Bảo bọc con quá mức và những hệ luỵ
Trang Cha mẹ và con cái nhận được ý kiến của bạn đọc về việc bảo bọc con quá mức trong gia đình hiện nay.
Bảo bọc con quá mức và những hệ luỵ
Trang Cha mẹ và con cái nhận được ý kiến của bạn đọc về việc bảo bọc con quá mức trong gia đình hiện nay.
Xin được trích đăng:
Con muốn tự lập
Còn nhớ hồi con học lớp 5, tết xong cô quyên góp tiền ủng hộ một bạn trong trường không may có ba bị tai nạn giao thông mất. Các bạn trong lớp ào lên nộp rất nhanh, giành nhau nộp cho cô như thể sợ không đến lượt mình. Còn con cứ ngồi im, rất ngại với các bạn. Thằng Minh kế bên con chìa tờ 10.000 đồng và hỏi con có mượn không? Con đành lắc đầu: “Mai mình nộp sau cũng được”.
May mà cô giáo con cũng tế nhị, sau khi thu tiền cũng không nói còn bạn nào, chứ không thì con chẳng biết giấu mặt vào đâu. Con cũng có tiền nhưng hết tết mẹ thu lại của hai anh em rồi còn đâu. Mẹ cứ nói ai nuôi cho ăn học? Quần áo ai may cho mà mặc? Rồi cáu lên mẹ còn nạt: Các con có tính được với mẹ không? Có trả đủ mẹ tiền bú mớm từ bé tới giờ không? Vậy là bao năm qua con vẫn không có một cắc nào trong túi. Muốn bất cứ cái gì đều phải được mẹ đồng ý.
Bạn Mai Anh lớp con làm “ma ma tổng quản” của cả lớp lẫn ở nhà. Bạn ấy kể ba mẹ đi làm công ty, không bạn ấy thì ai chợ búa? Chưa bao giờ phải đi vay mượn ai. Bạn còn kể với con là mẹ bạn cho cuốn sổ ghi chép các khoản mua bán trong ngày vào đó để biết đường mà cân đối chi tiêu. Hay bạn Hùng Anh lớp con cũng vậy. Thi thoảng bạn rủ con xuống căngtin nhà trường ăn xôi vì buổi sáng đi học vội. Chỉ là gói xôi nhưng vui ơi là vui và thấy ấm áp cực kỳ!
Mẹ bạn ấy rất tôn trọng con. Tết xong chỉ cần báo tiền mừng tuổi của hai anh em được bao nhiêu, chi gì cứ hỏi mẹ, nếu thấy hợp lý mẹ bạn ấy sẽ ok ngay. Chứ không như mẹ, mở cặp của con ra mà thấy tiền là mẹ la lên. Mẹ tra hỏi đến ra thì thôi. Nhiều khi con cầm tiền cho tổ để mua đồ dùng hoạt động nhóm. Mẹ gọi điện trách cô giáo sao lại để trẻ con cầm tiền. Lúc nào mẹ cũng coi con là đứa trẻ con không lớn được.
Mẹ ơi! Đúng là “con dù lớn vẫn là con của mẹ” nhưng con vẫn thích được làm người lớn, được hơi hơi tự do một chút. Con cũng muốn mẹ cho con một số quyền tự quyết nhất định, hoặc là mẹ biết con đang làm việc gì đó không theo ý mẹ thì mẹ cũng đừng bắt con phải thế này thế kia. Con thèm được như các bạn. Rắn rỏi và mạnh mẽ, tự lập làm sao. Mẹ nhé!
Mặc quần áo “toàn theo ý mẹ”
Hiện nay không ít phụ huynh bảo bọc, chăm sóc con cái quá mức khiến con trẻ cảm thấy “tù túng”. Từ chuyện ăn uống hằng ngày cho đến con mặc quần áo gì – nhất là trong những ngày tết – đều phải nhất nhất tuân theo quan điểm của cha mẹ.
Anh chị H. có hai con – một trai, một gái. Các cháu học rất giỏi và chăm ngoan. Có lần hai cháu tâm sự với tôi ngày cuối tuần ba mẹ con vào siêu thị mua sắm đồ tết. Hai anh em cháu tranh nhau chọn chọn, lựa lựa và đòi mặc thử nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý vì “quần áo đó con mặc trông sẽ già trước tuổi”.
Cái áo màu vàng, cái áo màu đen có cái nơ màu hồng trên ngực với kim tuyến lấp lánh hay cái quần jean con rất muốn thử và mặc thì mẹ lại “chê lấy chê để”, nói là không hợp với lứa tuổi học trò, màu mè trông “sến” quá. Hoặc còn nhỏ mặc quần jean… không tốt cho sức khỏe, trong khi đó bộ quần áo mà mẹ chọn mua “con lại không thích mặc chút nào”.
Có lần anh chị chia sẻ với tôi con cái còn nhỏ, lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” làm sao biết nhìn nhận, đánh giá và có “gu” thẩm mỹ như người lớn mình được. Cháu gái ruột của tôi ở quê Quảng Ngãi (năm nay đang học lớp 8) cũng từng phàn nàn với tôi trong một lần tôi về thăm quê dịp Tết Nguyên đán về chuyện mẹ cháu hay mua quần áo cho cháu cũng như cho anh của cháu… toàn theo ý của mẹ, nhất là những bộ quần áo mặc tết.
Trao cho con quyền tự chọn
Dẫu biết rằng trong mắt cha mẹ, con cái mình vẫn còn bé bỏng, thơ ngây. Vì vậy chuyện “ăn gì” và “mặc gì” thì cha mẹ, người lớn trong gia đình có quyền được tư vấn, lựa chọn cho con thay vì để con tự lựa chọn. Thế nhưng không vì thế mà không trao cho con cái quyền được lựa chọn những bộ quần áo con thích, những màu áo con thích. Hãy cho con được lựa chọn cho mình những bộ quần áo đẹp, phù hợp theo cách nhìn của riêng con.
Trẻ có thể trở nên phụ thuộc
Chúng ta cần nhìn lại để hiểu rõ tình huống của bản thân và con em mình. Khi ấy ta không còn phản ứng hoặc bảo bọc theo thói quen nữa mà chúng ta biết được điều gì cần làm để tốt cho con.
Trao đổi về vấn đề này, ThS tâm lý NGUYỄN BẢO ÂN, người sáng lập Dear Mind – công ty chuyên về lĩnh vực lượng giá và hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt, nói:
– Việc các bậc phụ huynh yêu thương và muốn bảo bọc con cái của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng cách thức nuôi dạy của phụ huynh là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Chính vì thế, nếu chúng ta can thiệp quá sâu vào tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ bằng việc bảo bọc quá mức thì có thể đưa đến những kết quả không như chúng ta mong đợi.
Nếu các bậc cha mẹ bảo bọc quá mức, không để trẻ có tính tự chủ, khám phá, trẻ có thể trở nên phụ thuộc, không có trách nhiệm, và cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn cũng như những khả năng ra quyết định, các mối quan hệ xã hội về sau.
* Con cái nên ứng xử sao trong hoàn cảnh được cha mẹ bảo bọc quá mức?
– Nếu bạn là những người con được cha mẹ bảo bọc quá mức thì có thể bạn rất khó chịu. Cho nên việc đầu tiên bạn cần làm là chăm sóc những cảm xúc khó chịu của mình và hiểu rằng việc cha mẹ bảo bọc mình như vậy là vì tình thương dành cho mình. Chỉ là cách biểu hiện của tình thương đó chưa phù hợp với bạn.
* Vậy nếu thương con quá thì phải làm thế nào để cho tốt?
– Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu nói rất nổi tiếng là: “Tình yêu của bạn phải khiến cho người yêu cảm thấy tự do”. Tình yêu ở đây cũng bao gồm luôn cả tình yêu giữa cha mẹ và con cái.
Chúng ta thương yêu con em mình và việc chở che, bảo vệ là đúng. Tuy nhiên, để tránh những kết quả mà không một ai mong đợi thì ta phải biết cách thể hiện tình yêu thương của mình. Có thể chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta không bảo bọc sẽ bất lợi cho con em của mình, ý nghĩ này gây cho mình một mối lo và mình càng trở nên bảo bọc nhiều hơn để giảm thiểu nỗi lo đó.
TẤN KHÔI thực hiện
TTO