24/01/2025

‘Tẩy não’ để đón xuân

Thay đổi quan niệm xã hội sẽ dẫn đến thay đổi cách sống và thay đổi chức năng của bộ não.

 

‘Tẩy não’ để đón xuân

Thay đổi quan niệm xã hội sẽ dẫn đến thay đổi cách sống và thay đổi chức năng của bộ não.



Tẩy não để đón xuân - Ảnh 1.

Chúng ta không thể thò tay vào trong bộ não và sắp xếp lại trật tự các nơron để nó hoạt động hiệu quả hơn, nhưng ta có thể thay đổi thế giới xung quanh mình. Và hãy bắt đầu năm mới bằng một thay đổi tích cực.

Năm 2016, Công ty Lumosity của Anh bị kiện ra tòa vì tội quảng cáo sai sự thật. Sản phẩm của Lumosity là những trò chơi và bài tập có tác dụng “tăng hiệu quả làm việc của bộ não, đặc biệt là cho người già”. Thua kiện, Lumosity phải trả 2 triệu đôla bồi thường.

Ấy vậy mà, từ đó đến nay, những sản phẩm của Lumosity không những ít đi mà còn ngày càng nhiều hơn. Sự phát triển của ngành thần kinh não bộ (neuroscience) tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn công ty ra đời với các sản phẩm được bán ra dựa vào lầm tưởng của con người về chính bộ não của mình.

Vậy đâu là những lầm tưởng tai hại nhất và được sử dụng nhiều nhất?

1. Chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não

Năm 2014, bộ phim khoa học viễn tưởng Lucy mang về doanh thu kha khá với hai tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới, Scarlett Johansson và Morgan Freeman. Cô gái Lucy sau khi uống một loại dược phẩm kỳ bí thì trí óc dần trở nên siêu việt, có thể dùng tâm trí để điều khiển và tiêu diệt kẻ thù.

Cô trở thành minh chứng cho giả thuyết của một vị giáo sư cho rằng con người chỉ sử dụng có 10% bộ não. Hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể làm khi 100% bộ não thực sự hoạt động.

Bộ phim bị giới khoa học mắng cho tơi bời. Đây có lẽ là nhìn nhận sai lầm phổ biến nhất vì nó thường được gắn với cái tên William James – một cây cổ thụ trong ngành tâm lý học.

Việc ông có nói thế hay không chưa ai thực sự chứng minh, nhưng hiển nhiên là toàn bộ não chúng ta làm việc cần cù tích cực và không bộ phận nào ăn không ngồi rồi cả. Hãy nhìn bộ não như một mạng lưới khăng khít, chỉ một mắt xích lỏng lẻo thôi là cả hệ thống có thể bị ảnh hưởng.

Lầm tưởng này là mỏ vàng cho các công ty làm ăn khi họ quảng bá các trò chơi, bài tập, app điện thoại hay chương trình luyện tập (Brain training) làm tăng sức hoạt động của não. Ví dụ, ngày nào cũng giải Sodoku hay luyện game không thể làm não hiệu quả hơn.

Để bộ não khỏe mạnh, chơi thể thao và học những điều mới mẻ (như một ngôn ngữ mới hay một môn học mới) là cách tốt nhất để tập thể dục cho bộ não.

2. Não trái logic, não phải sáng tạo

Brain Gym là một chương trình giáo dục của Anh, trong đó các học sinh nhỏ được học cách kích hoạt não phải bằng các phương pháp vận động, đơn giản vì não phải được cho là phần chi phối sự sáng tạo.

Lầm tưởng này ăn sâu bén rễ đến nỗi có nhiều người thậm chí tập thở bằng lỗ mũi bên trái vì nó thuộc về phần cơ thể được điều khiển bằng não phải.

Dù não trái và não phải hoạt động nhiều hơn với một số chức năng như ngôn ngữ, việc chia hai bên não ra hai phần trách nhiệm chuyên biệt như vậy là sai khoa học. Khi chúng ta làm toán (logic) hay chơi nhạc (sáng tạo), cả não trái và não phải đều hoạt động song hành cùng nhau.

Việc cho rằng một người thiên về não trái hay thiên về não phải, thiên về lý tính hay thiên về tình cảm cũng sai nốt. Trên thế giới thậm chí có những trường hợp phải cắt bỏ cả một nửa bộ não nhưng người bệnh vẫn phát triển tâm lý bình thường.

3. Có nhiều loại trí thông minh khác nhau

Howard Gardner là một cái tên mà khi nhắc đến, rất nhiều nhà khoa học sẽ hơi… nhăn mặt. Ông là cha đẻ của lý thuyết trí thông minh đa dạng, tức là mỗi người có thể thông minh một kiểu khác nhau: thính giác (chơi nhạc hay), thị giác (vẽ đẹp), ngôn ngữ (viết văn tốt), logic (không sợ toán), hình thể (tương lai là vận động viên), quan hệ cá nhân (interpersonal – giỏi giao tiếp), tự nhìn nhận bản thân (intrapersonal – biết rõ mình là ai), hướng thiên nhiên (kết nối nhận biết cỏ cây hoa lá muông thú dễ dàng).

Cứ vài năm ông Gardner lại thêm vào một vài kiểu thông minh mới, thậm chí năm 2009 ông còn cho rằng chúng ta nên có cả trí thông minh đạo đức và trí thông minh liên hành tinh (có thể kết nối với người ngoài Trái đất chăng?).

Lý thuyết của Gardner không những không dựa trên nền tảng khoa học mà còn bị khoa học bác bỏ. Ông cho rằng các loại hình trí thông minh không liên quan đến nhau.

Đây là cơ sở để chúng ta nghe đi nghe lại một câu chuyện hay nhưng sai bét, đó là việc phê phán nền giáo dục bắt con cá thi trèo cây và con khỉ thi bơi lặn. Sự so sánh này chịu ảnh hưởng của học thuyết trí thông minh đa dạng, cho rằng mỗi đứa trẻ sinh ra chỉ thông minh một thứ và chúng ta cần nuôi dạy các em dựa vào thể loại thông minh trời định ấy.

 

Khoa học chứng minh ngược lại, rằng các loại hình thông minh, nếu có, thì thường liên đới với nhau, có thể coi là trí thông minh chung chung, được đo bằng chỉ số “g” (g factor).

Bạn nào thông minh về mặt âm nhạc thì cũng dễ có khả năng sẽ thông minh về mặt toán học hay ngôn ngữ. Việc trí thông minh ấy có thể hiện được ra ngoài bằng hành động hay kết quả học tập hay không thì phụ thuộc vào nhiều điều khác như chất lượng giảng dạy, yếu tố môi trường, con người, hay sở thích cá nhân.

4. Nghe nhạc Mozart sẽ thông minh hơn

Năm 1993, trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature có đăng một bài báo nói rằng nghe nhạc Mozart sẽ khiến cho chỉ số thông minh tăng lên 8 hoặc 9 điểm. Thống đốc bang Georgia (Mỹ) thậm chí còn trích tiền công quỹ để tặng mỗi em bé sơ sinh một album Mozart.

Tuy nhiên, một kết luận khoa học chỉ có thể được công nhận là đúng khi nhiều công trình sau đó lặp lại thí nghiệm mà vẫn cho ra kết quả tương tự. Với trường hợp của nhạc Mozart, điều đó không xảy ra. Kết luận chung cho đến nay là nghe nhạc, và nhất là chơi nhạc, bất kể nhạc gì, đều khiến não hoạt động tích cực hơn.

Tẩy não để đón xuân - Ảnh 2.

5. Bộ não đàn ông và đàn bà khác nhau

Trong một nỗ lực tìm kiếm sự hiểu biết về nửa kia của mình, đàn ông và đàn bà đã tìm đến khoa học não bộ để trả lời câu hỏi tại sao ông chồng, bà vợ mình lại khó hiểu đến thế. Đàn ông sao Hỏa – đàn bà sao Kim là một cuốn sách bán chạy, vì nó khiến sự khác biệt về giới tính trở nên đơn giản hơn.

Tính ngụy khoa học của lý thuyết “não và giới” liên tục bị khoa học phản bác, nhưng lại tồn tại mạnh mẽ trong văn hóa quần chúng.

Bộ não thật ra không khác gì một cơ bắp trên cơ thể con người. Nếu chăm chỉ luyện tập, nó sẽ phình to ra, nếu lười biếng, nó sẽ teo đi. Bộ óc cũng như tấm gương phản chiếu cuộc sống xã hội. Và điều này xảy ra với bất kỳ ai, nam hay nữ.

Nếu ta đem bộ não của họ vào máy scan và nhìn thấy sự khác biệt, đó không phải do họ là đàn ông hay đàn bà, mà là do xã hội nơi họ sinh sống đã khiến não trạng của những con người này thay đổi.

Người nào thường xuyên phải giao tiếp và để mắt đến nhiều việc một lúc, hai bán cầu não sẽ bắn tia điện kín đặc hơn. Đàn bà có sự giao hòa lớn hơn giữa hai bán cầu não không phải vì họ sinh ra là như vậy mà là vì họ TRỞ NÊN như vậy.

Đàn ông trở nên giỏi giang về máy móc, kỹ thuật, công nghệ, vì họ thường xuyên bị xã hội trông đợi phải trở thành những chàng thợ không chuyên trong gia đình và tại công sở.

Như vậy, thay đổi quan niệm xã hội sẽ dẫn đến thay đổi cách sống và thay đổi chức năng của bộ não. Chúng ta không thể thò tay vào trong bộ não và sắp xếp lại trật tự các nơron để nó hoạt động hiệu quả hơn, nhưng ta có thể thay đổi thế giới xung quanh mình.

Ví dụ như thay một giờ nằm dài lướt phây bằng 30 phút tập thể dục và 30 phút dành cho gia đình, thay chiếc gạt tàn trên bàn làm việc bằng tấm hình nơi bạn sẽ đi nghỉ hè này, thay chai rượu trên bàn tiệc bằng một ly nước quả, thay hỏi người trẻ câu cửa miệng “bao giờ cưới” bằng lời hỏi thăm “năm mới cháu có hoài bão gì?”.

Bộ não thay đổi từ chính những suy nghĩ nhỏ, hành động nhỏ, chi tiết nhỏ quanh ta. Đó là lý do chính đáng để khi mùa xuân và năm mới gõ cửa, chúng ta hãy cùng tự tẩy não bản thân, hướng đến những suy nghĩ và lối sống mới mẻ, tích cực.

____________________________________________________

(*): Giảng viên ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam Hà Lan.

Tác giả của cuốn sách tiếng Anh mới xuất bản Cross-Cultural Management With Insight from Brain Science (Quản lý đa văn hóa và các đóng góp của khoa học thần kinh não bộ).

 

 

 

PGS.TS NGUYỄN PHƯƠNG MAI (*)

TTO