24/12/2024

Ở những nơi cấm luộc tôm còn sống hoặc bỏ đói vật nuôi

Luật chăn nuôi của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Ở các nước, người ngược đãi vật nuôi sẽ bị phạt tiền hoặc có thể ngồi tù.

 

Ở những nơi cấm luộc tôm còn sống hoặc bỏ đói vật nuôi

Luật chăn nuôi của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Ở các nước, người ngược đãi vật nuôi sẽ bị phạt tiền hoặc có thể ngồi tù.


 

Ở những nơi cấm luộc tôm còn sống hoặc bỏ đói vật nuôi - Ảnh 1.

Ngày 25-11-2019, Tổng thống Donald Trump phê chuẩn đạo luật đầu tiên ở Mỹ xem hành vi đối xử tàn ác với động vật là tội ác – Ảnh: AFP

 

Ngày 25-11-2019, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn đạo luật đầu tiên ở Mỹ quy định ngược đãi động vật là hành vi phạm tội.  

Hành hạ động vật ở Mỹ có thể ngồi tù 7 năm

Theo Luật ngăn chặn hành vi tàn ác và tra tấn động vật, người ngược đãi động vật sẽ bị phạt tiền và có thể bị phạt tù đến 7 năm tù.

Luật cũng trừng phạt người phát tán video hành hạ động vật trên mạng xã hội với mức án 1 năm tù.

Tuy nhiên, luật không áp dụng cho những người giết động vật để làm thức ăn, săn bắn, câu cá hoặc động vật bị mắc bẫy.

Tại Thụy Sĩ, phẩm giá của động vật được hiến pháp bảo vệ.

Các động vật mang tính xã hội cao như chuột lang nhà phải có bạn. Thụy Sĩ quy định luộc tôm hùm còn sống hoặc bắt chó sủa phải im miệng là hành vi trái pháp luật.

Người cố tình sử dụng bạo lực với vật nuôi có thể bị phạt tới 3 năm tù. Cho đến năm 2016, thậm chí chủ chó phải tham dự các khóa nuôi dạy bắt buộc.

Ở những nơi cấm luộc tôm còn sống hoặc bỏ đói vật nuôi - Ảnh 2.

Gấu Micha chết trong chuồng vào tháng 11-2019 – Ảnh: VDN

 

Ngồi tù và bị cấm nuôi động vật

Tại Pháp, từ năm 2015, động vật được xem là sinh vật nhạy cảm. Bộ luật hình sự vẫn cho phép đá gà và đấu bò tại các địa phương có truyền thống. Tuy nhiên, người hành hạ động vật sẽ bị phạt tiền đến 750 euro.

Nếu ngược đãi nghiêm trọng vật nuôi trong nhà, động vật được thuần hóa hoặc bị nhốt, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 2 năm. Tòa án cũng có thể phán quyết cấm sở hữu vật nuôi.

Một chủ mèo ở Marseille ném mèo con vào tường rồi quay phim. Người này từng có tiền sự như thế nên đã bị kết án 1 năm tù.

Tại tỉnh Loir-et-Cher, chủ nuôi không chăm sóc chu đáo để ba con gấu làm xiếc gầy trơ xương trong chuồng gỉ sét.

Giữa tháng 11-2019, một con gấu tên Micha đã chết. Chính quyền quyết định tịch thu hai con gấu còn lại và giao cho người khác nuôi dưỡng.

Bộ Tư pháp Pháp ghi nhận trong năm 2019 đã xảy ra gần 3.000 trường hợp hành hạ vật nuôi được thụ lý. Trong khoảng 380 phiên tòa có 90% dẫn đến kết án.

Tại Ấn Độ, bò được hưởng tiêu chuẩn đặc biệt vì bò là con vật linh thiêng đối với tín đồ Ấn giáo. Bang Haryana còn hỗ trợ qua điện thoại 24/24 để ngăn chặn nạn đánh cắp hoặc ngược đãi bò,

Cá heo cũng được coi như cá thể thông minh và nhạy cảm không phải con người. Người hành hạ cá heo sẽ bị phạt tiền.

Ở những nơi cấm luộc tôm còn sống hoặc bỏ đói vật nuôi - Ảnh 3.

Cảnh sát bảo vệ động vật ở Hà Lan – Ảnh: hiveminer.com

 

Cảnh sát bảo vệ động vật

Tại Hà Lan, Luật về động vật đã được Quốc hội thông qua năm 2013.

Ngoài ra, bất cứ ai nhìn thấy chó bị bỏ lại trên bancông giữa bão tuyết hoặc hải cẩu mắc kẹt trên bãi biển đều có thể gọi cảnh sát bảo vệ động vật theo đường dây nóng dành riêng.

Đơn vị cảnh sát động vật ra đời sau một cuộc tranh luận chính trị vào năm 2010. Đơn vị này có vũ khí, còng tay và huy hiệu. Các thành viên là cảnh sát thường trực được đào tạo bổ sung và được trang bị đặc biệt.

Hiện nay, cảnh sát bảo vệ động vật Hà Lan gồm hơn 250 người, mỗi năm tiếp nhận khoảng 3.000 cuộc gọi cần can thiệp.

Từ cuối tháng 4-2015, Na Uy đã cho phép các địa phương thành lập cảnh sát bảo vệ động vật. Đơn vị này chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ vật nuôi và đấu tranh chống buôn bán động vật trái phép.

Na Uy đã ban hành Luật về phúc lợi vật nuôi quy định người nhìn thấy con vật bị thương hoặc mắc bệnh phải đến giúp đỡ và báo tin ngay cho cơ quan chức năng.

Có luật cũng như không!

Tại Tanzania, hơn 44% lãnh thổ được quy hoạch làm công viên quốc gia và khu săn bắn có phép. Luật phúc lợi động vật năm 2008 nghiêm cấm gây đau không cần thiết và có thể tránh được đối với động vật. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người đi săn có thể chi hàng ngàn USD để giết hầu như bất kỳ động vật nào.

 

H. D. LONG

TTO