Vì sao con người sợ virus đến thế?
Vì sao con người sợ virus đến thế?
“Các bệnh dịch luôn gây ra một nỗi sợ hãi cố hữu mang tính bẩm sinh bởi vì đây là kẻ thù giấu mặt không thể thấy được bằng mắt thường”, theo giáo sư Adam Kamradt-Scott, chuyên gia người Úc về các bệnh truyền nhiễm.
Trả lời Hãng tin AFP, nhiều chuyên gia đã nêu lên quan điểm của mình, tựu trung lại như sau: từ những trải nghiệm lịch sử cộng với ảnh hưởng từ điện ảnh, danh từ “virus” đã trở thành nguồn cơn của nỗi sợ hãi ăn sâu vào trong vô thức của cộng đồng.
Giáo sư Adam Kamradt-Scott, một chuyên gia người Úc về các bệnh truyền nhiễm, giải thích như sau: “Các bệnh dịch luôn gây ra một nỗi sợ hãi cố hữu mang tính bẩm sinh bởi vì đây là kẻ thù giấu mặt không thể thấy được bằng mắt thường”.
Còn theo một chuyên gia người Úc khác là giáo sư Sanjaya Senanayake thì nỗi sợ này là thật sự đúng trong trường hợp virus, do hiện nay chỉ “có rất ít thuốc đặc trị”, khác hẳn với trường hợp “vi khuẩn mà chúng ta có thể tiêu diệt bằng kháng sinh”.
Mặt khác, dẫn lời sử gia người Pháp chuyên nghiên cứu các vấn đề khoa học, ông Laurent- Henri Vignaud, từ trong vô thức của mọi người dân, nỗi sợ hãi này mang một tính chất đặc trưng riêng.
Đó là “tâm trạng sợ chết của mỗi cá nhân khi đối diện với một cá nhân khác. Nói cụ thể hơn, đó là nỗi sợ rằng sẽ có một ‘Người Kia’, có thể là người thân, hay láng giềng, bỗng chốc trở thành một mối nguy hiểm trực diện mà chúng ta phải tránh xa”.
Phản ứng tâm lý đó chắc chắn được tạo ra trong “những bộ phim kinh dị khi mà nhiều người bị nhiễm bệnh và trở thành những zombie xác sống”.
Vẫn theo sử gia Vignaud thì “đây là một thái độ ứng xử có tính tàn phá kinh khủng khiến kết cấu nền tảng xã hội bị phá vỡ, khi mà chúng ta đặt lại vấn đề quan hệ và giao tiếp xã hội” trong thời gian phát dịch.
Ông giải thích: “Tính dị thường của các căn bệnh truyền nhiễm là làm cho con người sợ con người, làm cho chúng ta sợ người bệnh, hơn là sợ virus. Và thái độ này làm thay đổi bản chất của mối đe dọa”.
Một yếu tố khác nữa có thể tạo ra tâm lý lo sợ, đó là vì đây là một chủng virus mới, chưa được biết đến, chứ chưa nói đến việc chủng virus này nguy hiểm thật sự như thế nào.
Để so sánh, chúng ta thấy bệnh dịch SARS do một chủng virus gần giống như chủng virus corona tại Trung Quốc hiện nay, đã từng làm 774 người chết trên toàn thế giới trong khoảng thời gian 2002-2003, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính một đợt cúm mùa bình thường cũng giết chết khoảng từ 290.000 đến 650.000 người mỗi năm.
Từ những trải nghiệm lịch sử
Bệnh sinh học (pathogenesis) là môn học nghiên cứu về cơ chế phát sinh, phát triển, tiến triển và kết thúc của bệnh và theo sử gia Vignaud thì “mỗi một thời kỳ lịch sử đều có những căn bệnh riêng của nó”, và ông dẫn chứng trường hợp của bệnh dịch hạch trong thời Trung Cổ.
Và theo quan niệm “Bệnh sinh học” thì “tùy theo bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, cụ thể của một thời kỳ lịch sử thì sẽ có một căn bệnh nào đó trở nên nguy hiểm hơn so với những căn bệnh khác, xét về mặt xã hội và tâm lý”.
Lấy ví dụ, bệnh dịch tả và bệnh lao là hai căn bệnh chủ yếu từng gây kinh hoàng vào thế kỷ 19, và chúng có liên quan đến quá trình đô thị hóa, với một mặt là nguồn nước bẩn và mặt kia là sinh hoạt hỗn tạp và những nơi ở mất vệ sinh.
Còn trong tình hình hiện nay, “đang có một hiệu ứng thời đại có liên quan đến nỗi lo sợ về một đại dịch toàn cầu trong bối cảnh gắn liền với toàn cầu hóa.
Toàn cầu hóa, xét về mặt tích cực, là chúng ta có thể đáp máy bay đi đến hầu như bất cứ nơi đâu trên thế giới trong vòng vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó, mặt tiêu cực là virus cũng có thể theo đó mà chu du khắp nơi trên thế giới y như chúng ta vậy”, theo sử gia Vignaud.