toàn thì cũng yên tâm phần nào”.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết, những phụ nữ này lại khăn gói lên ô tô 16 chỗ do UBND TP.Móng Cái bố trí để đến ở khu cách ly trong 2 tuần.

“Ước gì thời gian qua mau”

Nơi ở của những người đang được cách ly tại TP.Móng Cái nằm sát khu vực biên giới Việt – Trung, có tên Centre Way, rộng khoảng 20.000 m2, vốn là 2 dãy nhà thương mại 2 tầng không được sử dụng đến của Công ty TNHH Centre Way (P.Bình Ngọc, TP.Móng Cái).
Từ hôm 2.2, chính quyền địa phương đã trưng dụng nơi này làm khu cách ly tập trung. Hiện khoảng hơn 200 người đang được cách ly tại đây, trong đó 90% là nữ giới. Mỗi phòng rộng khoảng 30 m2, vệ sinh khép kín. Nam, nữ ở riêng, chỉ có các vợ chồng, gia đình mới được ở chung nhau.
Để đáp ứng sinh hoạt của các công dân tại khu cách ly khi nhập cảnh về nước, TP.Móng Cái đã lắp đặt các trang thiết bị thiết yếu, như: bình nước nóng, chăn đệm, máy sấy tóc, kem đánh răng…; bố trí người phục vụ 3 bữa ăn với chế độ 35.000 đồng/suất/bữa và mang đến tận phòng cho những người bị cách ly.
Thế nhưng, dù tiện nghi được đáp ứng đến mấy thì cũng không thể như ở nhà. Ai cũng có tâm trạng giống nhau, ấy là bồn chồn và mong nhớ gia đình. Đang bắt đầu bữa trưa với suất cơm hộp, chị N.T.L (40 tuổi, trú H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) cho biết đã vào đây cách ly được 10 ngày và mong thời gian trôi thật nhanh để sớm về với gia đình.
“5 ngày đầu tiên trong người cứ nóng ruột và lo sợ. Mỗi ngày 2 lần chúng tôi đều phải đo thân nhiệt, ai có biểu hiện bất thường về sức khỏe là phải đưa đi cách ly ở bệnh viện dã chiến. Đến lúc ấy sẽ không biết tình hình thế nào, nên ai cũng có cảm giác lo lắng. Mọi người ở đây hạn chế ra ngoài mà chỉ nói chuyện với nhau trong phòng và lúc nào cũng phải đeo khẩu trang”, chị L. nói.
Người cách ly được khám sức khỏe 2 lần/ngày

Người cách ly được khám sức khỏe 2 lần/ngày

Cầm chiếc điện thoại khoe cậu con trai kháu khỉnh, chị N.T.Th (35 tuổi, trú H.Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nghẹn ngào nói: “Chưa lúc nào gia đình với tôi thiêng liêng đến vậy. Ngày nào cu cậu cũng mượn điện thoại của bà nội để “video call” hỏi bao giờ mẹ về. Vài ngày nữa tôi được ôm nó rồi. Ước gì thời gian trôi mau!”.
“Nói thật ở trong này cũng không thoải mái chút nào khi luôn bị giám sát 24/7. Đấy là chưa kể mọi kế hoạch của bản thân dang dở hết cả. Lúc ở bên Trung Quốc, tôi hứa với mẹ là dịp rằm tháng giêng sẽ về mà đến nay chưa biết thế nào. Nhưng phải chấp nhận thôi, vì chính quyền đang làm tất cả vì sức khỏe của cộng đồng và cho chính bản thân mình”, chị Th. nói.
Cũng ở Centre Way được 11 ngày, chị N.T.T (39 tuổi, trú P.Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) chia sẻ: “Từ hôm vào đây, tôi chỉ biết lấy điện thoại làm bạn, vừa đọc tin tức để giải trí và liên lạc với người thân. Điện thoại tôi hôm nào cũng phải sạc 4 – 5 lần”.

Những “vật dụng” bất đắc dĩ

Dẫn chúng tôi đi khảo sát Centre Way, ông Vũ Tiến Chung, Tổ trưởng khu cách ly, cho biết công tác vệ sinh và an ninh luôn đặt lên hàng đầu. TP.Móng Cái thành lập tổ công tác gồm 30 người làm công tác giám sát, an ninh và phục vụ người cách ly. Riêng vấn đề vệ sinh môi trường được giao cho Ban Chỉ huy quân sự TP. Mỗi ngày có 20 chiến sĩ đến phun khử trùng Cloramin B, dọn dẹp rác sinh hoạt…
“Phần lớn người cách ly là phụ nữ nên nhiều khi chúng tôi gặp nhiều chuyện buồn cười lắm. Chẳng hạn như do vội vào đây nên có cô quên mua băng vệ sinh, đồ lót… Anh em lại phải đi mua hộ hết, miễn sao tất cả an toàn, thoải mái”, ông Chung nói.
Theo UBND TP.Móng Cái, trước tình trạng một số người trốn khỏi nơi cách ly tại các địa phương khác, TP đã thành lập tổ công tác với 30 người thuộc các lực lượng: quân đội, công an, dân quân tự vệ, để giám sát tại khu cách ly. “Một số người có gia đình ở gần, được tiếp tế thêm quần áo đồ dùng cá nhân nhưng tất cả để ở ngoài cổng. Mọi thứ đều được kiểm tra chặt chẽ, khử trùng trước khi mang vào”, một cán bộ Công an TP.Móng Cái cho biết.
Theo lãnh đạo TP.Móng Cái, vấn đề đảm bảo tinh thần cho người cách ly luôn được quan tâm. Ông Lê Văn Ánh, Bí thư Thành ủy Móng Cái, cho biết ngày nào lãnh đạo TP cũng đến giám sát tình hình và động viên tinh thần các công dân sinh hoạt tại đây.
LÃ NGHĨA HIẾU
TNO