Trăng xanh hiếm, lên sao Hoả và những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2020

Năm 2020 có nhiều sự kiện thiên văn đáng chờ đợi, được nhiều chuyên gia đánh giá là năm bản lề cho nhiều sứ mệnh chinh phục lớn trong cả thập kỷ tới.

 

Trăng xanh hiếm, lên sao Hoả và những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2020

Năm 2020 có nhiều sự kiện thiên văn đáng chờ đợi, được nhiều chuyên gia đánh giá là năm bản lề cho nhiều sứ mệnh chinh phục lớn trong cả thập kỷ tới.



Trăng xanh hiếm, lên sao Hỏa và những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2020 - Ảnh 1.

 

Trăng xanh đêm Halloween

 

Năm 2020 chứng kiến một hiện tượng hiếm khi trăng xanh rơi đúng vào đêm Halloween (31-10).

Trăng xanh là tên gọi đặt cho hiện tượng 2 lần trăng rằm trong 1 tháng dương lịch. 

Do một chu kỳ Mặt trăng từ trăng khuyết đến trăng tròn khoảng 29,53 ngày nên chỉ khi trăng tròn đầu tiên rơi vào ngày 1 hoặc ngày 2 của tháng dương lịch thì đợt trăng tròn tiếp theo sẽ rơi vào ngày 30, 31 cùng tháng.

Thông thường, mất khoảng 2 đến 3 năm trăng xanh sẽ diễn ra một lần, và nếu rơi đúng vào đêm Halloween còn hiếm hơn. Theo tính toán, đến năm 2039 trăng xanh mới lại rơi vào đêm Halloween.

Trăng xanh hiếm, lên sao Hỏa và những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2020 - Ảnh 2.

Tàu thăm dò Mars 2020 chuẩn bị được đưa lên sao Hỏa – Ảnh: NASA

 

Tiên phong lên sao Hỏa

Trước khi có thể đưa con người đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2040, NASA dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ Mars 2020, trong đó gửi thêm tàu thăm dò lên hành tinh đỏ vào tháng 7-2020.

Tiếp nối công trình của tàu Curiosity, tàu thăm dò lần này được giao nhiệm vụ thu thập các mẫu thử để tiến hành phân tích, đánh giá không khí, đất đá, nước và các tài nguyên tiềm năng cũng như cách khai thác chúng.

Đây là bước tiên phong cho khả năng “tạm cư” của con người trên sao Hỏa trong tương lai. Theo ông Jim Green – giám đốc Ban khoa học hành tinh (PSD) của NASA - một trong những khó khăn khi tiếp cận sao Hỏa nằm ở giai đoạn hạ và cất cánh lên bề mặt hành tinh này.

Bên cạnh đó, một số thách thức còn là việc làm thế nào giúp con người sinh sống và làm việc trong thời gian dài trên hành tinh đỏ, cũng như cách xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu thời tiết cực đoan như bão bụi…

Trung Quốc, châu Âu và Nga lâu nay chưa phát triển thiết bị tự hành lên sao Hỏa, nhưng đều có các kế hoạch khởi động trong năm nay. Chẳng hạn, Cơ quan vũ trụ châu Âu và Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga sẽ hợp tác thiết kế một tàu thăm dò đặt tên theo nhà khoa học người Anh Rosalind Franklin, và được kỳ vọng sẽ “đối trọng” với Mỹ thời gian tới.  

Lần đầu lên không gian bằng tàu tư nhân

Trăng xanh hiếm, lên sao Hỏa và những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2020 - Ảnh 3.

Các chuyên gia của SpaceX chỉnh sửa tàu Crew Dragon – Ảnh: SPACEX

 

Kể từ khi kỷ nguyên tàu con thoi chấm dứt vào năm 2011, NASA “đi nhờ” tàu vũ trụ Soyuz của Nga khi muốn đưa các phi hành gia đến và rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Mãi đến năm 2019, NASA lên kế hoạch đưa con người lên không gian bằng tàu “nội địa” do SpaceX và Boeing hợp tác, tuy nhiên thời gian phải lùi lại vì muốn tiếp tục thử nghiệm.

SpaceX và Boeing đều có những dự án riêng tiên phong trong số các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh ngành vận tải vũ trụ.

Năm 2020, tàu Crew Dragon của SpaceX tiếp tục thử nghiệm thêm nhiều tình huống giả định ngoài không gian, trong khi đó tàu Starliner của Boeing phải “luyện tập” lại khâu kết nối với trạm ISS sau khi thất bại trong lần thử đầu tiên vào tháng 12-2019 vừa qua và buộc trở về Trái đất khi chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Mưa sao băng và nhật thực toàn phần cùng ngày

Trăng xanh hiếm, lên sao Hỏa và những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2020 - Ảnh 4.

Người dân bang Tennessee (Mỹ) ngắm nhật thực năm 2017 – Ảnh: REUTERS

 

Nhiều đợt mưa sao băng diễn ra quanh năm 2020, trong đó mưa Geminid được cho là đẹp nhất, sẽ diễn ra đêm 13 và đạt đỉnh vào rạng sáng 14-12.

Trùng hợp, hiện tượng nhật thực toàn phần duy nhất năm cũng sẽ diễn ra vài giờ sau trong ngày 14-12. Theo các chuyên gia, khu vực quan sát nhật thực toàn phần tốt nhất là Nam Mỹ, đặc biệt ở Chile và Argentina.

Trước đó, một kỳ nhật thực bán phần sẽ diễn ra vào ngày 21-6 với độ che phủ cực đại đạt khoảng 48%. Nhật thực sẽ đi qua một số nước châu Phi và châu Á, trong đó dễ quan sát ở Cộng hòa Trung Phi, Congo, Ethiopia, Pakistan, Trung Quốc…

Ngoài ra, nguyệt thực trong năm 2020 cũng xuất hiện vào các ngày 11-1, 6-6 và 30-11. Việt Nam đều có thể quan sát các lần nguyệt thực này nhưng khá khó khăn.

“Quà” vũ trụ về Trái đất

Cuối năm 2019, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu Hayabusa 2 đã hoàn thành sứ mệnh và bắt đầu trở về Trái đất.

Dự kiến cuối năm 2020, tàu sẽ đáp xuống vùng sa mạc phía Nam nước Úc, kết thúc 6 năm làm nhiệm vụ quanh tiểu hành tinh xa xôi Ryugu.

Hayabusa 2 đã hai lần thu thập mẫu vật từ Ryugu. Lần thứ nhất từ tháng 2-2019 khi tàu bắn đạn vào bề mặt làm đất đá văng lên rồi dùng thiết bị chuyên dụng lấy mẫu vật.

Sau đó vài tháng, Hayabusa 2 tiến hành một vụ nổ trên mặt tiểu hành tinh, qua đó tạo ra một hố trũng rồi cho hạ cánh xuống thu thập.

Nhiều nhà khoa học tin rằng mẫu đất đá này nguyên sơ vì chưa tiếp xúc với những môi trường khắc nghiệt của vũ trụ.

Nếu thành công, Hayabusa 2 lập được chiến công khi đem về mẫu vật đầu tiên từ lòng đất của một tiểu hành tinh.

Mặt trăng đón “khách” mới

Trăng xanh hiếm, lên sao Hỏa và những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2020 - Ảnh 6.

Tàu thăm dò Yutu-2 của Trung Quốc trên Mặt trăng – Ảnh: REUTERS

 

Năm 2019, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Israel dự định gửi thiết bị xuống bề mặt Mặt trăng, tuy nhiên chỉ có Trung Quốc thành công khi cho hạ cánh được tàu thăm dò đầu tiên xuống vùng tối của Mặt trăng.

Năm nay, Mặt trăng dự kiến sẽ đón tàu Chang’e-5 của Trung Quốc với nhiệm vụ thu thập các loại đất đá và khoáng chất trên bề mặt và quay về Trái đất. Lần cuối cùng một tàu thăm dò mang khoáng vật từ Mặt trăng về Trái đất là vào năm 1976 do Liên Xô thực hiện.

NASA cũng tiếp tục thực hiện các bước đi cụ thể hơn trong sứ mệnh Artemis cho mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng, trong đó có phụ nữ. Đây cũng là bước ngoặt xem các bên có thể vượt qua các rào cản từ nhiều phía như chính trị, vốn, công nghệ để cán đích vào năm 2024 hay không.

Hiện vẫn còn không ít chuyên gia quan ngại về thời hạn này, và năm 2020 được kỳ vọng sẽ chứng minh khả năng hoàn thành mục tiêu của NASA.

 

 

HOÀNG THI tổng hợp

TTO