Thái Lan ngừng dự án nạo vét sông Mê Kông với Trung Quốc

Chính phủ Thái Lan vừa chấm dứt một dự án hợp tác với Trung Quốc để mở rộng nhánh chính của sông Mê Kông.

 

Thái Lan ngừng dự án nạo vét sông Mê Kông với Trung Quốc

Chính phủ Thái Lan vừa chấm dứt một dự án hợp tác với Trung Quốc để mở rộng nhánh chính của sông Mê Kông.



 
 
 
Sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) giáp với Lào /// AFP

Sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) giáp với Lào   AFP

 

 
Dự án được Trung Quốc dự tính từ lâu, theo đó sẽ cho nổ các khối đá chắn trên dòng sông Mê Kông và nạo vét lòng sông ở khu vực miền bắc Thái Lan nhằm mở đường cho tàu thuyền lớn có thể di chuyển, có thể gồm cả tàu quân sự.
 
Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm tạo ra tuyến giao thương trên sông từ tỉnh Vân Nam của nước này kéo dài hàng ngàn km xuống phía nam qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
 
Một trong những điểm gây trở ngại cho tàu thuyền nằm tại khu vực Tam giác vàng, nối giữa Myanmar, Thái Lan và Lào. Theo AFP, nếu các khối đá được dời đi và lòng sông được nạo vét, tàu thuyền lớn trọng tải hơn 500 tấn có thể từ Vân Nam xuôi xuống Luang Prabang của Lào.
 
Thái Lan ngừng dự án nạo vét sông Mê Kông với Trung Quốc - ảnh 1

Lòng sông Mê Kông cạn nước tại tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan   AFP

 

Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo rằng dòng sông có thể bị hoạt động nạo vét hủy hoại trong khi an ninh chủ quyền của Thái Lan cũng có thể bị tổn hại.
 
Theo AFP, trong cuộc họp ngày 4.2, nội các Thái Lan đã quyết định ngừng dự án sau khi Trung Quốc không rót kinh phí để khảo sát khu vực cần nạo vét. Động thái này được coi là chiến thắng hiếm hoi của các nhà hoạt động trong việc bảo tồn tuyến đường thủy huyết mạch tại Đông Nam Á.
 
Nhà hoạt động Pianporn Deetes của Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho rằng đây là quyết định rất có ý nghĩa của một nước thuộc vùng hạ lưu, giúp các khu vực khác ở hạ lưu không bị hủy hoại.
 
Sông Mê Kông được cho là sở hữu sự đa dạng sinh học có thể so sánh với sông Amazon ở Nam Mỹ, nhưng nhiều loài động vật nguy cấp đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng vì các hoạt động nạo vét, xây dựng đập thủy điện
 
 
 
VI TRÂN 

TNO