Rất đông khán giả chưa được ‘đào tạo’ để thưởng thức nghệ thuật

Không hẹn mà nhiều ý kiến tại hội thảo Xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật tại TP.HCM hiện nay và định hướng phát triển cùng đặt vấn đề xây dựng mỹ cảm và “đào tạo khán giả” cho đời sống nghệ thuật

 

Rất đông khán giả chưa được ‘đào tạo’ để thưởng thức nghệ thuật

Không hẹn mà nhiều ý kiến tại hội thảo Xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật tại TP.HCM hiện nay và định hướng phát triển cùng đặt vấn đề xây dựng mỹ cảm và “đào tạo khán giả” cho đời sống nghệ thuật



Rất đông khán giả chưa được đào tạo để thưởng thức nghệ thuật - Ảnh 1.

Vở kịch rối Nàng tiên cá của Nhà hát Nụ Cười, theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, cần tạo cho khán giả trải nghiệm cảm giác xem ở sân khấu khác với qua màn hình – Ảnh: LINH ĐOAN

 

Hội thảo do Ban Tuyên giáo TP.HCM tổ chức sáng 27-12, với sự tham gia của nhiều đại diện ở các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa…

Không có khán giả, ai thưởng thức tác phẩm?

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu Idecaf – cho biết hiện tại một tháng sân khấu phải diễn ít nhất 12 suất mà ông còn không đảm bảo diễn được hết, vì ngoài một số lý do khác thì lý do quan trọng là không có khán giả!

Theo ông Tuấn, trong tình hình văn hóa nghệ thuật khá xô bồ hiện nay, khán giả lẫn lộn những giá trị và có lúc không phân biệt được cái hay, cái đẹp với những nhốn nháo, hời hợt chạy theo thị trường. Nguyên nhân theo ông là do khán giả của chúng ta chưa được tạo một “kháng thể” mạnh để có thể chống lại những tạp nham, phi nghệ thuật.

Ông cho rằng việc chúng ta đang hướng tới xây dựng công nghiệp văn hóa thì yếu tố đầu tiên cần nghĩ đến vẫn phải xuất phát từ giáo dục, chú trọng giáo dục các em từ thể chất đến tinh thần. “Nếu chúng ta không đào tạo khán giả từ bây giờ thì tương lai tác phẩm chúng ta làm ra đừng mong có người xem!” – ông Tuấn khẳng định.

Và khán giả còn lẫn lộn các giá trị

Đồng tình với ông Huỳnh Anh Tuấn, đạo diễn Hoàng Duẩn cho rằng cần phải có chiến lược đào tạo khán giả từ trong học đường. Theo ông, để làm ra một sản phẩm nghệ thuật tử tế phải tập hợp nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp, phải qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mới hoàn thành được.

Nhưng trong thời buổi thế giới mạng bùng nổ, ai cũng có thể là “nghệ sĩ trên mạng”, sản phẩm hời hợt, dung tục như thế nào cũng có thể đưa lên mạng cho nhiều người xem. Người ta có thể bất chấp nhiều chiêu trò để “câu like”.

Vì rất đông khán giả của ta chưa được “đào tạo” để thưởng thức nghệ thuật nên chưa hiểu được giá trị của tác phẩm nghệ thuật đích thực là gì. Cứ nghe, cứ “like” (thích) theo trào lưu.

Vì vậy, bên cạnh trông chờ vào “kháng thể” của khán giả, đạo diễn Hoàng Duẩn đề xuất việc trước mắt là cần chú trọng đến khâu quản lý.

“Những hoạt động biểu diễn trên sàn diễn theo tôi được biết là do sở văn hóa – thể thao quản lý, còn những sản phẩm trên mạng, trên truyền hình là thuộc phạm vi của sở thông tin và truyền thông. Tôi nghĩ hai bộ phận này cần phối hợp với nhau để chấn chỉnh các sản phẩm văn hóa đưa đến công chúng…” – ông nói.

Những lo ngại về việc “thiếu khán giả”, lo ngại nghệ thuật chân chính bị mất hút trước những sản phẩm giải trí hời hợt… đã nhiều lần được đặt ra, chứ không chỉ ở hội thảo này. Do hội thảo chỉ diễn ra buổi sáng mà lại có quá nhiều lĩnh vực nên chưa có nhiều ý kiến trao đổi, phản biện, đào sâu thêm mỗi vấn đề.

Có lẽ để “đẩy mạnh hoạt động văn hóa”, việc cấp bách không thể đợi vẫn là cần có sự quan tâm đúng mức với việc đào tạo nguồn lực cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đầu tư các thiết chế văn hóa – như ý kiến của bà Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM.

Tiến sĩ Mã Thanh Cao – cựu giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM – nhận xét nhiều chương trình đưa học sinh đi tham quan bảo tàng vẫn còn nặng tính hình thức, đi gấp gáp và cho có.

Điều cốt lõi là chương trình giáo dục về thưởng thức và lịch sử mỹ thuật trong trường phổ thông chưa được chú trọng. Điều này cũng lý giải vì sao các bảo tàng mỹ thuật thường chỉ có khách nước ngoài, rất ít khách tham quan là người VN.

 

 

LINH ĐOAN